Sáng 21/1, Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 đã chính thức khai mạc tại Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là hoạt động do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban liên lạc các Câu lạc bộ thư pháp Hà Nội tổ chức.
Điểm mới của Hội chữ năm nay, Ban tổ chức không sắp xếp các lều cho chữ ở vòng quanh Hồ Văn như năm trước mà tập hợp lại ở phía mặt trước Hồ Văn, tạo cho không gian Hội chữ tập trung, quy củ. Các chất liệu làm lều được sử dụng nguyên vật liệu truyền thống, dân dã là tre, nứa, lá và được thiết kế đồng nhất theo quy định. Ban tổ chức bố trí khoảng 50 lều để phục vụ cho hoạt động viết thư pháp, đồng thời tăng cường sự kiểm duyệt chất lượng người viết chữ.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng dành một số vị trí cho người viết chữ trên 70 tuổi, đã tham gia giảng dạy, triển lãm thư pháp và có nhiều đóng góp cho hoạt động Thư pháp Hà Nội từ năm 2000 đến nay được các các CLB Thư pháp Hà Nội suy tôn như: cụ Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu…
Ngoài hai nội dung chính là triển lãm thư pháp và hoạt động viết chữ thư pháp, Hội chữ Xuân Đinh Dậu năm 2017 còn có nhiều hoạt động phụ trợ giới thiệu giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam: Tái hiện không gian một ngôi nhà cổ ở làng quê Bắc Bộ; tổ chức khu vực làng nghề truyền thống trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội như: gốm sứ, thêu dệt, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng; Khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo - khám phá tranh Tết”.
TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, Ban Tổ chức sẽ cố gắng giám sát và quản lý hoạt động trong những ngày diễn ra Hội chữ để hạn chế tình trạng viết sai, chặt chém, nhếch nhác, lộn xộn, đóng đinh, dán giấy lên tường di tích và hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lối đi, gây mất mỹ quan…
Tại Lễ khai mạc, Ban tổ chức cũng đã tổ chức hoạt động trình diễn thư tháp và triển lãm 30 tác phẩm thư pháp Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”, tôn vinh tinh thần hiếu học, lòng biết ơn đối với các thế hệ nhà giáo Việt Nam, một nét đẹp truyền thống của dân tộc và trao giải cho các tác giả có tác phẩm đạt giải tại Triển lãm.
Cũng tại Lễ khai mạc, nhà thư pháp Trần Quốc Chí, Trưởng ban liên lạc các Câu lạc bộ Thư pháp Việt Nam đã biểu diễn thư pháp với chữ “Học đạo” nhằm chuyển tải tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa của tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và nhân dân Thủ đô.
Được biết, Hội chữ Xuân Đinh Dậu năm 2017 diễn ra từ ngày 21/1 đến 11/2 (tức 24/12 đến 15/1 Âm lịch), từ 8 giờ 30 đến 20 giờ hàng ngày. Riêng, ngày 30 Tết âm lịch, Hội chữ diễn ra đến 2 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch diễn ra đến 22 giờ để phục vụ nhu cầu xin chữ đầu Xuân của người dân thủ đô và du khách.
Nguồn: cinet.vn