Liên kết phát triển du lịch bền vững giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long
Giới thiệu
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa cao. Do đó, nếu thiếu sự đồng bộ và phối hợp trong đầu tư về kết nối giao thông, hạ tầng, kinh tế, nguồn nhân lực sẽ tác động trực tiếp đến tốc độ phát triển của ngành. Vì vậy, việc liên kết các địa phương trong vùng nhằm phát huy những thế mạnh riêng của từng địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng đang được ngành Du lịch quan tâm. TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là địa bàn hấp dẫn về các tiềm năng phát triển du lịch. Các địa phương vừa có điểm chung, vừa có thế mạnh riêng về sản phẩm du lịch.
Nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng vẫn chưa phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế; sản phẩm du lịch kém đa dạng, chưa tạo được thương hiệu du lịch vùng có bản sắc riêng, chưa hình thành được những chuỗi sản phẩm du lịch kết nối được lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn rời rạc, thiếu tính thuyết phục; không gian du lịch vùng bị gián đoạn; thực hiện chương trình du lịch còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp và hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch giống nhau, dễ gây nhàm chán.
Để phát triển du lịch một cách bền vững, TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL cần tăng cường đầu tư trong chương trình liên kết, hình thành thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của vùng. Các địa phương cần ưu tiên đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống giao thông, cả về đường bộ lẫn đường thủy; tiếp tục nâng cao, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại tỉnh; xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch của TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.
Tiềm năng du lịch TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL
Tiềm năng du lịch TP. HCM
TP. HCM là thành phố trực thuộc trung ương lớn nhất Việt Nam, là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng của quốc gia. Năm 2018, TP. HCM là đơn vị hành chính xếp thứ nhất về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ nhất về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 24 về tốc độ tăng trưởng GRDP. GRDP đạt 1.331.440 tỉ đồng (tương ứng với 52,92 tỉ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 154,84 triệu đồng (tương ứng với 6.725USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,30%.
Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, TP. HCM có 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,06km², số dân 8.993.082 người (2019), và cũng là nơi có mật độ dân số cao nhất Việt Nam. Nếu tính những người cư trú không đăng ký thì dân số thực tế của thành phố này năm 2018 là gần 14 triệu người. Đây là lực lượng giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam. TP. HCM chiếm 21,3% tổng sản phẩm (GDP) và 29,38% tổng thu ngân sách của cả nước. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, TP. HCM trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không.
TP. HCM có nhiều điểm du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm: 11 viện bảo tàng lịch sử; nhiều công trình kiến trúc đẹp, như Trụ sở UBND Thành phố, Nhà hát lớn, bưu điện trung tâm, bến Nhà Rồng, dinh Độc Lập…; địa đạo Củ Chi, rừng ngập mặn Cần Giờ, vườn cò Thủ Đức; công viên Văn hóa Đầm Sen; Thảo Cầm Viên Sài Gòn; Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên; Khu du lịch "Một Thoáng Việt Nam". TP. HCM còn là một trung tâm mua sắm và giải trí…; hệ thống các nhà hàng, quán ăn cũng là một thế mạnh của du lịch thành phố.
Tiềm năng du lịch của các tỉnh, thành ĐBSCL
Vùng ĐBSCL là vùng cực Nam của Việt Nam, có thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2019, ĐBSCL có tổng diện tích 40.548,2 km² (chiếm 13% diện tích cả nước), tổng dân số toàn vùng là 17.273.630 người (18% dân số cả nước). Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%). Chỉ riêng lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng. Chưa kể thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước... Tuy nhiên, ĐBSCL đứng về phương diện thu nhập vẫn còn nghèo hơn cả nước: thu nhập bình quân đầu người với mức 40,2 triệu đồng (cả nước là 47,9 triệu đồng/người/năm).
ĐBSCL có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn với loại hình du lịch sông nước, miệt vườn, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và đất ngập nước đồng bằng độc đáo. Vùng này không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; ẩm thực, du lịch biển - đảo; du lịch hội nghị hội thảo (MICE); du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với TP. HCM, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Nhìn chung sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người TP. HCM và ĐBSCL. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng còn chưa được đầu tư đúng mức, khai thác chưa hiệu quả; cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; không gian du lịch vùng bị ngắt khúc. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách. Hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch chung giống nhau dễ gây nhàm chán, phần lớn dựa vào thiên nhiên, khai thác sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết.
Ngoài ra, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội; sản phẩm du lịch vùng chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa ngang tầm; môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập; công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa đồng bộ; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu; doanh nghiệp du lịch trong vùng ĐBSCL chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế; đồng thời, vai trò của cộng đồng, đặc biệt là những giá trị nhân văn, những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa trong phát triển du lịch chưa được phát huy đúng mức.
Liên kết phát triển du lịch bền vững giữa TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL
Trước nhu cầu liên kết, phát triển du lịch bền vững giữa TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, UBND TP. HCM và UBND 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kếtthỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025. Theo nội dung ký kết, hợp tác, các địa phương thống nhất thành lập Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL do chủ tịch UBND TP. HCM làm Chủ tịch Hội đồng. Thỏa thuận liên kết này có hiệu lực từ năm 2020 đến năm 2025, gồm 5 nội dung hợp tác: (1) Tăng cường trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch giữa 14 địa phương: thông tin về các sản phẩm du lịch, các hiện tượng tiêu cực, hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch; thông tin về thị trường khách du lịch quốc tế, tình hình nhân lực và công tác đào tạo nguồn du lịch…; (2) Phát triển sản phẩm du lịch: trên cơ sở tiềm năng du lịch địa phương, các tỉnh, thành trong chương trình liên kết sẽ lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình liên kết hợp tác; (3) Quảng bá xúc tiến du lịch: xây dựng thương hiệu du lịch vùng TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; trên cơ sở nhu cầu quảng bá điểm đến của các tỉnh, thành ĐBSCL, TP. HCM sẽ làm đầu mối mời các cơ quan truyền thông, hãng lữ hành của thành phố và quốc tế thực hiện các chương trình khảo sát (famtrip và presstrip) để quảng bá sản phẩm du lịch, chương trình du lịch, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa các tỉnh, thành trong liên kết…; (4) Phát triển nguồn nhân lực du lịch: hợp tác nâng cao trình độ quản lý các cơ sở du lịch của TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL theo chuẩn quốc tế, giai đoạn 2020 - 2022; TP HCM hỗ trợ giới thiệu giảng viên đào tạo, tập huấn tại các địa phương theo nội dung do các tỉnh, thành đề xuất; (5) Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch: các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết chủ động lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch để các thành viên cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch trong nước và quốc tế; TP. HCM hỗ trợ kêu gọi, giới thiệu các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm tới lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, thành trong liên kết…
Trong quá trình phối hợp, triển khai, các địa phương có thể đề xuất, góp ý các nội dung, nhiệm vụ thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Theo thỏa thuận hợp tác, Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL do chủ tịch UBND TP HCM làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng họp mỗi năm hai lần (vào tháng 5 và tháng 11). Sau mỗi cuộc họp, thống nhất ký phát hành thông báo kết luận gửi đến thường trực Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND 14 địa phương để cùng thực hiện. Kết thúc giai đoạn liên kết sẽ tổ chức họp, đánh giá kết quả phối hợp và định hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.
Các giải pháp liên kết trong ngành Du lịch khu vực TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL
Liên kết du lịch vùng không làm giảm sức mạnh và thị phần của từng địa phương mà ngược lại còn tăng thêm sức mạnh cạnh tranh, mở rộng thị trường một cách dễ dàng hơn. Từ đó, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách cũng như tăng doanh thu cho ngành Du lịch. Trong liên kết phát triển du lịch bền vững giữa TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, cần có các giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung đẩy nhanh kết nối về mặt giao thông trong cả bốn phương thức (đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không), ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đường thủy - một trong các lợi thế của vùng ĐBSCL và mở rộng đường hàng không. Các địa phương cần có chính sách phù hợp, kêu gọi các nhà đầu tư, xây dựng đề án quy hoạch cơ sở hạ tầng phát triển lâu dài phục vụ dân sinh và phát triển du lịch. Tập trung thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng - nhất là hệ thống đường giao thông kết nối các điểm du lịch, các kênh rạch trên các tuyến tham quan đường sông, hệ thống bến thuyền tại các đầu mối đưa đón khách du lịch tham quan đường sông trên tuyến sông Tiền, sông Hậu.
Thứ hai, đẩy mạnh hình thành, đa dạng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng của vùng, tạo sự khác biệt rõ nét với các vùng du lịch phía Bắc và miền Trung (tập trung khai thác các giá trị văn hóa của TP. HCM và ĐBSCL). Nâng cấp trang web về hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL gắn với nhãn “Sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL”. Để du lịch ĐBSCL phát triển, tạo ấn tượng với du khách, TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần xây dựng một thương hiệu du lịch chung có tên là “Mekong Delta”. Trong đó, cần phải kêu gọi người dân, nhất là các doanh nghiệp cùng tham gia liên kết, phát triển, tạo nên các sản phẩm đặc thù. Đối với du lịch nội địa có thể dùng tên chung như “Hương sắc Nam Bộ” để nói về những điều nổi bật vùng ĐBSCL. Ngoài ra, nên có thêm nhiều hoạt động ẩm thực và thể thao để tạo sự kiện, điểm nhấn thu hút du khách hàng năm.
Thứ ba, liên kết trong công tác quảng bá, truyền thông cần phải đi vào cụ thể và có sản phẩm chung (hội chợ du lịch quốc tế của TP. HCM tháng 9 hàng năm, bố trí một gian hàng chung giới thiệu về du lịch vùng). Xây dựng hệ thống thông tin về du lịch sinh thái các vườn quốc gia, khu bảo tồn để bảo đảm thông tin xúc tiến và bảo vệ môi trường. Thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch vùng; xây dựng nhãn, tiêu chí nhãn và phát triển nhãn “Sản phẩm du lịch TP. HCM và vùng ĐBSCL”.
Thứ tư, phát triển du lịch trong xu hướng của du lịch thông minh và du lịch xanh. TP. HCM sẽ đặt trọng trách là đầu tàu trong phát triển đô thị thông minh, du lịch thông minh, hình thành mô hình mẫu để thực hiện các hình thức tư vấn, chuyển giao đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Liên kết phát triển du lịch phải đảm bảo tính bền vững. Phát triển du lịch không tách rời nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch; gắn du lịch với bảo vệ môi trường sống, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên, các di sản; lồng ghép các mô hình đô thị sinh thái, nông thôn xanh, các mô hình về tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên.
Thứ năm, xây dựng các tuyến du lịch, lấy TP. HCM làm trung tâm, là điểm tiếp nhận, là đầu mối đón và phân phối khách chính đến ĐBSCL. Có thể quy hoạch 3 trục tuyến chính: tuyến du lịch xuyên tâm: có chủ đề "Những nẻo đường phù sa" với hành trình từ TP. HCM qua các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, nhằm khai thác những giá trị cốt lõi như sinh thái miệt vườn, giá trị văn hóa đặc sắc ở các địa phương, ẩm thực hấp dẫn, và không gian của những chợ nổi và giá trị của các công trình di tích lịch sử - văn hóa; tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam có chủ đề "Non nước hữu tình" từ TP. HCM đi các tỉnh, thành phố: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với các sản phẩm mới để khai thác sức hấp dẫn về bản sắc văn hóa, du lịch cộng đồng thân thiện cùng sự lôi cuốn của ẩm thực vùng biển và những trải nghiệm văn hóa Khmer Nam Bộ; tuyến du lịch theo hướng biên giới phía Tây tiếp giáp Campuchia có chủ đề "Sắc màu vùng biên" sẽ đưa du khách trải qua hành trình từ TP. HCM đến các điểm Long An, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang để khám phá vẻ đẹp của vùng Ðồng Tháp Mười, giá trị văn hóa ở các tỉnh biên giới và những điểm đặc trưng của mùa nước nổi…
Việc xây dựng những sản phẩm du lịch chung thông qua ba tuyến du lịch nêu trên sẽ góp phần kết nối, phát huy giá trị đặc trưng của từng vùng, tránh sự trùng lặp. Mỗi tuyến có sản phẩm đặc trưng khác biệt, đồng thời triển khai các tuyến theo hàng ngang kết nối giữa các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Phần lớn khách du lịch đến các tỉnh, thành ĐBSCL đều xuất phát từ TP. HCM. Nhiều công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng, resort tại TP. HCM đều đặt chi nhánh tại các tỉnh, thành ĐBSCL, tạo thuận lợi cho du khách khi lưu trú, nghỉ dưỡng, góp phần tăng doanh thu du lịch cho khu vực.
Thứ sáu, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Du lịch. Thiết lập mối quan hệ đối tác với các trường đại học và viện nghiên cứu có uy tín để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ hướng dẫn viên đến cấp quản lý, vận hành, phục vụ các lĩnh vực trong ngành Du lịch. Tổ chức hội thảo khoa học của từng địa phương và cả vùng để phân tích đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho các địa phương và cả khu vực. Chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề đội ngũ làm du lịch; thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển du lịch vùng.
Thứ bảy, xác lập cơ chế điều hành của Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch, xây dựng quy chế phối hợp giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL để có những chính sách, chương trình phát triển du lịch đồng bộ, trong đó TP. HCM là đầu tàu, cầu nối hỗ trợ các tỉnh ÐBSCL trong việc kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, phát triển hạ tầng, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Bên cạnh chính sách phát triển du lịch riêng của từng địa phương, một quy chế phối hợp chung để phát triển du lịch TP. HCM và vùng ÐBSCL là điều hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng cho hoạt động du lịch của các địa phương.
Phát huy những thành quả trong liên kết du lịch vùng, chính quyền địa phương các tỉnh, thành tiếp tục cùng với ngành du lịch TP. HCM hợp tác phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Vì thế, trong kết nối du lịch vùng cần đảm bảo lợi ích giữa các địa phương. Chính sự hài hòa lợi ích sẽ tạo ra sự hợp tác lâu dài, bền vững, đảm bảo sự cân đối, đồng thuận cao trong liên kết. Các địa phương nên thúc đẩy phát triển du lịch vùng thay vì phát triển riêng lẻ từng địa phương để tránh tình trạng sản phẩm bị tương đồng như hiện nay.
Kết luận
Trong xu hướng phát triển nền kinh tế và nhu cầu xã hội, hội nhập du lịch của điểm đến sẽ mang lại nhiều lợi ích mà trước hết đó là cơ hội mở rộng thị trường du lịch, cơ hội phát triển các tuyến du lịch và sản phẩm du lịch liên kết ở quy mô lãnh thổ lớn hơn, cơ hội có được những chính sách chung hỗ trợ hiệu quả hơn. Vì vậy sự kết nối toàn diện và bền vững giữa các địa phương là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong đó, liên kết phát triển trong du lịch cần được nhận diện là một trong những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong những năm qua, nhận thức về vai trò đối tác trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP, HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL chưa được đầy đủ, nhất là trong ngành du lịch, do đó chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh hợp tác du lịch giữa TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL
Trong thời gian tới, cần có sự liên kết phát triển du lịch bền vững giữa TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL, nhằm khai thác các tiềm năng của các địa phương như: sản phẩm du lịch chủ yếu của TP. HCM là du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, mua sắm), còn thế mạnh du lịch của ĐBSCL là miệt vườn, biển đảo, văn hóa đặc trưng. Vì vậy, cần liên kết hai sản phẩm du lịch này trong kế hoạch xây dựng chương trình du lịch cụ thể. Trong đó, mục tiêu đặt ra từ việc liên kết là tăng chi tiêu bình quân của du khách tại các tỉnh, thành, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Ngoài ra, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TP. HCM và vùng ĐBSCL để giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo của khu vực và các sản phẩm riêng của từng địa phương.
TP. HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL cần phải có cơ chế điều hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù. Khai thác các thế mạnh của TP. HCM và ĐBSCL về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử; tăng cường chuẩn hóa, quốc tế hóa các nguồn tài nguyên du lịch. Kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia phát triển du lịch bền vững gắn với bảo về môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Thúy Anh (2011), Giáo trình du lịch văn hóa – những vấn đề lý luận và nghiệp vụ, Nxb Giáo dục.
2. Nguyễn Nhã (Chủ biên) (2009), Bản sắc ẩm thực Việt Nam, Nxb Thông tấn.
3. Dương Văn Sáu (2010), “Phát triển sản phẩm du lịch ở Việt Nam”, Tạp chí Du lịch Việt Nam (số 3), tr. 33.
4. Võ Văn Thành (2013), Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam, Nxb Trẻ.
5. Trần Ngọc Thêm (Chủ biên) (2014), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.
6. Ngô Đức Thịnh (2002), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Trẻ.
7. Phan Thị Yến Tuyết (2016), Đời sống xã hội – kinh tế văn hóa của ngư dân và cư dân vùng biển Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM.
Linking sustainable tourism development between Ho Chi Minh City and other provinces and cities in the Mekong Delta
Dao Hoang Lien
Nguyen Phuoc Hien
Faculty of Tourism and Vietnamese Studies, Nguyen Tat Thanh University
Abstract
In the trend of domestic and global economic integration and development, the industries of each locality need to be linked and coordinated to create development power and create economic value for the province, city and city. area. The association and cooperation in tourism development between Ho Chi Minh City (HCMC) and the provinces and cities of the Mekong Delta will create strengths, enhance tourism development for the region, and contribute to the development of tourism in the region. contribute to the overall development of the country. The article is based on an overview of the current situation of the tourism industry in Ho Chi Minh City and other provinces in the Mekong Delta, evaluates the tourism potential of the region, then analyzes the linking contents and offers solutions to link in the industry. tourism in Ho Chi Minh City and other provinces and cities in the Mekong Delta.
Keywords: Tourism, Sustainable tourism, Link to develop sustainable tourism. |
Nguyễn Phước Hiền
Đinh Thị Quỳnh Như
(Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành)