Ở trong nước, hậu quả thiên tai, dịch bệnh nặng nề các năm trước chưa kịp khắc phục thì rét đậm, rét hại kéo dài lịch sử lại xảy ra ngay đầu năm; dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh bùng phát trở lại làm cho ngành sản xuất nông nghiệp tiếp tục bị đe dọa. Bên cạnh đó, những lúng túng trong điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng… đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường, làm cho giá cả hàng hóa, dịch vụ liên tục biến động và tăng cao. Tốc độ trượt giá và lạm phát trong những tháng đầu năm đã lên đến mức đáng lo ngại, nguyên nhân và giải pháp nào để kiềm chế xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo đang là vấn đề thời sự nóng bỏng, được nhiều cấp lãnh đạo, nhiều ngành quản lý và người tiêu dùng quan tâm.
Trượt giá và lạm phát với tốc độ đáng lo ngại
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng so với tháng trước liên tục tăng cao trong 3 tháng qua: Tháng 1 so với tháng 12/2007 tăng 2,38%, tháng 2 so tháng 1 tăng 3,56% và tháng 3 so tháng 2 tăng 2,99%. CIP tháng 1 và 2 tăng cao là do nhu cầu hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết tăng cao tác động và đây cũng là quy luật biến động giá thời vụ hằng năm, nhưng tháng 3 tăng cao lại là một biểu hiện mới không bình thường của năm nay. Theo quy luật thời vụ biến động giá hằng năm ở nước ta thì CPI luôn tăng cao nhất trong tháng 01 và 2, tức là tăng cao trong dịp Tết, sau Tết đến tháng 3 thường chững lại và giảm xuống so với tháng 2, do giá một số hàng hóa và dịch vụ trong dịp Tết tăng cao giảm trở lại. Cụ thể CPI tháng 3 so với tháng 2 trong 11 năm từ 1997 - 2007 đã có đến 9 năm giảm từ 0,2% đến 1,1%, nhưng tháng 3 năm nay đã tăng 2,99%, tức tăng gần 3% và đạt tốc độ tăng kỷ lục của 19 năm kể từ năm 1990 đến nay. Điều đáng lo ngại hơn là tốc độ trượt giá và lạm phát tháng 3 năm nay chỉ còn kém hơn mức 4,8% của tháng 3/1989 là tháng cuối cùng của thời kỳ tăng phi mã thập kỷ 80 thế kỷ trước. Tốc độ tăng CPI tháng 3/2008 so với tháng 12/2007, hay tốc độ trượt giá và lạm phát sau 3 tháng đầu năm đã tăng 9,19%. Đây cũng là một tốc độ tăng kỷ lục của 16 năm kể từ năm 1993, trong thời kỳ 1993 - 2007 chỉ số này chỉ tăng dưới 5%, trong đó các năm từ 1997 - 2003 chỉ tăng từ 0% - 3%. Tốc độ tăng CPI bình quân 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2007, hay tốc độ trượt giá và lạm phát sau 01 năm của quý I đã tăng 16,39%. Đây là tốc độ tăng kỷ lục vượt trội cao hơn rất nhiều lần so với tốc độ tăng của các năm kể từ 1996 đến nay.
CPI quý I năm nay tăng cao chủ yếu do giá của 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất đã tăng cao tác động. Đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm gần 43% trong rổ hàng tiêu dùng; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng (bao gồm cả nhiên liệu, chất đốt, điện nước) chiếm gần 10% và nhóm phương tiện đi lại bưu điện chiếm hơn 9%. Tốc độ trượt giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống hàng tháng so với tháng trước trong 3 tháng đầu năm lần lượt tăng 3,76%, 6,18% và 3,88%.
Giá vàng - một loại hàng hóa đặc biệt - cũng đặc biệt tăng mạnh và bất ổn định nhất trong ba tháng đầu năm nay. Tốc độ tăng giá hàng tháng so với tháng trước lần lượt tăng: 5,07%, 5,91% và 6,45%; tốc độ trượt giá tháng 3 so với tháng 12/2007, hay sau 3 tháng đầu năm tăng 18,46%; tốc độ trượt giá bình quân 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ, hay sau một năm của quý I/2008 là 40.48%. Nhìn chung các tốc độ trượt giá của vàng so với tháng trước, so với tháng 12 năm trước và bình quân cả quý I/2008 so với cùng kỳ năm trước đều đã đạt mức tăng kỷ lục từ năm 1995 đến nay.
Nguyên nhân đã làm cho CPI và lạm phát tăng cao
Nguyên nhân bao trùm nhất là do thị trường thế giới có nhiều biến động phức tạp khó lường, các nền kinh tế lớn đều sụt giảm, giá các nguyên, nhiên, vật liệu, thực liệu quan trọng cho sản xuất và tiêu dùng như xăng dầu, sắt thép, phân bón, hóa chất, nguyên phụ liệu thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm nước ta phải nhập khẩu đã liên tục tăng rất cao tác động; do các yếu kém trong quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là trong điều hành các công cụ tài chính, giá cả, tiền tệ, tín dụng bộc lộ nhiều bất cập, đã gây cho thị trường những cú sốc lớn tác động.
Nguyên nhân trực tiếp: Do CPI và lạm phát 3 tháng đầu năm nay tăng cao chủ yếu tập trung ở ba nhóm hàng hóa và dịch vụ lớn nhất là hàng ăn, dịch vụ ăn uống; nhà ở vật liệu xây dựng và phương tiện đi lại, bưu điện đã tăng cao. Do đó, nguyên nhân trực tiếp làm cho tốc độ tăng giá của 3 nhóm hàng này cũng chính là nguyên nhân đã làm cho CPI và lạm phát tăng cao trong 3 tháng đầu năm nay.
Trước hết đối với giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao có 3 nguyên nhân trực tiếp là: (1) Do hậu quả của thiên tai lũ lụt, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng gia súc, dịch lợn tai xanh liên tiếp xảy ra trong năm 2007 làm giảm sút một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm chưa kịp khắc phục thì đầu năm lại xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài lịch sử tiếp tục gây thêm những tổn thất vật chất to lớn cho nhân dân và tác động bất lợi rất lớn đến sản xuất nông nghiệp làm nguồn cung lương thực - thực phẩm cho thị trường vốn đã mất cân đối lại càng căng thẳng thêm trong đầu năm nay, từ đó giá liên tục tăng cao; (2) do giá nhập khẩu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm để sản xuất chế biến phục vụ tiêu dùng như bột mỳ, lúa mỳ, nguyên liệu sữa và sản phẩm sữa… tăng rất cao tác động; do trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý nhu cầu tiêu dùng nhiều loại lương thực, thực phẩm tăng cao làm cho giá tăng rất mạnh trong 2 tháng 01 và 2.
Đối với nhóm nhà ở vật liệu xây dựng (bao gồm cả dịch vụ thuê nhà, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng) chỉ số giá tăng cao kỷ lục có 2 nguyên nhân chính là: (1) do giá sắt thép, phôi thép; giá nhiên liệu, chất đốt; giá gạch, ngói, xi măng, đá cát sỏi đều tăng cao. Đặc biệt chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng lớn trong giá vật liệu xây dựng đã tăng kỷ lục do giá xăng dầu tăng lên; (2) do nhu cầu thuê nhà ở của học sinh, sinh viên, lao động nông thôn ra tìm kiếm việc làm ở thành phố tăng cao trong khi nguồn cung nhà cho thuê lại bị hạn chế làm cho giá dịch vụ thuê nhà ở liên tục tăng cao tác động.
Đối với giá nhóm phương tiện đi lại bưu điện tăng cao hoàn toàn do giá cước các loại phương tiện đi lại tăng cao, còn cước bưu chính viễn thông thuộc nhóm này không những không tăng mà bình quân 3 tháng đầu năm còn giảm gần 12% so với cùng kỳ 2007. Nguyên nhân trực tiếp làm cho giá cước phương tiện đi lại tăng cao là do giá xăng dầu tăng từ ngày 25/2/2008 tác động. Việc giá xăng dầu tăng lên trực tiếp làm cho giá cước vận tải nói chung, cước phương tiện đi lại nói riêng tăng theo là một tất yếu không thể tránh khỏi, do chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí của hoạt động vận tải. Tuy nhiên, ở đây lại có một điều rất cần lưu ý là, đã có hiện tượng lợi dụng từ việc tăng giá xăng dầu này của Nhà nước để “té nước theo mưa” tăng giá cước phương tiện đi lại lên gấp nhiều lần so với tốc độ tăng giá xăng dầu.
Giải pháp kiềm chế lạm phát tiếp tục tăng thời gian tới
Trước thực tế lạm phát tăng cao, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh để chống lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp về vấn đề này. Các giải pháp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đưa ra là một hệ thống khá đồng bộ và đầy đủ, nếu được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế và mọi người dân thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên, có hiệu quả thì chắc chắn cơn bão tăng giá sẽ được chặn lại trong nay mai, thị trường sẽ dần đi vào thế ổn định, tốc độ trượt giá và lạm phát sẽ chậm lại và khả năng giữ được như năm 2007 tuy có nhiều khó khăn nhưng vẫn còn cơ hội. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát này của Chính phủ thì cần lưu ý thêm đối với một số giải pháp cụ thể như sau:
Trước hết về giải pháp tiền tệ, cần rà soát lại thật nghiêm túc những bất cập trong quá trình điều hành vừa qua, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để không lặp lại những tác động “giật cục” cùng lúc đưa ra rất nhiều biện pháp gây sốc cho thị trường. Việc thực hiện theo chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn phải bảo đảm cho hoạt động bình thường của các thị trường tài chính, chứng khoán, tiền tệ, tín dụng, lưu thông hàng hóa dịch vụ, xuất nhập khẩu… Chính sách tỷ giá cần thực hiện linh hoạt hơn, không nên gắn chặt và phụ thuộc quá nhiều vào một đồng tiền duy nhất là USD, cần đa dạng hóa ngoại tệ để giảm rủi ro khi có biến động lớn tỷ giá.
Đối với giải pháp cắt giảm đầu tư và tiết kiệm chi tiêu: Để cắt giảm các dự án đầu tư chưa cần thiết và kém hiệu quả, tập trung vốn cho các dự án có hiệu quả và có khả năng sớm hoàn thành đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm cho xã hội thì trước hết phải có một cuộc tổng rà soát cụ thể để đưa ra được một danh mục các dự án nào cần cắt giảm, dự án nào giãn thời gian thực hiện. Đối với những dự án cần cắt giảm, phải thực hiện thật kiên quyết thì chủ trương này mới hy vọng có kết quả như mong muốn, vì đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến lợi ích rất nhiều bên. Việc tiết kiệm chi tiêu của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước là rất cần thiết, nếu chỉ tiết kiệm 10% e rằng vẫn còn quá ít so với những khoản chi tiêu còn lãng phí to lớn hiện nay. Để làm tốt việc này cần có biện pháp quản lý giám sát chặt chẽ và có thái độ kiên quyết, gương mẫu của các cấp lãnh đạo.
Đối với giải pháp tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát pháp luật nhà nước về giá vẫn là biện pháp không thể thiếu được. Bởi vì, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay vẫn còn không ít các cơ sở sản xuất kinh doanh ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách và luật pháp của Nhà nước chưa nghiêm, luôn tìm mọi cách để lợi dụng các kẽ hở của chủ trương chính sách để luồn lách lợi dụng. Hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu của Nhà nước để “té nước theo mưa” nâng giá cước phương tiện đi lại là một minh chứng cụ thể và không phải chỉ là hiện tượng cá biệt. Vì vậy, các cơ quan quản lý chức năng có liên quan cần vào cuộc để kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực. Nếu thực hiện tốt những giải pháp này chắc chắn sẽ có đóng góp không nhỏ cho kìm hãm tốc độ tăng CPI và lạm phát trong những tháng tới.
TS. LÝ MINH KHẢI