Các vấn đề cần lưu ý
Đã có nhiều phân tích của các chuyên gia trong và ngoài Ngành về tiềm năng và lợi thế, thuận lợi hay khó khăn để phát triển du lịch khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ tập trung vấn đề phát triển bền vững cho du lịch.
Thứ nhất, để du lịch phát triển bền vững khu vực phải đạt được đầy đủ các mục tiêu và thực hiện đúng các nguyên tắc của phát triển bền vững.
Thứ hai, cần xét đến các mục tiêu trong ngắn hạn, dài hạn mà khu vực cần hướng tới. Chẳng hạn như các mục tiêu về số lượng, chất lượng hay mục tiêu về phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng, bất động sản du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch. Trong những năm qua, nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực để phát triển du lịch bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, kêu gọi các nhà đầu tư, xây dựng các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành… từng bước thay đổi được nhận thức, cách làm của các cấp, các ngành và cộng đồng về giá trị mang lại của du lịch; trong đó, một số nơi đã đạt được thành quả đáng ghi nhận như: Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận. Tuy nhiên, nếu các địa phương vẫn thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm thì rất khó tạo mối liên kết để phát triển du lịch bền vững, hiệu quả.
Thứ ba, sự bền vững phải được thể hiện cả trong trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên. Các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa việc liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch và chính quyền để thống nhất các biện pháp khai thác, phát triển du lịch.
Thứ tư, từng bước tìm giải pháp tháo gỡ những trở ngại đối với phát triển du lịch bền vững, ví dụ như lợi ích đối với địa phương này có thể là nguy cơ gây ảnh hưởng đến địa phương khác (như vấn đề môi trường, hoặc phát triển công nghiệp có tác động đến môi trường, hạ tầng…).
Thứ năm, quan tâm đến sinh kế của người dân tại các địa phương phát triển du lịch bằng các biện pháp tạo việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, từng bước giúp họ thay đổi tư duy, nhận thức và cách làm du lịch, tạo ra những sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ du khách.
Thứ sáu, bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị tài nguyên thiên nhiên và môi trường, văn hóa, xã hội. Hoạt động du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương nhưng lại có tác động rất lớn đến môi trường và các vấn đề xã hội. Nếu không chú trọng đến công tác bảo tồn thì chắc chắn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sẽ bị hủy hoại và thậm chí đi ngược với mong muốn của con người. Do đó, các địa phương phải hết sức coi trọng vấn đề này trong quá trình phát triển du lịch.
Giải pháp đề xuất
Để phát triển du lịch bền vững, một số giải pháp được đề xuất đối với các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ như sau:
Một là, khẩn trương điều chỉnh quy hoạch du lịch của từng địa phương sao cho phù hợp với tổng thể chung của khu vực.
Hai là,2- xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung cho khu vực.
Ba là, cam kết mạnh mẽ từ phía chính quyền và kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Bốn là, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành Du lịch, giữa ngành Du lịch với các ngành khác như giao thông vận tải, ngoại giao, an ninh, tài chính, công nghiệp, nông nghiệp, chính quyền địa phương các cấp.
Năm là, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã đề ra, chia sẻ hợp lý các lợi ích mang lại.
Sáu là, xử lý nghiêm tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh chộp giật, gây ô nhiễm môi trường...
Nguyễn Mạnh Hùng