Hoạt động du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu
Tín ngưỡng thờ Mẫu vốn được coi là tín ngưỡng dân gian bản địa quan trọng nhất của người Việt, nên có sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong tâm thức người dân.
Tháng 3/2015, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” tới tổ chức UNESCO đề nghị xem xét công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho di sản này. Sự thay đổi nhận thức của Nhà nước, chính quyền đối với tín ngưỡng thờ Mẫu giúp cho hoạt động hành hương, thờ phụng của người dân được thừa nhận trên cơ sở pháp lý. Đây là điều kiện quan trọng để tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như hệ thống các giá trị vật thể và phi vật thể gắn với nó có cơ hội phát triển thành những sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.
Hiện nay, số lượng khách du lịch đến với những địa danh, trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khá lớn. Những địa danh thờ Mẫu nổi tiếng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, hành hương là: phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Công Đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)... Nhìn chung, ở nước ta số lượng khách hành hương, du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ đứng thứ hai so với khách hành hương đi du lịch gắn với Phật giáo và đối tượng du khách này ngày càng có xu hướng tăng lên.
Một đặc điểm của du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu là các lễ hội thường diễn ra rải rác quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa thu và mùa xuân. Đây cũng là ưu điểm vì các hãng du lịch có thể khai thác quanh năm các điểm du lịch trong hệ thống các địa danh đền thờ Mẫu.
Đối với các hãng lữ hành, du lịch tâm linh nói chung và du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là sản phẩm đầy tiềm năng. Giám đốc Công ty Du lịch Cầu Vồng Vũ Hoàng Ân cho biết: Mấy năm trở lại đây, nhận thấy ngày càng nhiều khách hàng có nhu cầu tổ chức những tour đi lễ hội, tham quan những địa danh tâm linh nổi tiếng nên công ty đã xây dựng những tuyến, điểm du lịch tâm linh để khai thác… Trước đây, người dân thường tự tổ chức đi đến những điểm du lịch tâm linh nhưng hiện nay do gặp nhiều phiền phức như chèo kéo, “chặt chém” nên họ tìm đến các công ty du lịch chuyên nghiệp để chuyến đi được an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu ăn ở, lưu trú, giải trí dành cho du khách ở các điểm du lịch có gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp. Ngoài trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu lớn ở Phủ Dầy (Nam Định) có khu vực lưu trú dành cho khách thập phương đến hầu thánh (nhưng cũng thường xuyên rơi vào trạng thái quá tải trong những dịp chính hội), các điểm du lịch tâm linh gắn với thờ Mẫu còn lại thường không có chỗ lưu trú cho khách. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch đã có tác động không nhỏ lên cảnh quan vốn có của các điểm du lịch tín ngưỡng thờ Mẫu. Lượng rác thải do hoạt động tham quan du lịch đem lại thường nằm ngoài khả năng xử lý của chính quyền địa phương và các ban quản lý di tích. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến cảnh quan chung của khu dân cư sinh sống quanh điểm du lịch và làm xấu hình ảnh những địa điểm văn hóa vốn được người dân, khách du lịch xem là nơi thanh tịnh. Việc không gian của điểm du lịch tâm linh bị xâm hại nhường chỗ cho hàng quán, điểm dịch vụ du lịch dẫn đến sự thu hẹp không gian bảo tồn và tính nguyên trạng của điểm, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Các tệ nạn xã hội vẫn xuất hiện tại các điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch.
Hoạt động diễn xướng trong khi hát chầu văn của người hầu đồng là một nghi lễ rất đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu, mới đây Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 11 người thực hành hành diễn xướng và truyền dạy nghi lễ chầu văn, như vậy có thể thấy rằng nghệ thuật hát văn rất có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế cung văn - người hát văn và ban nhạc chỉ là một thành phần trong khi thực hành nghi lễ diễn xướng hầu đồng, các ông đồng bà cốt mới là người đóng vai chính trong các giá đồng trên nền nhạc đàn ca của cung văn. Trong việc thực hành nghi lễ diễn xướng hầu đồng có nhiều vấn đề xung quanh còn gây tranh cãi như: tình trạng biến tướng của việc rải tiền, thưởng tiền, việc đốt quá nhiều vàng mã..., gây lãng phí tiền của xã hội, đồng thời làm mất đi ít nhiều ý nghĩa linh thiêng, thanh sạch của hoạt động tâm linh là tôn kính, ca ngợi các thánh mẫu…
Khai thác hiệu quả du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu
Để phát triển bền vững và khai thác hiệu quả loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, thiết nghĩ ngành Văn hóa - Du lịch, chính quyền địa phương và Ban quản lý điểm du lịch thờ Mẫu cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức và quản lý hoạt động của điểm tâm linh thờ Mẫu. Ngành Văn hóa - Du lịch thực hiện chức năng chuyên môn trên cơ sở đánh giá văn hóa và giá trị di tích từ đó giới thiệu cho các công ty du lịch tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch; tập trung nghiên cứu những giá trị truyền thống (kiến trúc, vật liệu xây dựng, không gian văn hóa truyền thống) để đưa ra những định hướng cho việc trùng tu, tôn tạo. Chính quyền địa phương thực hiện những biện pháp quản lý di tích hiệu quả, đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản và làm việc trực tiếp với người dân địa phương trong quá trình phát triển du lịch. Người dân địa phương cần nắm bắt chính sách của chính quyền, những nguyên tắc bảo tồn di tích và tham gia phục vụ hoạt động du lịch có trách nhiệm…
Xây dựng hạ tầng và các dịch vụ cơ bản
Chính quyền địa phương và các ngành hữu quan cần xây dựng quy hoạch tổng thể và có chính sách đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, đường nội bộ, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ y tế và các công trình vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tiếp thị, quảng bá sản phẩm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu
Công tác quảng bá cho các điểm du lịch tín ngưỡng thờ Mẫu chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong mục tiêu đưa các điểm này trở thành điểm du lịch đúng nghĩa. Nếu so sánh với các điểm du lịch tôn giáo - tín ngưỡng mới được hình thành trong thời gian gần đây như chùa Bái Đính, các điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu có quy mô nhỏ hơn về không gian kiến trúc và hoạt động tuyên truyền quảng bá chưa được thực hiện hiệu quả. Nếu đẩy mạnh công tác quảng bá tiếp thị tốt hơn so với hiện nay, các điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu hoàn toàn có khả năng thu hút nhiều du khách hơn, không chỉ là du khách nội địa mà cả những du khách nước ngoài muốn tìm hiểu nét đặc sắc của tín ngưỡng dân gian bản địa.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương
Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và di sản văn hóa, trong việc phục vụ khách du lịch và tổ chức hoạt động du lịch nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân địa phương trong hoạt động du lịch, giúp họ nhận biết được những lợi ích thiết thực họ nhận được từ nguồn khách du lịch. Chính quyền địa phương cần xây dựng những nội quy, quy chế nhằm quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các công ty du lịch khi họ đưa khách về điểm du lịch như việc chia sẻ lợi ích với các tổ chức, công ty và cá nhân tại điểm.
Xây dựng sản phẩm du lịch có tính đặc thù
Tín ngưỡng thờ Mẫu có một hoạt động diễn xướng độc đáo đó là hầu đồng, trong khi thực hành nghi lễ này thì có hát chầu văn - một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Việt. Các điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu hoàn toàn có thể khuếch trương sản phẩm độc đáo này của mình, bằng cách vào dịp chính lễ, tổ chức những cuộc thi thường niên có quy mô lớn, tổ chức bình chọn, trao thưởng cho những cung văn, những người hầu đồng đẹp để tôn vinh những nét đẹp văn hóa của nghệ thuật dân gian dân tộc, qua đó thu hút khách du lịch đến tham gia lễ hội.
Mỗi điểm du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở mỗi địa phương lại có những nét đặc trưng, vì vậy cần phát huy nét riêng hấp dẫn của mình để thu hút du khách.
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị tâm linh, văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu, cần phê phán, xử lý những biểu hiện tiêu cực, những hành vi mê tín dị đoan trong hoạt động thực hành nghi lễ ở các điểm du lịch tâm linh thờ Mẫu hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, NXB Thế Giới – 2012.
2. Trần Ngọc Thêm, tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh -1997... |
ThS. Nguyễn Anh Tuấn