Luật Du lịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 (Luật Du lịch), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của đất nước và của ngành Du lịch, những phạm vi, điều khoản của Luật Du lịch hiện đã không còn phù hợp nên cần sự đóng góp ý kiến của các cá nhân, doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong ngành.
Dự thảo lần 2 của Luật Du lịch (sửa đổi) gồm 9 chương, 83 điều. Tại hội nghị lần này, VITA đề xuất thảo luận và cho ý kiến về các nội dung của trên 30 điều; liên quan tới các vấn đề quan trọng, quyết định tới sự phát triển của ngành Du lịch như: Chính sách phát triển du lịch; nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ du lịch; bổ sung vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Du lịch trong Luật; trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch; việc cần thiết phải thành lập lực lượng Thanh tra Du lịch chuyên ngành của ngành Du lịch; các quy định cụ thể về kinh doanh, quản lý lữ hành quốc tế, các doanh nghiệp lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài; quản lý đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; việc ký quỹ du lịch khi thành lập lữ hành quốc tế…
Một trong những vấn đề được quan tâm là sự phát triển nhanh chóng của của thương mại điện tử trong lĩnh vực Du lịch. Các đại biểu chỉ ra rằng, kinh doanh trực tuyến, lữ hành, lưu trú hiện nay chưa có những quy định kiểm soát cụ thể. Việc quản lý về giá cả, chất lượng tour, nghĩa vụ thuế đối với loại hình kinh doanh trực tuyến ở lĩnh vực du lịch chưa được đề cập đến. Ông Trịnh Xuân Dũng, nguyên Phó Chánh văn phòng, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu Luật Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Bây giờ người ta mua bán tour trên mạng, đăng ký xe, đăng ký khách sạn, hướng dẫn viên... trên mạng. Nhưng mạng là trên toàn thế giới, ở Mỹ, châu Âu người ta đều mua được. Cho nên, câu hỏi là thương mại điện tử này ai quản lý? Đã có luật thương mại điện tử rồi nhưng hiện mới chỉ có thương mại về hàng hóa chứ chưa có thương mại về du lịch”.
Theo ông Võ Anh Tài, TGĐ Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Luật Du lịch hiện hành ra đời khi thương mại điện tử chưa phát triển. Trong thời gian tới, thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong các giao dịch thương mại dịch vụ trong và ngoài nước nói chung, du lịch trong nước và quốc tế nói riêng. Các dạng thỏa thuận, cam kết trực tuyến (Ví dụ: online contracts, booking terms & conditions...) hiện và sẽ rất phổ biến. Do vậy, Luật Du lịch sửa đổi cần bao quát các trường hợp, các dạng giao dịch nêu trên khi quy định về “Hợp đồng lữ hành với khách du lịch” và “Hợp đồng lữ hành”. Hợp đồng lữ hành với khách du lịch có thể được lập thành văn bản hoặc dưới các hình thức khác (vé, voucher, hợp đồng trực tuyến...) mà Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại cho phép.
Được biết, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi sẽ được lấy ý kiến trong vòng 60 ngày. VITA sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp toàn quốc về Luật Du lịch sửa đổi, tổng hợp một cách hệ thống và gửi về cơ quan soạn thảo (Tổng cục Du lịch), sau đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo trước khi được Chính phủ trình Quốc hội.
HN