Tại sao việc nâng cao nhận thức về Thương hiệu du lịch phải đi trước, làm thường xuyên và toàn diện?
Câu hỏi thứ nhất rất quan trọng đối với bất cứ hành động nào, ở bất cứ đâu, trên tất cả các bình diện. Từ định hướng khẳng định thương hiệu du lịch và khả năng cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam, việc quán triệt đầy đủ vai trò và tác dụng nhiều mặt của nó, những mặt trái, những hiện tượng tiêu cực có thể phát sinh, đi liền với hoạt động du lịch và thương hiệu du lịch ở các cấp, các ngành và nhân dân lúc nào cũng rất cần thiết.
Có hiểu đúng về thương hiệu du lịch và quy trình xây dựng thương hiệu du lịch thì mới có hành động chính xác. Biết đúng, biết đủ về thương hiệu du lịch mới có thể biến quyết tâm thành sức mạnh để hình thành, duy trì và phát triển thương hiệu. Thương hiệu du lịch là yếu tố phi vật thể nhưng lại rất thiết yếu, có sức mạnh tạo ra sự tin tưởng và sự an toàn của sản phẩm du lịch, khẳng định quyền sở hữu và sự khác biệt với các nhà cung cấp sản phẩm du lịch khác.
Những vấn đề gì về thương hiệu du lịch cần phải được nhận thức đúng và đầy đủ?
Muốn “làm” du lịch thì phải có sản phẩm du lịch và khi du lịch đã phát triển, thì sản phẩm du lịch phải có thương hiệu. Thương hiệu du lịch khẳng định đẳng cấp của ngành Du lịch một quốc gia, một vùng du lịch, mỗi địa phương, từng doanh nghiệp và từng sản phẩm. Có sản phẩm những chưa chắc đã có thương hiệu. Muốn có thì phải xây dựng nó theo đúng quy trình xây dựng thương hiệu.
Mỗi quốc gia đều có sẵn một thương hiệu, nghĩa là một số ấn tượng đã được định hình trong tâm trí công chúng và người tiêu dùng, chi phối hành vi mua sắm của họ. Vì vậy, ngành Du lịch và các doanh nghiệp du lịch nên “lợi dụng” đặc tính này để định vị cho sản phẩm của mình, để hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa. Chúng ta đã xác định “Việt Nam, điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn” với vẻ đẹp bất tận, bởi vì dân ta có lòng hiếu khách, nước ta an toàn, tài nguyên du lịch của chúng ta nguyên sơ, đậm bản sắc. Trên nền tảng “an toàn, thân thiện và hấp dẫn” đó, các địa phương, các doanh nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu du lịch cho mình và liên kết với nhau để xây dựng thương hiệu du lịch cho một vùng và cả nước.
Có sản phẩm du lịch tốt sẽ tạo thuận lợi và lợi thế trong xây dựng thương hiệu du lịch. Nhưng không cần phải đợi có sản phẩm tốt mới tiến hành xây dựng thương hiệu. Để hình thành một thương hiệu du lịch phải có một tầm nhìn xa, khi xây dựng một sản phẩm du lịch cũng là lúc hoạch định để hình thành thương hiệu cho nó và phải tiến hành một cách chuyên nghiệp, bài bản, triệt để, tác động trực tiếp tới thị trường mục tiêu, mang lại hiệu quả có hướng đích.
Thương hiệu du lịch cần hướng dẫn, hoạch định chiến lược phát triển, bảo hộ, tôn vinh và hỗ trợ phát triển. Trong 6 nhiệm vụ quan trọng Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam 10 năm tới xác định, có hai khâu đột phá là phát triển thương hiệu và phát triển nhân lực, bởi lẽ: hai khâu này là những mắt xích quan trọng, chỉ rõ đích nhắm tới của sự phát triển du lịch là phải có thương hiệu để thể hiện đẳng cấp và đồng thời xác định rõ đối tượng thực hiện; cả hai việc này chưa được quan tâm thỏa đáng trong giai đoạn trước; và đây là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn phát triển du lịch nước ta 10 năm tới.
Nâng cao nhận thức về thương hiệu du lịch cho nhân lực du lịch ở địa phương và trung ương bằng cách nào và ai làm?
Theo chúng tôi, cần thông qua sự phối hợp liên ngành, địa phương thường xuyên và chặt chẽ để tiến hành đồng bộ 5 giải pháp cơ bản sau:
Tiến hành điều tra, đánh giá đúng nhận thức về thương hiệu du lịch trong cả nước, từng địa phương, mỗi doanh nghiệp, các cộng đồng. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về thương hiệu du lịch cho từng nhóm đối tượng. Kinh phí để làm việc này đề nghị được cấp từ ngân sách trung ương và địa phương. Tổng cục Du lịch, các sở chủ trì tổ chức thực hiện.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thương hiệu du lịch, về các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách và quy chế quản lý hoạt động xây dựng, duy trì, phát triển thương hiệu du lịch thông qua các phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng; hội nghị, hội thảo và diễn đàn về thương hiệu du lịch.
Xây dựng quy trình xây dựng thương hiệu du lịch; truyền đạt, phổ biến và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương liên quan. Từng bước thực tiêu chuẩn hóa đối với các chức danh và cấp bậc ngành nghề, vị trí nhân lực trực tiếp làm công tác xây dựng phát triển thương hiệu du lịch.
Xã hội hóa mạnh việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để nâng cao nhận thức về thương hiệu du lịch và huy động, sử dụng nguồn lực xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch.
Đẩy mạnh giáo dục thương hiệu du lịch cho cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng dân cư ở các điểm tham quan, du lịch.
Phát triển thương hiệu du lịch cần được quan tâm thỏa đáng hơn nữa để góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Ai cũng đều biết: Nếu không có người làm thì không thể có thương hiệu du lịch. Nhưng khi có người làm lại không biết, không hiểu đúng, không làm đúng cách, thì chẳng những không có được thương hiệu du lịch mạnh và bền vững, không hiệu quả mà còn gây ra những hậu quả đáng tiếc, những người đi sau và có thể là nhiều thế hệ tiếp theo phải giải quyết những hậu quả ấy bằng nhiều trí tuệ và công sức. Vì vậy, việc làm quan trọng trước tiên vẫn là Tổng cục Du lịch với vai trò nhạc trưởng chú trọng hơn nữa trong nâng cao nhận thức về thương hiệu du lịch cho nhân lực du lịch làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, nhân lực sự nghiệp du lịch ở trung ương và địa phương; doanh nghiệp du lịch; cộng đồng cư dân các điểm du lịch và chính quyền địa phương.
TS. Nguyễn Văn Lưu
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)