Giẫm chân lên nhau?
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là sản phẩm bồi đắp của một trong những con sông dài nhất trên thế giới, sông Mê Kông dài đến 4.500km, do đó chương trình du lịch đến châu thổ Mê Kông có ưu thế rất lớn trong quảng bá du lịch. Nơi đây vừa là vựa lúa lớn bậc nhất đất nước ta, vừa là một địa điểm tham quan hấp dẫn với cảnh quan đồng bằng châu thổ và cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên sông nước của các cộng đồng người Việt, Hoa, Khmer và Chăm. Có thể khẳng định, cảnh quan và văn hóa sông nước là đặc điểm lớn nhất và hấp dẫn nhất của vùng này. Hơn thế nữa, thiên nhiên sông nước tại đây vẫn chưa bị tác động nhiều bởi con người, hoạt động nông nghiệp còn gắn chặt với thiên nhiên và cộng đồng dân cư rất thân thiện, hiếu khách. Để khai thác tài nguyên du lịch các tỉnh ĐBSCL một cách triệt để, cần xây dựng các chương trình có thời lượng hợp lý, không vội vã lướt qua một cách sơ lược gây lãng phí tài nguyên du lịch, cũng không kéo dài lê thê gây nhàm chám cho du khách.
Chúng ta không đơn giản hóa các sản phẩm du lịch tại ĐBSCL, nói theo cách nói của nhiều người: “đâu cũng là sông nước, chỉ cần đi một nơi là biết hết ĐBSCL”, mà phải phân công nhau, mỗi tỉnh khai thác một khía cạnh của châu thổ trên cơ sở những nét riêng do hoàn cảnh địa lý, lịch sử và xã hội tạo nên.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, quá trình khai thác sản phẩm du lịch sinh thái tại ĐBSCL bên cạnh những hiệu quả nhất định còn bộc lộ không ít những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của điểm đến. Các chương trình du lịch chỉ mới tập trung vào các nội dung tham quan là chính, chưa tạo điều kiện cho các hoạt động tiếp cận văn hóa của du khách, như nghỉ đêm tại nhà dân chỉ để ngủ, đi chợ nổi chỉ để nhìn, ăn nhà dân không khác gì trong nhà hàng… Và điều đáng quan ngại nhất, sản phẩm của các tỉnh gần như là bản sao của nhau, không tạo ra những sự khác biệt - điều quan tâm lớn nhất của du khách/khách hàng.
Tạo các vùng phát triển tạo sự khác biệt
Theo chúng tôi, bài toán phát triển du lịch sinh thái ĐBSCL nằm ở phương nhận thức của các cấp chính quyền và ý thức của cộng đồng địa phương, cũng như các mối quan hệ hỗ tương giữa nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng địa phương và du khách.
Công tác lớn nhất nên tiến hành là quy hoạch tổng thể có chất lượng tại ĐBSCL. Quy hoạch này phải dựa trên đặc điểm về tự nhiên, văn hóa của từng vùng sinh thái khác nhau và phải có sự nhất trí của các ban ngành cùng người dân địa phương gắn bó với du lịch. Có như thế mới phát huy hết thế mạnh từng vùng, sự đầu tư sẽ hiệu quả hơn và sản phẩm du lịch tại ĐBSCL mới đa dạng và mang tính đặc thù cho từng địa phương.
Có thể chia ĐBSCL thành các vùng chính gồm vùng đất cao ven sông (Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, Cao Lãnh và Châu Đốc với các sản phẩm du lịch như chợ nổi, vườn trái cây, chèo ghe, du thuyền trên sông, các đô thị ven sông), vùng trũng ngập nước (hai vùng trũng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên với các sản phẩm du lịch như rừng tràm, ruộng lúa, cánh đồng ngập nước, cụm dân cư vượt lũ, các cộng đồng dân cư Chăm và Khmer, các trung tâm tín ngưỡng; thích hợp với các chương trình du lịch khám phá và tiếp cận cuộc sống thường ngày của người dân), vùng duyên hải ngập mặn (các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với thế mạnh du lịch bao gồm rừng đước, vuông tôm, ruộng muối, chiến khu trong các thời kỳ kháng chiến), vùng đồi núi (tỉnh An Giang và Kiên Giang nổi tiếng với cảnh quan đá vôi, các công trình kiến trúc tôn giáo, các trung tâm nghỉ dưỡng trên núi), các hải đảo (chủ yếu tập trung tại tỉnh Kiên Giang, có ưu thế phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng ven biển).
Các sản phẩm cần đa dạng, phong phú nhưng phải tạo sự khác biệt đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách. Mỗi địa phương cần khai thác các sản phẩm là thế mạnh của mình, như chợ nổi tại Cần Thơ, tràm chim tại Đồng Tháp, làng cá bè An Giang, di chỉ văn hóa cổ Óc Eo tại An Giang, hệ thống chùa Khmer tại Sóc Trăng, Vĩnh Long… Những sản phẩm cần “động” khi có dự tham gia của du khách như là chủ thể chính. Bên cạnh đó các loại hình du lịch cần được đầu tư thêm như du thuyền trên sông Mê Kông, các loại tàu khám phá mùa lũ tại Đồng Tháp Mười, đi xe đạp hay trekking xuyên các tỉnh, chèo kayak trên sông rạch, câu cá, các hoạt động picnic - cắm trại, du lịch môi trường tham quan và nghiên cứu rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, du lịch lễ hội (lễ hội Bà Chúa Xứ, lễ hội Óoc Om Bok), du lịch văn hóa…
Sự gắn kết của cộng đồng địa phương
Một phần đáng kể của kinh doanh du lịch phải được tái đầu tư cho cộng đồng địa phương, góp phần từng bước giải quyết các vấn đề lớn tại ĐBSCL, trước mắt tại các khu du lịch như giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao trình độ văn hóa, phát huy các ngành nghề truyền thống, xây dựng không phá hủy cảnh quan nhiên thiên.
Khuyến khích nhiều hơn nữa sự tham gia của cộng đồng dựa trên những nét đặc thù về tự nhiên và văn hóa của từng địa phương, hình thành các mô hình làng du lịch sinh thái với sự tham gia của các công ty du lịch địa phương và cộng đồng dân cư cùng xây dựng các điểm tham quan, vận chuyển, ăn uống, giải trí, nghỉ qua đêm (home stay) theo quy hoạch chung và du khách sẽ có cơ hội tự khám phá theo những thông tin định hướng của làng du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực và quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại các địa phương, nhằm đáp ứng xu hướng phát triển du lịch tại khu vực cũng như đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ngoại ngữ được xem như phương tiện giao tiếp, hướng dẫn viên du lịch sinh thái phải có phẩm chất riêng như sức khỏe, yêu thiên nhiên, am hiểu thiên nhiên và cộng đồng, phong cách dễ dàng hòa nhập với cộng đồng qua lời nói, cách ăn mặc, cách ứng xử và nhất là cần có sự hiểu biết về sơ cấp cứu.
Một vấn đề không kém phần quan trọng chính là quyền lợi khai thác phải song hành với trách nhiệm bảo tồn môi trường tự nhiên và văn hóa, đảm bảo sự phát triển hài hòa nguồn tài nguyên và bản sắc văn hóa bản địa. Điều này chắc chắn phù hợp với mong ước chung của cộng đồng dân sinh, không chỉ trong vùng!
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác quảng bá tiếp thị và truyền thông về du lịch sinh thái mang tính liên vùng, tạo ra thương hiệu Du lịch ĐBSCL hấp dẫn, quyến rũ; cần tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đến với thị trường trong và ngoài nước. Các địa phương cần có các biện pháp hướng dẫn du khách nhận thức cách sử dụng các sản phẩm một cách thân thiện phù hợp loại hình du lịch sinh thái bền vững.
ThS. Nguyễn Hoàng Phương
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)