.jpg)
Để khai thác tốt cơ hội mang tên Sơn Đoòng
Sơn Đoòng đang mang đến cho Du lịch Việt Nam một cơ hội lớn nhưng để có thể khai thác tốt cơ hội mang tên Sơn Đoòng, ngành Du lịch Quảng Bình cần triển khai những chiến lược sau đây:
Về mặt nhận thức
Trước hết, cần nhận thức rằng, Sơn Đoòng là một tài nguyên du lịch chứ chưa phải là sản phẩm du lịch. Rất nhiều địa phương đã phạm phải sai lầm nhận thức này, khai thác triệt để tài nguyên mà không hiểu rằng cần phải xây dựng và phát triển sản phẩm. Nếu Sơn Đoòng phạm phải sai lầm này, tương lai không xa, du khách sẽ cảm thấy nhàm chán và không bao giờ có ý định quay trở lại.
Cần nhận thức rõ sự khai thác du lịch sẽ mang đến những tác động cả tích cực và tiêu cực dưới góc độ kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường. Cộng đồng địa phương sẽ là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của hoạt động du lịch. Sai lầm của đại đa số dự án phát triển du lịch tại các vùng hẻo lánh và đặc trưng là chưa coi trọng cộng đồng địa phương và chỉ xem họ như một công cụ khai thác tìm kiếm lợi nhuận. Trên thế giới, các dự án phát triển du lịch dựa vào các tài nguyên đặc trưng đều rất coi trọng vai trò của cộng đồng địa phương. Họ đóng vai trò chủ động trong việc ra quyết định, xác định tư cách tham gia cũng như phân phối lợi ích giữa các tác nhân trong hệ thống du lịch địa phương.
Ngoài ra, cần ý thức về việc một điểm đến thành công là một điểm đến tạo được mong muốn quay trở lại cho du khách. Doanh thu bền vững là doanh thu đến từ sự trung thành của du khách, thể hiện ở hai khía cạnh: quay trở lại và giới thiệu cho những du khách khác đến với Sơn Đoòng. Trên cơ sở đó, Du lịch Việt Nam cũng sẽ thụ hưởng những lợi ích tiềm năng, nếu biết khai thác đúng đắn.
.jpg)
Phát triển sản phẩm
Sản phẩm trong du lịch có thể hiểu là tổng hòa các dịch vụ liên quan đến điểm đến (ở khía cạnh địa lý, dịch vụ, thông tin…). Phải xem Sơn Đoòng là dịch vụ lõi của sản phẩm này chứ không phải xem Sơn Đoòng là một sản phẩm có thể tha hồ khai thác. Với đặc thù của Sơn Đoòng, để có thể khai thác tốt phục vụ du lịch cần hình dung và xây dựng một hệ thống sản phẩm đầy đủ bao gồm: vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe và các sản phẩm lưu niệm.
.jpg)
Phát triển nguồn nhân lực
Nhân lực tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng hiện tại còn rất hạn chế cả về số lượng và trình độ nghiệp vụ. Chính vì vậy, cần có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng để có thể phục vụ tốt du khách. Bất kỳ tài nguyên hay sản phẩm nào cũng được vận hành bởi con người. Nếu con người không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ tạo nên ấn tượng không tốt đối với du khách, tạo nên sự không hài lòng và không muốn quay trở lại cho du khách.
.jpg)
Liên kết hợp tác
Việc liên kết hợp tác giữa các dịch vụ, các điểm đến như Hà Nội/ TP.Hồ Chí Minh - Nha Trang - Hội An - Huế sẽ góp phần mang đến một hình ảnh Việt Nam đẹp, đầy đủ. Nếu có tư duy khai thác Sơn Đoòng như một tài nguyên độc lập mà không có cái nhìn tổng thể thì rất khó để có thể tạo nên một điểm đến Việt Nam hoàn chỉnh, phát triển bền vững.
Hiện nay, khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng có dịch vụ homestay Chày Lập được rất nhiều người biết đến. Nhưng sau thời gian, hai ngôi nhà rường và hàng loạt các cơ sở vật chất đang dần bị ảnh hưởng ngày một hao mòn mà lượng du khách đến với Chày Lập ngày một giảm đi. Nguyên nhân lớn nhất chính là mức độ liên kết lỏng lẻo giữa các điểm đến, các dịch vụ trong khu vực, trong cả nước.
.jpg)
Phát triển du lịch Sơn Đoòng theo hướng bền vững
Định hướng phát triển du lịch bền vững chính là ý thức rõ rệt về các tác động có thể có đến cộng đồng địa phương; phát huy tối đa các tác động tích cực và hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực. Cần đưa ra quy tắc phát triển du lịch mang tính chất pháp lý và được phổ biến tới tất cả các thành phần của hệ thống du lịch địa phương. Bản quy tắc này có ghi rõ những tác động tích cực và tiêu cực ở cả ba khía cạnh: kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường. Tất cả các dự án đề xuất đều phải được phê duyệt dựa trên bản quy tắc này. Ban quản lý Du lịch Sơn Đoòng cần sớm được thành lập. Người dân, các tổ chức phi chính phủ và du khách phải có tiếng nói đặc biệt quan trọng trong hệ thống này, thay vì chỉ có chính quyền và doanh nghiệp.
.jpg)
Sự vận hành của một hệ thống du lịch bền vững
Để có sự phát triển bền vững, cần hiểu hệ thống du lịch bao gồm các tác nhân: chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, người dân địa phương và du khách. Ý thức được sự tồn tại của tất cả các tác nhân trên và thiết lập cơ chế hợp tác phù hợp giữa các tác nhân đó sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của du lịch ở bất kỳ điểm đến nào.
.jpg)
Sự tham gia của chính quyền vào phát triển du lịch
Thứ nhất, cân nhắc lựa chọn những địa phương trọng điểm để ưu tiên phát triển du lịch. Việc lựa chọn chính xác sẽ giúp tránh lãng phí nguồn lực, nhanh chóng tạo ra một bức tranh du lịch sinh động, hấp dẫn cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Thứ hai, tác động của chính quyền đối với ngành Du lịch cần phải được thể hiện đều đặn, liên tục, thậm chí các nhà lãnh đạo có thể tham gia trực tiếp vào Ban quản lý du lịch tại địa phương trọng điểm.
Thứ ba, cần đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng địa phương trong việc đưa ra các chiến lược phát triển du lịch địa phương, đặc biệt tại những điểm đến đặc trưng, gắn với văn hóa đặc thù, với thiên nhiên hoang sơ. Việc coi trọng cộng đồng địa phương thể hiện ở ba khía cạnh: tôn trọng ý kiến của cộng đồng địa phương; tôn trọng vai trò chủ thể của cộng đồng địa phương trong việc quản lý và phát triển điểm đến; tôn trọng quyền lợi của cộng đồng địa phương trong việc phân phối lại lợi ích từ hoạt động du lịch.
ThS. Đàm Duy Long
(Tạp chí Du lịch)