Khi nhìn nhận xã hội như một hệ thống trong tổng thể đang vận hành, báo chí cũng cần được tiếp cận từ quan điểm hệ thống; nhìn nhận báo chí như một tiểu hệ thống cấu thành hệ thống xã hội nói chung; trong đó, báo chí là một bộ phận cấu thành và chịu sự chi phối của hệ thống lớn cũng như sự tác động của các tiểu hệ thống (hoặc hệ thống con). Báo chí có mối quan hệ với tất cả mọi ngành/lĩnh vực trong xã hội như văn hóa, giáo dục, giải trí, kinh tế, thể thao và tất nhiên du lịch không phải ngoại lệ và nó được thể hiện thông qua chức năng của báo chí đối với xã hội cùng sự đa dạng của nghề làm báo.
Phân loại nhà báo cũng có tới vài tiêu chí để phân loại. Đầu tiên ta có thể phân loại theo loại hình báo chí như: truyền hình, báo in, báo mạng, phát thanh. Phân loại theo thể loại tác phẩm chúng ta có: nhà báo chuyên viết ký sự, nhà báo chuyên viết tin ngắn, nhà báo viết phóng sự... Phân loại theo lĩnh vực hoạt động chúng ta sẽ có: nhà báo thể thao, nhà báo kinh tế, nhà báo văn hóa, nhà báo nông nghiệp,… Thời gian gần đây, đang hình thành một phân ngành nghề báo khá ổn định, chuyên hoạt động trong lĩnh vực du lịch được gọi là “nhà báo du lịch.”
“Nhà báo du lịch” là ai?
Danh xưng này không phải chỉ để nhằm đến những nhà báo có thẻ nghề nghiệp hoạt động trong và cho ngành Du lịch hay những cây viết chuyên nghiệp với mảng đề tài về du lịch. “Nhà báo du lịch” được sử dụng nhiều hơn với ý tôn vinh những người đóng góp cho lĩnh vực “báo chí du lịch” ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở các lý thuyết về báo chí cùng những kinh nghiệm thực tế của những người trong nghề báo chí du lịch, người làm du lịch, chúng ta sẽ cùng làm rõ “họ là ai?”, từ đó ta thấy rõ hơn mối quan hệ giữa báo chí và du lịch thông qua sự đa dạng của nghề làm báo trong xã hội điện đại.
Là những “chiến sỹ” tiên phong trong việc phản ánh ngành Du lịch đến công chúng, “nhà báo du lịch” xuất hiện ở nhiều “mặt trận”:
Những cây bút chuyên nghiệp
Đầu tiên, đó là những nhà báo chuyên nghiệp công tác tại cơ quan báo chí thuộc Tổng cục Du lịch như Tạp chí Du lịch, Báo Du lịch; ở những cơ quan báo chí chính thức như Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hàng loạt báo giấy uy tín (Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Lao động…), báo điện tử (Vnexpress, Dân trí, Vietnamnet…). Họ chuyên sáng tác những tác phẩm báo chí về đề tài du lịch. Họ có thể là phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim, MC… Công việc của họ là đi và viết về những nơi mình đến để quảng bá những địa điểm du lịch đến với công chúng. Họ đem những điểm đến du lịch gần lại với công chúng bằng những công cụ báo chí, đem các giá trị văn hóa và giá trị trải nghiệm sống ở khắp mọi nơi đến với công chúng qua những bài viết, ảnh, video, phóng sự, phim tài liệu nghệ thuật, chương trình truyền hình thực tế,… Chẳng hạn, truyền hình Việt Nam có “Du lịch đó đây”, “Thế giới bốn phương”, “Tạp chí du lịch”, hay đơn giản là những cái tên chuyên mục đã ăn sâu vào trí nhớ khán giả nhiều chục năm như “Du lịch qua màn ảnh nhỏ” và gần đây là “S – Việt Nam”, “Khám phá Việt Nam”… Những “nhà báo du lịch” thế hệ sau ở Đài truyền hình Việt Nam còn nhắc nhiều đến những cái tên có tới ba bốn chục năm gắn bó với mảng đề tài du lịch, thậm chí còn nhiều hơn nữa vì nhiều người đến giờ vẫn còn cống hiến bằng các tác phẩm báo chí dù đã nghỉ hưu. NSƯT – Quay phim Phùng Biển, nữ nhà báo Hồng Minh, đạo diễn Hoàng Lâm, nhà báo Hồng Hải, Minh Quang… là những cái tên tiêu biểu của VTV, từng gắn liền với series Việt Nam đất nước con người trong một thời gian rất dài của VTV2. Gần đây, nhiều thể loại chương trình đa dạng hơn về du lịch được đến với công chúng, cho thấy nỗ lực nhiều hơn của đội ngũ “nhà báo du lịch”, ẩn sau mỗi tác phẩm. Chỉ ví dụ riêng ngành Phát thanh - Truyền hình có thể kể tên ở đây hàng loạt chương trình hấp dẫn: “Hà Nội 36 phố phường” (VTV3), “S-Việt Nam” (VTV), “Năng động du lịch” (HTV), “Du lịch và cuộc sống” (VTC), “Mỗi tuần một chuyến đi” (VOV), Yan Around (Yan TV), Cuộc đua kỳ thú (Truyền hình thực tế),…
Rõ ràng, đội ngũ các ‘nhà báo du lịch” đã hình thành lâu nay là một tập hợp đông đảo, đa dạng thành phần các nhà báo, phóng viên, biên tập viên “chuyên nghiệp”, các đạo diễn - nghệ sỹ quay phim lành nghề, các MC – Biên tập viên… cho đến các “nhà báo” nghiệp dư như các “phượt gia” ham viết, ham phản ánh, yêu du lịch!
Và những “nhà báo du lịch” không chuyên
Youtube công bố những “tác phẩm” có hình ảnh động, Facebook công bố những “tác phẩm” bằng ngôn từ, văn bản, âm thanh hay hình ảnh… Quả thực với thời đại công nghệ số hiện nay “nhà báo du lịch” càng không chỉ có những nhà báo chuyên nghiệp. Ai cũng có thể “làm báo” về du lịch!
Họ có thể là những người đam mê du lịch, những bạn trẻ thích những chuyên đi phượt dài ngày, những người dân địa phương muốn giới thiệu tiềm năng và dịch vụ của nơi mình đang sống, những người làm trong ngành Du lịch như hướng dẫn viên du lịch… Vậy, họ “làm báo du lịch” như thế nào? Hiện nay, rất nhiều những cơ quan báo chí nhận bài viết từ những độc giả của mình, những “nhà báo du lịch” không chuyên có thể gửi những bài viết, ảnh, video về những địa điểm mình đã đi qua cho chuyên mục bạn đọc của tờ báo in, báo điện tử. Đặc biệt, với thời đại của mạng xã hội hiện nay thì quan điểm “làm báo” đã thay đổi rất nhiều so với thời đại trước. Chỉ cần một tài khoản mạng xã hội như Facebook, Twiter, Instagram… bất kỳ ai cũng có một tờ “báo” của riêng mình. Chỉ cần một chiếc smartphone những người đi du lịch có thể chia sẻ ngay lập tức những cảm xúc, hình ảnh của những nơi mình đến với những bạn bè, đồng nghiệp của mình, và thậm chí là cả thế giới. Điều này có tác dụng rất lớn vào việc quảng bá du lịch đến công chúng một cách dễ dàng hơn khi giờ đây có tới hàng trăm triệu người trên thế giới đều tham gia vào các mạng xã hội với tính tương tác cao. Có thể thấy gần đây hình ảnh hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới đã được công chúng biết đến nhiều hơn và trở thành một hiện tượng của truyền thông trong nước cũng như thế giới mà trong đó mạng xã hội Facebook góp công không nhỏ với những “nhà báo” không chuyên. Những “nhà báo du lịch” này với công cụ mạng xã hội cũng góp phần vào việc phát hiện những mặt chưa tốt trong triển khai dịch vụ du lịch và đưa ra những ý kiến của mình. Đã có rất nhiều những bài viết trên mạng xã hội giúp cho các nhà quản lý phát hiện ra thực trạng chưa tốt của du lịch như: hiện tượng chặt chém khách du lịch ở Vũng Tàu, hay tình trạng chen lấn xô đẩy tại chùa Hương… Mặc dù mạng xã hội không phải là báo chí nhưng nó cũng thể hiện những chức năng của báo chí và tâm thế của người làm báo đó là mang thông tin trung thực đến với xã hội.
Trước sự bùng nổ “báo chí du lịch” như hiện nay, độc giả buộc phải dùng đến các tiêu chí cứng về chất lượng sản phẩm để đánh giá, sàng lọc hoặc đơn giản, tự đánh giá thông qua cảm nhận và hiểu biết của bản thân. Những sản phẩm báo chí này dẫu còn nhiều bàn cãi về chất lượng, phần nào phản ánh thực trạng du lịch của đất nước, của những địa điểm “nhà báo” đặt chân tới, không những thế, những sản phẩm báo chí đó còn ít nhiều đưa ra những giải pháp để khắc phục những điểm chưa được, giúp cho chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao và ngành Du lịch của đất nước ngày càng phát triển hơn nữa. Đây chính là chức năng quảng bá những giá trị vật thể, phi vật thể, giám sát và phản biện xã hội của báo chí du lịch. Ranh giới giữa “chuyên nghiệp” và “không chuyên” trong nghề “báo chí du lịch” có lẽ không quá rõ ràng và đây cũng là xu thế?!
Nhận diện phẩm chất một “nhà báo du lịch”
Như vậy, trong thời đại này định nghĩa “nhà báo du lịch” đã không còn chỉ dành cho những người làm nghề báo chí ở các cơ quan báo chí chuyên nghiệp mà dành cho tất cả những ai thích, ham mê du lịch và ham mê hoạt động báo chí. Đội ngũ không chuyên này thực sự hùng hậu và với sự phát triển đa dạng các kênh phản ánh như hiện nay, tất cả mọi người đáp ứng các tiêu chí “nghề” đều có thể là “nhà báo du lịch”. Họ có thể là bất cứ ai trong những người làm du lịch ở các địa phương, học sinh sinh viên yêu du lịch… Một BTV du lịch VTV chia sẻ rằng “Nếu mỗi người đi du lịch là một nhà báo, giới thiệu những phong cảnh ấy, con người ấy, diễn biến ấy thì cuộc sống trở nên muôn màu biết bao”.
Vậy, dù là chuyên hay không chuyên, đặc điểm nào chung khiến họ được nhận diện như một “nhà báo du lịch”?
Trước hết, “nhà báo du lịch” đam mê những chuyến đi, thích đi và ham đi. Trong tâm thế của họ luôn luôn thích sự chuyển động, họ là người không ngồi đâu quá lâu, việc ngồi quá lâu khiến họ thấy khó chịu và luôn muốn mình vận động. Mỗi một chuyến đi sắp đến luôn tạo cho họ một sự hào hứng rất lớn. Họ háo hức, mong đợi sự mới lạ đến từ những miền đất khác nhau, háo hức được khám phá những giá trị văn hóa cũng như cảnh quan ở những nơi họ chuẩn bị đến.
Thứ hai, họ phải là người thích viết, yêu chữ nghĩa và có óc quan sát. Mỗi khi đến một vùng đất mới, được trải nghiệm những cảm xúc mới lạ từ văn hóa và cảnh quan họ luôn muốn ghi chú lại bằng cách miêu tả hay cảm nhận về những vùng đất mà họ đã đi qua. Viết là cách để lưu giữ lại những cảm xúc, trải nghiệm mà họ có được trong từng chuyến đi từ tất cả các giác quan của cơ thể.
Thứ ba, họ thích chia sẻ về chuyến đi với bạn bè. Một trong những điều tuyệt vời nhất của họ sau mỗi chuyến đi đó chính là chia sẻ câu chuyện của mình trong cuộc hành trình đó với những người bạn, người thân của mình, hay chia sẻ trên các trang mạng xã hội với bạn bè.
Thứ tư, đó là sự chịu đựng về vật lý, sức khỏe thật tốt. Đây là một điều kiện bắt buộc đối với những người thích, ham những chuyến đi khám phá miền đất mới. Bạn không thể có một cuộc hành trình trọn vẹn nếu như bạn là người bị say tàu xe, say sóng… chưa nói đến viết bài hay phản ánh cảm xúc về chuyến đi và điểm đến!
“Nhà báo du lịch” được và mất
Theo như nhà báo Hồng Minh của VTV, việc làm chương trình “Việt Nam đất nước con người” về du lịch giúp thỏa mãn được niềm đam mê du lịch của chính mình. Chị được đặt chân tới rất nhiều vùng đất khác nhau của đất nước cũng như thế giới, được trải nghiệm nhiều những nền văn hóa khác nhau đem lại cho người làm báo du lịch nhiều kiến thức phong phú hơn những nhà báo làm về những chuyên ngành khác như thể thao hay kinh tế… Nhưng việc làm nhà báo du lịch cũng lấy đi của chị nhiều thứ, đặc biệt là phụ nữ, chị luôn có rất ít thời gian cho gia đình của mình. Chính việc phải sắp xếp làm sao để cân bằng gia đình và công việc là một khó khăn đối với chị.
Còn với BTV, MC Lê Anh: việc “làm báo du lịch” không chỉ cho anh những trải nghiệm khác nhau về các nền văn hóa, cũng như con người mà còn giúp cho mình trau dồi về tri thức, khám phá được nhiều hơn những góc nhìn về cuộc sống, những khả năng tiềm tàng trong chính bản thân mình mà trước đây mình không biết, có được nhiều những kỹ năng trong cuộc sống cũng như công việc của mình mà nếu không đi thì sẽ không bao giờ có được. Việc được đi nhiều còn giúp anh mở rộng tầm mắt và có cái tôi của bản thân chín chắn hơn.
“Nhà báo du lịch” và triển vọng nghề nghiệp
Với sự phát triển của ngành Du lịch và thời đại công nghệ hiện nay, việc làm “báo chí du lịch” ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Nhưng đó đồng thời cũng là thách thức đối với những người làm nghề này như việc phải thích ứng với sự phát triển của công nghệ trong việc tạo ra các tác phẩm báo chí có độ trung thực cao, cập nhật và thời sự.
Tuy ngành Du lịch của Việt Nam đang phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều những điểm còn thiếu sót cản trở việc nâng cao chất lượng du lịch như việc làm du lịch không bền vững, làm suy giảm hình ảnh của Du lịch Việt Nam trong mắt khách du lịch quốc tế. Thực tế này đòi hỏi người làm báo du lịch cần phải có những tư duy mới về nghề, luôn vận động suy nghĩ về đề tài và cách phản ánh, nhất là trong chức năng quảng bá tốt hơn được hình ảnh Du lịch Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, còn phải nhanh nhạy, có óc quan sát, nắm bắt vấn đề và kịp thời đưa ra những kiến giải để giải quyết vấn đề và góp phần nâng cao được chất lượng Du lịch Việt Nam.
Thay lời kết
Nghề “nhà báo du lịch” đang dần định hình vững chắc trong nghề báo. Sự phát triển của ngành Du lịch, công nghệ số và nhu cầu của xã hội ngày càng cao trong hưởng thụ dịch vụ thông tin là những điều kiện thuận lợi để “nhà báo du lịch” phát triển nghề nghiệp, đồng thời khẳng định rõ hơn thiên chức cao cả của nghề này đối với xã hội. Đó là quảng bá hình ảnh của Du lịch Viêt Nam đến với thế giới sâu rộng hơn, đồng thời phản ánh những hiện trạng xấu của du lịch, đưa ra những giải pháp và ý kiến, giúp nâng cao chất lương du lịch. “Nhà báo du lịch” và ngành Báo chí du lịch cũng chính là sợi dây kết nối hai tiểu hệ thống quan trọng “du lịch” và “báo chí” trong hệ thống xã hội nhằm giúp cho xã hội ngày càng phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Cơ sở lý luận Báo chí Truyền thông, Dương Xuân Sơn - Đinh Văn Hường - Trần Quang, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.
2. Báo chí, những vấn đề lý luận và thực tiễn tập VIII, Khoa Báo chí Truyền thông, Đại học KHXHNV Hà Nội - Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2013.
3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác tư tưởng, lý luận và quản lý báo chí, Nguyễn Văn Dững, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bài giảng 2012.
ThS. Trịnh Lê Anh - Vương Ngự Quốc
(Tạp chí Du lịch)