Di tích góp phần làm nên bản sắc văn hóa Quảng Ninh
Khu di tích danh thắng Yên Tử là nơi gắn liền với sự nghiệp tu hành của Tam tổ Trúc Lâm, đánh dấu sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm. Đức vua Trần Nhân Tông là người sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm đã hội tụ đầy đủ những tinh thần của Phật giáo, nhưng chứa đựng được những nét độc đáo của Việt Nam. Vì vậy Yên Tử cũng được xem là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Từ Yên Tử, giáo lý Trúc Lâm phát triển rộng ra khắp vùng Đông Bắc, dựng lên 800 ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó có những chùa nổi tiếng như: Quỳnh Lâm, Côn Sơn, Thanh Mai… với 15.000 chúng tăng độ trì. Khu di tích danh thắng Yên Tử đã được xếp hạng đặc cách là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 15 VH/QĐ ngày 13/3/1974.
Khu di tích nhà Trần (Đông Triều) là một trong những vùng ẩn tích chứa nhiều di sản văn hóa đặc sắc của thời Lý - Trần. Kết quả nghiên cứu khoa học gần đây đã khẳng định: kinh đô Thăng Long và Thiên Trường Nam Định là hai trung tâm chính trị, còn Đông Triều là một trung tâm văn hóa đặc sắc của nhà Trần. Ngày 28/4/1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra Quyết định số 313 xếp hạng khu di tích đền thờ lăng miếu các vua Trần là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân nhà Trần, đặc biệt là ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông vào thế kỷ thứ 13. Đại thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 trên sông Bạch Đằng đã ghi vào lịch sử dân tộc ta như một biểu tượng hào hùng, ý chí quật cường, tinh thần bách chiến bách thắng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Khu di tích thương cảng Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt, chiếm một vị trí đặc biệt, là đầu mối ngoại thương sớm nhất trong lịch sử nước ta. Tên gọi Vân Đồn xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là vào thời Lý (1010- 1225). Vùng biển Vân Đồn được đặc biệt coi trọng vì có một vị trí xung yếu trên đường hải vận Trung Quốc - Việt Nam kéo dài xuống Đông Nam Á. Chính vì vậy, nơi đây sớm trở thành trung tâm của con đường giao lưu kinh tế, văn hoá từ Bắc vào Nam. Từ sau khi thương cảng được thành lập, các thương nhân nước ngoài đến đây buôn bán ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Vân Đồn nổi lên là một trung tâm mậu dịch bán và bang giao nổi tiếng trong khu vực.
Đã và đang chú trọng đầu tư cho di tích
Theo thống kê của Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong vòng 2 năm 2012 - 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với khu di tích Yên Tử, Bạch Đằng và khu di tích nhà Trần tại Đông Triều; đồng thời phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của 3 khu di tích này. Điều đó thể hiện sự quan tâm, sự tôn vinh giá trị đặc biệt các khu di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh, sự ghi nhận của Đảng Nhà nước đối với Quảng Ninh trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích này.
Trong số các khu di tích trọng điểm trên, Yên Tử được biết đến nhiều nhất với những dự án trùng tu, những công trình quy mô lớn. Hàng loạt các ngôi chùa nơi đây đã được trùng tu thời gian qua như: chùa Hoa Yên, chùa Cầm Thực, suối Tắm, Giải Oan, Bảo Sái, Vân Tiêu, chùa Đồng… với nguồn kinh phí rất lớn từ cả vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Gần đây nhất, bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, công trình giữ kỷ lục là tượng bằng đồng nguyên khối lớn nhất Việt Nam, đã hoàn thành sau 10 năm ấp ủ ý tưởng này, với kinh phí trên 75 tỷ đồng từ xã hội hóa. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống đường sá, dịch vụ tại đây cũng rất được quan tâm. Yên Tử là nơi được xây dựng cáp treo rất sớm, từ năm 2002 để phục vụ cho du khách hành hương. Các dự án này đã góp phần đưa Yên Tử trở thành điểm đến của hàng triệu lượt khách hành hương hàng năm hiện nay.
Khu di tích Bạch Đằng cũng được đầu tư rất mạnh cho việc tu bổ, tôn tạo. Đến nay, trừ đình Yên Giang đang trùng tu, tất cả các điểm thờ tự khác trong khu di tích đều được tu bổ, tôn tạo khang trang như: đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà, đền Trung Cốc, đình Trung Bản, đình Đền Công… Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân, địa phương đã xây dựng lại một số di tích như đền An Sinh, Ngải Sơn Lăng. Gần đây, từ nguồn vốn trung ương và xã hội hóa, Ban Quản lý các di tích trọng điểm đã tiến hành tôn tạo lại Thái Lăng, nay đã cơ bản hoàn thiện. Không sôi động bằng Yên Tử nhưng Bạch Đằng cũng bắt đầu có cơ hội trong việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, do hầu hết các di tích là phế tích, nên được tập trung chủ yếu cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ học phục vụ cho việc nghiên cứu, trùng tu sau này. Ban Thường vụ tỉnh Quảng Ninh đã thông qua bản quy hoạch tổng thể toàn bộ khu di tích nhà Trần, với mức đầu tư 4.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Để triển khai quy hoạch, sẽ có 6 nhóm dự án được thực hiện. Trong đó, lớn nhất là các dự án công trình hạ tầng, hỗ trợ phát huy giá trị di tích (hơn 2.027 tỷ đồng), bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị, bằng cách trưng bày khảo cổ tại chỗ (trên 1.000 tỷ đồng), bảo tồn, phục hồi và phục dựng di tích (trên 843 tỷ đồng). UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án ở các khu di tích trọng điểm, trong đó, khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều có 13 dự án. Các dự án được thực hiện theo hình thức huy động từ nguồn vốn xã hội hóa…
Tại khu di tích thương cảng cổ Vân Đồn, hoạt động du lịch đang được đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó có việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; mở rộng, nâng cấp, làm mới đường xuyên đảo. Tháng 4/2014, huyện cũng khởi công dự án đưa điện lưới ra 5 xã đảo (gồm xã Bản Sen, xã Quan Lạn, xã Minh Châu, xã Thắng Lợi và xã Ngọc Vừng) với tổng mức đầu tư khoảng 312 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế mà trọng tâm là phát triển du lịch. Ngày 3/1/2015, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chính thức đóng điện công trình đưa điện lưới quốc gia ra xã Ngọc Vừng - xã đảo cuối cùng thuộc huyện Vân Đồn nằm trong dự án đưa điện lưới quốc gia ra 5 xã đảo. Dự án có tầm quan trọng đặc biệt, là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện thành công chủ trương xây dựng Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế; đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia vùng biển, đảo Đông Bắc của Tổ quốc.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như nguồn vốn đầu tư eo hẹp, nhiều công trình, hạng mục di tích còn thi công dở, chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng tới cảnh quan, thẩm mỹ của khu di tích; chưa lựa chọn được nhà tư vấn xứng tầm lập dự án, quy hoạch chi tiết phân khu chức năng và huy động được nguồn lực để triển khai…
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích tại tỉnh Quảng Ninh được thực hiện tốt hơn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói chung và Ban Quản lý các di tích trọng điểm nói riêng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản như sau:
Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể các khu di tích đúng nội dung, lộ trình và tiến độ. Trong đó, tập trung vào các dự án trọng tâm cấp thiết giai đoạn 2013-2016, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn tại các khu di tích. Làm tốt công tác thăm dò, khai quật khảo cổ làm căn cứ khoa học cho công tác phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, nhất là tuyên truyền để người dân địa phương và du khách có ý thức bảo vệ, gìn giữ di tích; để các doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia đầu tư vốn nhằm tôn tạo, phát huy giá trị di tích.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực làm việc tại các di tích, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ tốt.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nhằm kết nối giao thông giữa các điểm di tích và các khu di tích của tỉnh với vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên thế giới tạo thành các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn, đặc sắc… Tất cả những công việc trên không chỉ cần cho hiện tại mà còn cả lâu dài, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Hữu Loan (2006), “Chùa Yên Tử”, trong Chùa cổ Việt Nam, NxbThanh niên, Hà Nội.
2. Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh (2012), Di tích lịch sử - Văn hóa và Danh thắng Yên Tử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội…
ThS. Nguyễn Anh Tuấn
(Tạp chí Du lịch)