(VTR) - Việt Nam có rất nhiều lễ hội. Đa phần các lễ hội na na giống nhau với công thức chung là “sân khấu hóa + ca nhạc + ẩm thực + vài hoạt động hỗ trợ”. Tuy nhiên, vẫn có một số ít lễ hội tạo được sự khác biệt, mà lễ hội Trái Cây Nam Bộ (LHTCNB) là một điển hình.
Tiền thân của LHTCNB là góc “chợ trái cây” mùa hè và cuộc thi “Tạo hình nghệ thuật trái cây” từ năm 1995 của khu du lịch Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh). “Chợ” không ngừng được nâng cấp và mở rộng qua từng năm. Đến 2004, phát triển thành LHTCNB, trở thành sự kiện du lịch của thành phố, mỗi năm lại có thêm những đột phá mới. Lễ hội chính diễn ra trong 8 ngày, thường bắt đầu từ 1/6 và kéo dài suốt mùa hè hàng năm. Không có sân khấu hóa và những nghi thức chiếu lệ, rườm rà; LHTCNB chủ yếu là phần hội với sự chủ động tham gia của du khách. Nhiều người tham dự lễ hội liên tục cả chục năm nay vẫn ngạc nhiên thích thú bởi sự sáng tạo bất ngờ của từng năm. Năm sau, luôn có quy mô và phong phú hơn năm trước, không chỉ nội dung các hoạt động mà còn là sự tăng trưởng cả về lượng khách lẫn doanh thu. Ở Nam Bộ, trái cây chín rộ vào mùa hè. Trái cây được mua từ nhà vườn, chở thẳng đến lễ hội nên luôn đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giá rẻ hơn thị trường tối thiểu 20%.
Năm 2004, ngoài “Chợ nổi trái cây” và hội thi “Nghệ thuật tạo hình từ trái cây” là các hoạt động trưng bày kiểng bonsai, đá ghép, biểu diễn chim…, đặc biệt là chương trình ẩm thực “18 món ngon chế biến từ trái cây”. Năm 2005, chợ nổi lớn được chia thành nhiều chợ nổi nhỏ chỉ bán duy nhất một loại trái cây như thanh long, bưởi, măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, dưa hấu…và có hội thi “Nghệ thuật cắt tỉa củ quả” của các đầu bếp tài hoa trong vùng...
Năm 2010, một phần của khu du lịch Suối Tiên trở thành chợ nổi với 70 thuyền đầy ắp từng loại trái ngon Nam Bộ, thêm bộ sưu tập “Trái cây hiếm, lạ”; món ngon từ trái cây nâng lên thành 30. Năm 2011, có các đoàn nghệ thuật Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia tham dự. Được Guiness Việt Nam công nhận các kỷ lục “Lễ hội có nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình bằng trái cây nhất” (hơn 100 tác phẩm), “Lễ hội có nhiều chủng loại trái cây nhất” (hơn 300 loại). Bộ sưu tập trái cây hiếm lạ với nhiều tên gọi ngộ nghĩnh như : “thằn lằn, óc chó, cóc kèn, ngà voi, lê mắt mèo, lục lạc, trèn hen, ngõa…”.Năm 2012, Guiness Việt Nam công nhận món ăn “Trường thọ tam thập lục” lập kỷ lục là “Món ăn có nhiều loại củ quả nhất” (32 loại)…Năm 2013, lễ hội có sự tham gia của nghệ nhân và trái cây thuộc 21 tỉnh, thành phố.
Năm 2014, ngoài đoàn nghệ thuật các nước Asean, có thêm đoàn nghệ thuật Hàn Quốc. Bộ sưu tập “Trái cây hiếm lạ” với hàng trăm loại độc đáo của hàng chục nước. Bộ sưu tập “Củ quả khổng lồ” không đụng hàng. Còn có các triển lãm và trưng bày “Hạt giống thần kỳ”, “Tranh ghéo bằng hạt và sỏi”, “Mô hình tiểu cảnh”…Các làng nghề truyền thống như gốm, dệt, sơn mài, chạm khắc, đan lát…do các nghệ nhân trực tiếp thể hiện. Các hội thi “Trái ngon - an toàn”, hội thảo về “Trái cây Nam Bộ” …cũng rất hào hứng. Đăc biệt hội thi “Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây” được nâng cấp, cực kỳ ấn tượng với những đột phá sáng tạo bất ngờ. Có tác phẩm dài gần chục mét, nặng cả tấn với mấy chục loại trái cây, thể hiện phong phú các nội dung chủ đề, từ thời sự biển đảo đến sự tích dân gian, từ tình cảm lãnh tụ đến lịch sử dân tộc và vùng đất “Tứ linh – Suối Tiên”. Mãn nhãn nhất là màn diễu hành với hơn 300 diễn viên của các đoàn nghệ thuật quốc tế, đoàn nghệ thuật Việt Nam; các nông dân Nam Bộ với những gánh hàng, những chiếc thuyền trĩu quả; 4 đoàn xe hoa, mỗi xe 4 toa, mỗi toa hóa thân thành một vị thần Quả đặc thù Nam Bộ rực rỡ sắc màu, có các tiên nữ hộ giá cùng thần Nông tưng bừng khai hội. Suốt cả mùa hè, mỗi ngày 2 suất, như màn diễu hành của các khu giải trí Disneyland.
Đến với LHTCNB để “rửa mắt” với bao điều kỳ lạ và thú vị, để thưởng ngoạn các chương trình hấp dẫn, sôi động và để mua trái cây. Vừa ngon, vừa rẻ và an toàn. Có năm, chợ nổi bán được cả ngàn tấn. Có thể ăn trái cây trừ bữa. LHTCNB cũng có nhiều món ngon dân gian; nhất là 30 món ngon của lễ hội được chế biến thành thực phẩm chức năng. Đảm bảo ngon điếc mũi, ăn một lần là nhớ, mới nghe kể đã thèm. Nào lươn um sầu riêng, gỏi ốc bươu trộn khế chua, gỏi dưa hấu hải sản, bò xào táo hoặc kiwi, gà nấu vải, sườn non nấu cam, tôm xào lê, heo xào bắp non… Dứt khoát phải thử món “Trường thọ tam thập nhị quả” không đâu có. Chí ít phải đi một ngày. LHTCNB được tổ chức tại khu du lịch Suối Tiên, điểm đến du lịch hấp dẫn, là một trong 12 công viên được yêu thích nhất thế giới (tạp chí Traveler Zone) và là một trong 7 công viên chủ đề (theme park) độc đáo của thế giới (Suối Tiên xếp thứ 3, BBC bình chọn) nên càng hấp dẫn.
Điều ngạc nhiên là gần như toàn bộ kinh phí tổ chức lễ hội đều do Suối Tiên đảm nhận, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ phần quảng bá. Các hội thi đều có giải thưởng giá trị, các nghệ nhân ở xa được hỗ trợ kinh phí tham gia. Chỉ riêng ngày khai mạc 1/6/2014, LHTCNB đã thu hút gần 100.000 khách cả trong và ngoài nước đến dự. Đó là con số trong mơ của nhiều lễ hội cả nước, dù giá vé vào cửa Suối Tiên là 90.000đ cho người lớn và một nửa cho trẻ em (dưới 5 tuổi và học sinh giỏi được miễn vé, có giảm giá khi đi theo đoàn). Dự kiến LHTCNB 2015 sẽ có triển lãm trái cây hiếm lạ của 30 nước khắp năm châu. Một lễ hội hấp dẫn, kỳ thú, hiệu quả về mọi mặt như vậy tại sao chưa phải là “Sự kiện du lịch quốc gia?”.
Nguyễn Văn Mỹ