Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2014 sẽ có nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn du khách
Sau lễ Cáo yết (xin phép mở hội) diễn ra vào ngày 3/9/2014 (ngày 10 tháng 8 âm lịch), lễ đúc tượng La Hán chùa Côn Sơn diễn ra vào 8/9/2013 (ngày 15 tháng 8 âm lịch) mở đầu cho các hoạt động lễ hội mùa thu năm 2014. Tiếp đó là lễ rước văn từ Tổ đường chùa Côn Sơn lên đền thờ Ức Trai vào sáng ngày 9/9/2014 (16 tháng 8 âm lịch), với sự tham gia của đội múa lân, múa rồng, các kiệu rước, kiệu lễ phẩm, cùng hàng nghìn người dân phường Cộng Hoà, xã Lê Lợi, nhân dân thập phương. Với sự chuẩn bị công phu, khoa học, chắc chắn lễ rước sẽ diễn ra trang trọng, tạo thêm chiều sâu tâm linh cho lễ hội.
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương là quần thể di tích Quốc gia đặc biệt. Nơi đây, gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; Là chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần; Nơi tu hành, viên tịch của Thiền sư Huyền Quang - vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm. Hàng năm, tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có 2 kỳ lễ hội mùa xuân và mùa thu, thu hút hàng vạn nhân dân và phật tử từ mọi miền đất nước hành hương về tưởng niệm các bậc vĩ nhân. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc.
|
Lễ tưởng niệm 572 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hoá thế giới Nguyễn Trãi được tổ chức ngay sau khi đoàn rước tập kết lên đền thờ Ức Trai. Có lẽ trong nhiều năm qua, đến nay chúng ta mới tổ chức lễ tưởng niệm Nguyễn Trãi một cách trọng thể, xứng đáng với công lao to lớn của ông đối với lịch sử dân tộc. Chương trình nghệ thuật chào mừng tại lễ tưởng niệm sẽ diễn lại vở chèo “Côn Sơn hiền sỹ” do Nhà hát chèo Hải Dương thực hiện. Tại lễ tưởng niệm, Ban Tổ chức lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ đọc diễn văn tưởng niệm, đọc văn tế Nguyễn Trãi. Kết thúc lễ tưởng niệm là lễ tế truyền thống của hậu duệ dòng họ Nguyễn Trãi ở làng Chúc Thôn, Chi Ngãi (Cộng Hòa, Chí Linh) thực hiện.
Chương trình lễ hội được tiếp nối bằng lễ khai ấn diễn ra vào đêm ngày 9/9/2014 (ngày 16 tháng 8 âm lịch). Đây là nghi lễ cổ truyền ở đền Kiếp Bạc, theo lệ xưa cứ vào trước ngày đại kỵ của Đức Thánh, chính quyền sở tại cùng các cụ thủ từ làm lễ đóng ấn vào một tấm lụa màu vàng rồi làm lễ xin phép Ngài, xong đem ban phát cho khách thập phương.
Dấu ấn của Hưng Đạo Đại Vương thể hiện uy quyền nhà Thánh để sát quỷ, trừ tà, cứu độ chúng sinh. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ 4 ấn tín bằng đồng của Đức Thánh: Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn, Quốc Pháp Đại Vương, Vạn Dược Linh Phù, Phi Thiên thần kiếm linh phù. Dân gian quan niệm, muốn cầu được thăng quan tiến chức thì xin Thánh ban cho ấn Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn, hoặc ấn Quốc Pháp Đại Vương; cầu được sinh con tài lộc thì xin ấn Vạn Dược Linh Phù; cầu xin việc trừ tà sát quỷ; chữa bệnh…thì xin ấn Phi Thiên thần kiếm linh phù. Đêm ngày 16 tháng 8 âm lịch, sau lễ mật định của các hòa thượng, ngoài trời tổ chức đốt pháo bông, thả đèn trời chào mừng đại lễ. Đến nay du khách hành hương về đền Kiếp Bạc đều mong xin được dấu ấn nhà Ngài treo ở nhà, mang theo mình và tin rằng sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Không khí buổi lễ vô cùng ấn tượng, Người phấn chấn, sung sướng vì xin được ấn Thánh, kẻ ngẩn ngơ, nuối tiếc chỉ vì chậm chân đến muộn. Tất cả đều toát lên một cảm xúc thành kính và trân trọng Đức Thánh. Dư âm của lễ khai ấn khiến bất kỳ ai chưa một lần đến Kiếp Bạc thấy mình như còn mắc nợ!
Ngày 10/9/2014 (ngày 17 tháng 8 âm lịch) diễn ra nhiều nội dung quan trọng trong chương trình lễ hội năm 2014, buổi sáng là lễ rước bộ truyền thống của nhân dân làng Vạn Yên và Dược Sơn, sau đó là lễ tưởng niệm và khánh thành công trình tu bổ đền Kiếp Bạc. Lễ hội quân trên sông Lục Đầu diễn ra từ 9h đến 10h30 là nghi lễ quan trọng, đặc sắc trong lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đây là cuộc diễu hành, phô trương lực lượng mạnh mẽ, là hình bóng của cuộc ra quân xưa với nhiều tướng lĩnh cùng các đạo quân gồm đủ các thành phần, làm sống lại hào khí Đông A và truyền thống giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, tôn vinh chiến công hiển hách của Hưng Đạo Đại Vương trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên. Lực lượng tham gia lễ hội quân khoảng 5000 người gồm nhân dân địa phương, ngư dân Cát Bà, Quần Mục (Hải Phòng), Kênh Giang (Hải Dương) cùng đông đảo nhân dân thập phương. Khung cảnh lễ hội quân tưng bừng, hoành tráng. Trên bộ, sau màn biểu diễn múa rồng, lân là màn biểu diễn võ thuật của 300 võ sinh phái võ Nhất Nam và 120 tay gậy đến từ Gia Lộc, Hải Dương - quê hương của danh tướng Nguyễn Chế Nguyễn. Dưới sông, 50 chiếc thuyền được chăng cờ hoa rực rỡ, biểu diễn các màn giao nhau theo ba chủ đề là: Hào khí Đông A, Hùng khí Lục Đầu và Ca khúc khải hoàn nhằm tái hiện cảnh hội quân của Hưng Đạo Đại Vương và chiến thắng Vạn Kiếp tháng 6 năm 1285.
Lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu cũng là nét độc đáo của lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Lễ hội hoa đăng Kiếp Bạc nhằm mục đích tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc ở các triều đại. Đặc biệt cầu siêu thoát cho vong hồn tướng sỹ nhà Trần và vong hồn trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông Nguyên trên sông Lục Đầu. Qua đó, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh. Vậy nên, việc dựng đàn tháp cầu an trên đường thần đạo, nội minh đường và trên đê sông Lục Đầu là biểu thị nét đẹp văn hoá trong việc ứng nhân, xử thế và gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc.
Một trong những nghi lễ nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ đất nước là diễn xướng hầu Thánh, diễn ra vào buổi tối các ngày từ 16 đến 18 tháng 8 âm lịch.
Khép lại chương trình lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2014 là lễ giỗ Đức Thánh Trần, được tổ chức vào sáng ngày 20 tháng 8 âm lịch tại núi Mâm Xôi và đền Kiếp Bạc. Nghi lễ do các nhà sư thực hiện theo quy định truyền thống, thu hút hàng vạn người tham dự.
Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc không chỉ chinh phục du khách bởi các nghi lễ, diễn xướng linh thiêng, đẳng cấp mà còn hấp dẫn bởi các hoạt động Hội đa dạng, phong phú mang tính đặc thù gắn liền tính chất và sự tích nhân vật được thờ phụng ở đây và những chiến công oanh liệt của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược, như: các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật…
Hãy đến với Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc để khám phá, thưởng thức, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hào hùng mà trang nhã, linh thiêng và hấp dẫn của một vùng non nước xứ Đông./.
PV