(VTR) - Trong vô số loài rau đồng ở vùng sông nước, dường như người miệt thứ “thương” cù nèo hơn cả bởi khi lũ tràn về, lục bình rủ nhau rong chơi theo con nước còn cù nèo ở lại. Cù nèo dễ ăn, đơn giản thì cắt khúc luộc sơ chấm nước cá hay muối chua ăn chung với cá chiên, hoặc ngắt cọng còn non ăn với mắm kho, cá kho, ăn với các món cá lóc nướng trui, mắm chưng cũng đều hấp dẫn.
“Cù nèo mà lại ngâm chua
Ăn với cá rán chẳng thua món nào!”
Món cù nèo xào mỡ ở miệt Cà Mau ăn vừa lạ miệng vừa ngon thiếu điều muốn ăn thay cơm. Cù nèo phải cắt khúc, rửa sạch, tỏi đập dập phi vàng rồi cho cù nèo vào xào chín tới, rắc ít hành lá xắt nhuyễn, ăn nóng. Nếu sang hơn thì xào cù nèo với tép bạc, ngọt khỏi nói. Cá thác lác làm chả, gọt khóm (dứa), cắt cà chua, bẻ ngò ôm, húng quế, ớt đỏ, cù nèo… nấu canh chua. Cái vị chua chua ngọt ngọt của nước canh ngấm trong từng cọng kèo nèo khiến người ăn mê mẩn loài rau bình dị này.
Cù nèo xanh mướt nằm lẫn với cà tím, bông súng, rau đắng, cải xanh, rau muống, đậu bắp, có thêm vài túm bông cù nèo vàng tươi. Lẩu mắm cá sặc thơm lựng những cá, thịt ba rọi, tôm, mực… Cù nèo nhúng sơ trong lẩu mắm đang sôi kèm thêm con tôm, lát thịt ba rọi, bỏ vào chén cơm, khi ăn vị mắm nồng nàn, con tôm ngọt lừ, miếng thịt béo ngậy hòa với vị đăng đắng giòn giòn của cù nèo khiến người ăn nhớ mãi…
Cù nèo (hay còn gọi là kèo nèo) là loại cây dại mọc khắp đồng bằng sông Cửu Long, trông tựa như cây lục bình, nhưng khác ở chỗ kèo nèo rễ bám dưới bùn, nước dâng lên đến đâu ngọn vươn lên đến đó chứ không trôi nổi như lục bình. Là thứ rau trong bữa ăn hàng ngày của người Nam Bộ, cù nèo được ưa dùng để kho cá, nấu canh chua, ăn với lẩu, làm rau sống… |
Nguyễn Thị Việt Hà
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)