Sau 11 giờ bay thẳng Hà Nội - Warsava và thêm một chuyến xe lửa chừng 3 tiếng từ Warsava tới thành phố cổ Krakow, tôi chỉ còn cách địa danh nổi tiếng thế giới này chưa đầy 1 giờ chạy xe. Tận hưởng hương vị một đêm khá yên tĩnh ở cố đô Krakow bên sông Wisla trong xanh, sáng sớm, tôi cùng một hướng dẫn viên người Krakow lên đường tới Wieliczka.
Những bậc đá muối trải dài do nhiều thế hệ thợ mỏ Ba Lan liên tiếp đẽo gọt suốt hàng trăm năm qua dẫn hút tầm mắt như vươn sâu mãi vào đáy mỏ Wieliczka.
Không như các mỏ sau khai thác thường "hoàn thổ" (lấp mỏ), mỏ Wieliczka được giữ nguyên với những hang hốc để biến nơi đây thành một “thánh đường” khai khoáng có một không hai. Hầu hết các bậc đá trong mỏ nay đã được phủ bằng gỗ nhưng ở một vài triền dốc hiểm trở vẫn thấy những bậc muối nguyên thủy đã mòn vẹt. Chúng được những bước chân thợ mỏ cùng sức nặng của bao muối 35kg trên vai mài giũa đến tròn trịa để hôm nay là một thách đố cho tất cả các nhà leo núi cừ khôi nhất. Từ đây, theo chiều ngược lại, "vàng xám" của Wieliczka được chuyển lên mặt đất. Sau đó, xuôi ngược dòng Wisla gần đó để đến các vùng của vương quốc và xuất khẩu ra các nước lân cận.
Kết thúc những chặng đường đầu tiên, lúc cheo leo bên vách đá dựng đứng lúc lại lao sâu gần như thẳng đứng, một đường hầm rộng bất ngờ mở ra trên nền đá muối.
Hệ thống cáp điện, thông gió, đèn tín hiệu... dọc đường hầm được bố trí rất gọn gàng giúp đường hầm thoáng đãng. Bỗng cả nhóm bất ngờ sững lại trước hai cánh cửa ngăn lớn như cửa một cổng thành cổ khép kín cả đường hầm. Cứ khoảng 100m lại có một vách ngăn như vậy và chúng đều được đánh số cẩn thận để giữ không khí trong đường hầm luôn ổn định. Ở hai bên đường hầm có vô số những miệng hang bí hiểm, không biết dẫn tới đâu. Tại các ngả xương cá ấy đều có cảnh báo "không vào”.
Mỏ muối Wieliczca được phát hiện từ thế kỷ 16 và cánh thợ mỏ đã không ngừng mở rộng các đường hầm suốt hơn 500 năm qua để vận chuyển muối lên mặt đất cũng như đón thêm những người làm công mới đến... Tôi không biết những người thợ mỏ làm thế nào để có thể đưa những chú ngựa nòi cao lớn vào sâu trong hầm mỏ để đỡ họ tải muối lên mặt đất và dĩ nhiên là cả việc chăm sóc chúng nữa. Có khoảng 100 con luân phiên dưới lòng đất trong nhiều thế kỷ. Tôi còn thấy máng ngựa vẫn còn vương thức ăn và cỏ khô không biết từ bao giờ.
Với một hệ thống hầm mỏ như vậy, nơi đây đã trở thành công xưởng duy trì một phần bộ máy chiến tranh của Đức quốc xã trong Thế chiến II. Để duy trì an toàn một hệ thống hầm mỏ dài kỉ lục, dẫn tới 3000 hang động lớn nhỏ, hai bên vách và trần hầm được chống đỡ bằng những thân gỗ thông, gỗ sồi và những cây mà tôi chưa biết tên ken sát nhau. Sau hàng trăm năm, nhiều thân cây ngấm muối đã hóa đá. Mỗi thân gỗ có đường kính trung bình 20cm, có đoạn thấy hàng cột chống to đến hơn 30cm. Những thân gỗ ngấm mặn lâu năm nom như hóa thạch nhả ra những đụn muối trắng như những thạch nhũ.
Theo những bước chân thật dài của cô hướng dẫn viên cùng lời giới thiệu về khu mỏ và thỉnh thoảng dừng chân tại những điểm mà những nhân vật như: nhà khoa học Ba lan Nicholas Copernicus, thi hào Đức Johann W. von Goethe hay Tổng thống Mỹ Bin Clinton... từng đặt chân, tôi xuyên xuống độ sâu 64m, 90m rồi 110m, 125m... được cánh mỏ gọi theo số tầng: thứ nhất, thứ hai và thứ ba... Nhờ đó, hiểu biết nghèo nàn về công việc mỏ của tôi trước chuyến thăm được khai sáng.
Ngược với sự bao la phẳng lặng nhẹ nhõm bên bờ Biển chết - biển mặn nhất thế giới - thuộc Israel và Hồ nước mặn Lớn tại bang Uta (Mỹ) mà tôi từng qua, những tầng muối kỳ vĩ cùng những hang động, hồ nước mặn... trong lòng đất Wieliczka chỉ ra những giới hạn đáng kinh ngạc trong màu xám im lặng mà con người có thể xuyên tới. Một dòng nước ngầm trong vắt, mát lạnh và nếm thấy mặn chát nơi đầu luỡi chảy theo chiếc máng dài hút tầm mắt đang chậm rãi đổ vào một chiếc thùng gỗ cho tôi biết, sau ngưng tụ, đây là loại muối chỉ dành cho những bữa tiệc cung đình Ba Lan từ thời Phục hưng. Đây đó trong hầm mỏ như còn nghe thấy tiếng hí của những con tuấn mã cao lớn và tiếng cầu nguyện đang vẳng ra từ vách đá từ vô số những nhà nguyện lớn, nhỏ với sức lôi cuốn lạ... Thì ra, những nhà nguyện và cả một nhà thờ Gothic cao hàng trăm mét bằng gỗ được liên tục hoàn thiện trong suốt hàng trăm năm qua dựa trên những vách đá dựng đứng đã giúp cánh thợ nối tiếp nhau có niềm tin để làm việc lâu dài nơi hầm mỏ trong nhiều thế kỷ. Như thế đủ thấy, Wieliczka còn là một thị trấn tôn giáo dưới lòng đất. Niềm tin tôn giáo đã để lại cho Wieliczka một di sản nghệ thuật mà hôm nay người Ba Lan có thể tự hào.
Một nhà thờ sáng choang trong lòng đất hiện ra làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Các bức tường đá cao hàng chục mét được trang trí bằng các bức phù điêu tôn giáo theo phong cách Phục hưng do những người thợ mỏ nối tiếp nhau khắc sâu vào đá đã biến nơi đây thành một giáo đường trong lòng đất có một không hai. Trên trần, các đèn chùm đá muối khổng lồ tỏa sáng thật lộng lẫy. Nếu không được anh chàng người Krakow nói, tôi sẽ đinh ninh đó là những đèn chùm pha lê bởi ánh sáng rực rỡ từ những hạt muối trong vắt được mài giũa công phu. Đó là nhà thờ thánh Kinga - tên một công nương Ba Lan gốc Hungary, sống trong thế kỷ XIII - được xem là người đỡ đầu của mỏ muối Wiekiczka.
Điểm dừng chân cuối cùng của tôi trong chuyến du hành dài khoảng 4km trong mỏ muối Wieliczka là một phòng hòa nhạc rộng lớn. Thời gian không đủ để tôi thưởng thức bữa tiệc âm nhạc do cánh thợ mỏ thể hiện trên sân khấu bốn bề là muối kia, nhưng bù lại, tôi được ngồi thưởng thức vại bia Ba Lan chính hiệu dưới độ sâu cuối cùng của mỏ muối Wieliczka 327m và lặng ngắm những gương mặt con trẻ đang mỉm cười thích thú với bữa trưa dã ngoại ở sâu dưới lòng đất.
Bài và ảnh: Quốc Chính
(Tạp chí Du lịch)