Khám phá và trải nghiệm mùa nước nổi
Đi cầu khỉ
Khi đến với Đồng Tháp Mười, một trong những phương tiện đi lại độc đáo và mới lạ với khách du lịch chính là những cây cầu khỉ khó đi được làm từ cây tre, tràm, bạch đàn…, bắc qua mương liếp, các con rạch. Đây là một hình ảnh đặc trưng của vùng ngập nước, nhưng ngày nay cầu khỉ hầu như được thay thế bởi những cây cầu bê tông. Thế nên, để khách du lịch biết đến loại cầu đơn giản mà độc đáo này, người dân tại các điểm du lịch đã bắc lại những cây cầu này để phục vụ du khách. Khách du lịch sẽ được các hướng dẫn viên (cũng chính là những người nông dân sinh sống tại đây) hướng dẫn cách đi qua những cây cầu khỉ mảnh khảnh này, họ chỉ dẫn thật chi tiết, vừa mô tả vừa biểu diễn cho khách xem. Đi qua cầu nghe tiếng kêu “ken két” của những thanh tre, du khách vừa run sợ nhưng lại vừa cảm thấy rất thú vị khi mình đã chinh phục được cây cầu có một không hai trên thế giới.
Bơi xuồng, chèo ghe
Khi đến với Đồng Tháp Mười, khách du lịch nhất là người nước ngoài sẽ có được cảm giác mới lạ khi tự mình chèo xuồng vượt lên trên đồng nước mênh mông. Du khách sẽ đóng vai những người dân, được hướng dẫn viên chỉ cách bơi bằng dằm, có thể bơi mũi hay bơi lái.
Còn khi nước cạn không thể chèo xuồng hoặc bơi xuồng, hướng dẫn viên sẽ hướng dẫn cho khách cách chống xuồng bằng sào, đặc biệt là sào nạn (thường được làm bằng cây tầm vông). Tự mình điều khiển chiếc xuồng lênh đênh trên cánh đồng nước nổi, du khách mới cảm nhận được chiếc xuồng mùa nước nổi có vai trò to lớn, là phương tiện nhỏ gọn dùng để đi lại và cũng để đánh bắt thủy sản.
Đánh bắt cá
Đánh bắt cá là công việc quen thuộc đối với người dân vùng Đồng Tháp Mười vì đây là công việc mưu sinh đã gắn bó với họ bao đời nay. Nhưng đối với khách du lịch thì đây là hoạt động vô cùng mới mẻ và tạo được sức hấp dẫn. Tham gia hoạt động này, du khách sẽ được hóa thân thành những người nông dân thực thụ, khoác lên mình bộ bà ba đen, chiếc nón lá và khăn rằn quấn cổ, hòa mình vào đời sống thường nhật của người dân nơi đây để hiểu hơn về cuộc sống của họ. Và họ còn là những hướng dẫn viên nhiệt tình, thân thiện sẽ đồng hành và hướng dẫn cho du khách sử dụng từng loại dụng cụ, cách đánh bắt cá như thế nào cho đúng.
Thu hái rau dại
Các loài rau dại mọc hoang ở vùng ngập nước đã trở nên quen thuộc với đời sống người dân. Ngọn rau dại đã có mặt trong những bữa cơm đạm bạc và làm nên hương vị đặc trưng của vùng Nam Bộ, nó phảng phất phong cách thời khẩn hoang “gặp gì ăn nấy” của cha ông ta ngày xưa và ngày nay nó đang được ưa chuộng ở chốn thị thành.
Có thể nói rau dại là một sản phẩm đặc trưng và phổ biến của vùng Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi. Nếu biết vận dụng vào du lịch thì đây là yếu tố quan trọng để giúp du khách tìm được cảm giác mới lạ cho hành trình tham quan, họ được hòa mình vào thiên nhiên và con người nơi đây, có thể tay tự hái những loại rau để phục vụ cho bữa ăn của mình.
“Mùa nước nổi” phục vụ du lịch
Ngày nay, những hàng quán nhỏ với thực đơn dân dã, đồng quê rất được khách du lịch ưa thích. Tìm hiểu mới biết, nguyên liệu làm nên những món ăn này đa phần là đặc sản vùng sông nước. Chính vì vậy, ý tưởng đưa chúng vào các nhà hàng lớn đã được hình thành, giúp khách du lịch thưởng thức hương vị mới lạ mà đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Từ những sản vật tự nhiên mùa nước nổi có thể chế biến thành nhiều món đặc sản như: cá lóc nướng trui, cá linh nấu canh chua bông điên điển, rắn nướng mọi, chuột hấp cơm, cháo cò, chằng nghịch xào mướp,… Những món ăn này trong sinh hoạt thường ngày được người dân chế biến khá đơn giản. Tuy nhiên, để đưa những món đặc sản vùng sông nước này vào nhà hàng phục vụ khách du lịch thì cần một quá trình hoàn thiện, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến và trình bày món ăn. Nguyên liệu được chọn cần phải tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; công phu trong cách chế biến, nắm bắt được khẩu vị thực khách; trình bày đẹp mắt hấp dẫn nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có của đồng quê.
Để thu hút sự chú ý, tăng thêm sự mới lạ, độc đáo, hấp dẫn khi thưởng thức đặc sản, một số nhà hàng tiến hành tổ chức nuôi rắn, rùa, chuột đồng, các loài chim cò, các loại cá đồng như các lóc, cá trê, cá chạch, cá linh,… sau khi thu mua được từ những người đầu mối. Họ đem về nuôi dưỡng, chăm sóc mỗi ngày để đảm bảo thực phẩm lúc nào cũng tươi ngon.
Khi đến đây, khách du lịch vừa được quyền lựa chọn theo sở thích những con vật mình muốn ăn vừa được xem nhân viên tiến hành chế biến món mình yêu cầu. Ngoài ra, nhà hàng có thể tổ chức cho khách tự chế biến một số món đặc sản mùa nước nổi ngoài trời như: cá lóc nướng trui, rắn nướng mọi, chim chuột nướng,… Nếu khách có yêu cầu, nhà hàng sẽ chuẩn bị một khu vực riêng dành cho khách, bày một vài bàn ăn với đầy đủ dụng cụ ăn, đặt một bếp than thật to cùng với vỉ nướng ở giữa… để cùng một lúc nhiều khách được sử dụng và có thể trò chuyện làm quen với nhau. Những điều này sẽ tạo cho khách du lịch ấn tượng khó quên.
Mùa nước nổi vùng Đồng Tháp Mười được báo hiệu bằng những cơn mưa dày và nặng hạt trên những cánh đồng, cùng lúc nước ở thượng nguồn sông Cửu Long đổ về nhánh sông Tiền ngày càng nhiều hơn. Sự cộng hưởng này làm cho nước đầy ắp kinh rạch, tràn đồng, đời sống sinh hoạt của người dân cũng thích ứng tạo thành nét đặc trưng riêng, cụ thể là trong việc xây cất nhà ở - mùa này chủ yếu là nhà sàn.
Ngày nay, hòa cùng nhịp sống hiện đại con người đã quen với việc ở trong những ngôi nhà cao tầng mái ngói, tường vôi, lát gạch sang trọng. Điều này không tạo được cảm giác mới lạ, ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Thay vào đó, nhà sàn mùa nước nổi với những đặc điểm về kết cấu, không gian sống mở ra một cái nhìn mới, sẽ càng mới hơn nếu đem nó vận dụng vào kết hợp phát triển du lịch.
Chúng ta có thể quy hoạch cho xây dựng một số ngôi nhà sàn tiêu biểu hoặc thuê lại của người dân để khách vào tham quan; tuyển nhân viên có nhiều kinh nghiệm về sông nước, biết chạy tắc ráng, bơi xuồng, chèo ghe... đưa khách đến nhà sàn và để đảm bảo an toàn cần trang bị thêm áo phao cứu hộ, thuyết minh về nhà sàn. Có thể nói, nhà sàn đã đem đến cho du khách cảm nhận mới mẻ về một không gian cư trú độc đáo và tiếp tục làm nền cho những hoạt động hấp dẫn phía sau như loại hình du lịch homestay trên nhà sàn, học cách chế biến món ăn, giao lưu văn nghệ…
Ngoài ra, cần tổ chức cho khách thưởng thức đờn ca tài tử và đặc biệt hơn là nghe hò Đồng Tháp – điệu hò duy chỉ có ở Đồng Tháp, điệu hò đặc trưng với sức lôi cuốn hấp dẫn đến kỳ lạ từ những âm điệu trầm bổng cao vút như kéo cả không gian xích gần lại. Cả đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp đều mang đậm dấu ấn của ông cha ta từ thời khai hoang mở cõi ở vùng đất mới này, là những cung bậc của cuộc sống, là tiếng lòng da diết nhớ về quê hương nguồn cội của mình. Trên chiếc nhà sàn chơi vơi giữa cánh đồng nước mênh mông, cùng tiếng đờn lời ca vang vọng của một khúc Nam ai, Nam xuân, Phụng Hoàng,… hay với nhịp điệu buông lơi, lúc nhặt lúc khoan của điệu hò Đồng Tháp, du khách cảm nhận được sự bình yên và sâu lắng trong tâm hồn mình, sẽ hiểu hơn về nỗi buồn vui cùng những trăn trở của cư dân miền sông nước và thấy được tình đất tình người qua từng tiếng đờn lời ca.
Việc khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, sản vật và cảnh quan sinh thái, kết hợp với những nét văn hóa truyền thống và sinh hoạt thường ngày của con người… tất cả đã tạo nên một loại hình du lịch đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Du lịch mùa nước nổi Đồng Tháp Mười đã góp phần sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả, hạn chế tối đa sự lãng phí tài nguyên, tạo việc làm cho người dân, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ và phát triển kinh tế cho toàn vùng, đi đôi với việc giữ gìn, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa truyền thống của vùng.
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên
(Tạp chí Du lịch)