Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những điệu múa khác nhau, xuất phát từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, các mối quan hệ xã hội của mỗi cộng đồng dân cư. Không chỉ mang đặc trưng văn hóa tộc người, các điệu múa còn mang đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền: người Việt có múa quạt, trống, sênh tiền, mõ...; người Tày có múa quạt, quả nhạc, đàn... thì người Thái có múa xòe, nón, khăn...; người Kh’mer có múa trống, mạt nạ, gáo...; người Chăm có múa quạt, pì dzền, chàm rông, đoa pụ...; người Ê Đê có múa chim grứ... Trong đó, nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và hội xòe hàng năm thu hút rất đông khách du lịch tham gia, trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng của địa phương tổ chức.
Khi đến Việt Nam, du khách không chỉ tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên mà còn mong muốn trải nghiệm văn hóa bản địa. Nghệ thuật múa dân gian dân tộc đã và đang góp phần không nhỏ trong sự phát triển ngành Du lịch thời gian qua. Nhiều điệu múa, tiết mục múa đã lôi cuốn khách du lịch bởi sự độc đáo riêng có của văn hóa mỗi vùng miền. Sự kết nối giữa du lịch với nghệ thuật múa dân gian dân tộc đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, từ đó lan tỏa, quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam tới du khách.
Tại nhiều địa phương, việc bảo tồn, phát huy và khai thác nghệ thuật múa dân gian dân tộc vào hoạt động du lịch đã được chú trọng. Đơn cử như Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn “Bảo tồn, phát triển dân ca, dân vũ dân tộc Thái, dân tộc Mường” phục vụ khách du lịch tại khu Pù Luông, bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước. Học viên được truyền dạy về giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái, dân tộc Mường; diễn xướng trống chiêng dân tộc Mường; hát xường, các điệu múa dân tộc Mường; hát khặp, hát giao duyên dân ca dân tộc Thái; các điệu múa xòe, nhảy sạp dân tộc Thái… Học viên còn được trang bị kiến thức, kỹ năng cách thức tổ chức, biểu diễn phục vụ khách du lịch, tổ chức chương trình giao lưu, tương tác giữa các nghệ nhân với du khách, nhưng kỹ năng giới thiệu, quảng bá nghệ thuật dân gian và các sản phẩm văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mường đến với du khách… Các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đã và đang phối hợp bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật xòe Thái; đưa nghệ thuật xòe Thái vào thực hành biểu diễn trong các dịp lễ hội, các bản văn hóa du lịch, trình diễn trong các chương trình giao lưu văn hóa… nhằm giới thiệu xòe Thái với du khách trong nước và quốc tế…
Tuy đã có những kết quả ban đầu nhưng nghệ thuật múa dân gian dân tộc trong hoạt động du lịch vẫn chưa thực sự được đầu tư, khai thác tương xứng với tiềm năng sẵn có. Thực tế cho thấy, các điệu múa, tiết mục múa trình diễn cho du khách chưa nổi bật, chưa thể hiện rõ đặc trưng, bản sắc riêng của vùng miền, chỉ dừng lại ở hình thức bằng những bộ trang phục, thực hiện động tác múa… mà thiếu đi chiều sâu văn hóa độc đáo, hồn cốt của múa dân tộc. Một số tiết mục múa pha tạp động tác của nhiều dân tộc; trang phục biểu diễn nghệ thuật múa không còn giữ được nét đặc trưng riêng của từng vùng miền, từng dân tộc; có những bộ trang phục còn bị pha trộn giữa dân tộc này với dân tộc kia... Nguyên nhân của những tồn tại trên là do sự thiếu hiểu biết sâu sắc về văn hóa các dân tộc; do tập trung nhiều vào lợi nhuận hơn là chất lượng nghệ thuật của những người hoạt động trong lĩnh vực này, dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc tới du khách.
Để mỗi tác phẩm múa dân gian dân tộc phục vụ du khách đều mang hơi thở, dấu ấn văn hóa Việt Nam, đồng thời phát huy tốt nghệ thuật múa dân gian dân tộc trong phát triển du lịch, trước hết cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất các phương án điền dã, khai thác và phát huy giá trị nghệ thuật múa dân gian dân tộc của các vùng miền, dân tộc thiểu số phù hợp với sản phẩm du lịch; phục dựng lại các hình thức văn hoá tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của các dân tộc (cầu mưa, cấp sắc…); đảm bảo sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong biên đạo, trong biểu diễn nhưng phải giữ được bản sắc riêng của mỗi dân tộc; đổi mới các chương trình nghệ thuật để tạo sự phong phú, sinh động, đủ sức hấp dẫn để thu hút khách quay lại với điểm đến du lịch. Bên cạnh đó nâng cao đào tạo đội ngũ đạo diễn, biên đạo múa, diễn viên múa có trình độ chuyên môn, hiểu biết về văn hóa dân tộc, văn hóa vùng miền để xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng giới thiệu tới du khách...; tăng cường công tác thẩm định, đánh giá chất lượng các chương trình biểu diễn nhằm phát huy giá trị, bản sắc múa dân gian dân tộc trong hoạt động du lịch. Việc giới thiệu, quảng bá các tác phẩm múa dân gian dân tộc đặc sắc, lồng ghép trong các chương trình du lịch cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh...
Thời gian qua, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức những cuộc thi tìm kiếm các tiết mục múa mới, các tài năng trẻ... Hình thức này cần tiếp tục được nhân rộng để tạo điều kiện cho nghệ thuật múa tiếp cận với công chúng và kịp thời “truyền lửa” cho những người có tâm huyết theo đuổi con đường nghệ thuật múa dân gian dân tộc nói chung và múa dân gian dân tộc nói riêng. Nếu muốn nghệ thuật múa dân gian dân tộc ngày càng phát huy hiệu quả trong ngành du lịch, cần khai thác vào chiều sâu và lấy bản sắc, đặc điểm riêng của từng dân tộc làm chủ đạo, từ đó ngành Du lịch luôn có chất liệu tươi mới, sống động để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du khách.
Lê Hải Minh
(Tạp chí Du lịch tháng 8/2022)