Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch
Tại Ba Vì, vùng núi chiếm 42% diện tích với trung tâm là ngọn núi Ba Vì cao 1.296m cùng hệ động thực vật phong phú, quý hiếm. Tập trung xung quanh núi là hàng trăm con suối, hồ nước lớn nhỏ như Ao Vua, Khoang Xanh, thác Mơ, suối Tiên, hồ Suối Hai tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp và đặc biệt suối khoáng nóng Thuần Mỹ có thể khai thác phục vụ các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh… quanh năm.
Hiện Ba Vì có 91 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 Di tích quốc gia đặc biệt, 40 Di tích quốc gia và 50 Di tích cấp Thành phố. Xung quanh núi Ba Vì có nhiều đền thờ Sơn Tinh - vị thánh đứng đầu trong Tứ Bất Tử như tại đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đình Tây Đằng (Bắc Cung), đền Và (Đông Cung) tại Sơn Tây, đền Bố - Tản Lĩnh (Nam Cung), đền La Phù - Phú Thọ (Tây Cung).
Vùng đất Ba Vì có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra vào mùa Xuân hàng năm, trong đó đặc biệt nhất là Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức ở đền Thượng – Trung - Hạ vào ngày 14 - 15 tháng Giêng, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham dự. Khu vực này cũng là vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử văn hóa và hoạt động tín ngưỡng đa dạng, mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc.
Trong những năm qua, UBND huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội đã dành nguồn ngân sách lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, cấp thoát nước… tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Đến nay trên địa bàn huyện Ba Vì đã hoàn thành nâng cấp đường Yên Bài - Tản Lĩnh; nâng cấp đường Vân Hòa đi các khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên - Thiên Sơn - Suối Ngà với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng; đang triển khai nâng cấp đường tỉnh lộ 414 đi khu du lịch Ao Vua với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng; 28 trạm thu phát sóng thông tin di động với kinh phí trên 17 tỷ đồng…
Theo thống kê của UBND huyện Ba Vì, lượng khách du lịch đến huyện tăng đều trong những năm vừa qua. Năm 2019, Ba Vì đón 3,2 triệu lượt khách; doanh thu đạt 403 tỷ đồng. Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên lượng khách du lịch giảm đáng kể, chỉ đạt 725 nghìn lượt người vào năm 2021. 6 tháng đầu năm 2022, Ba Vì đã đón 1,075 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 172 tỷ đồng, tăng 110,9% so với cùng kỳ. Ba Vì phấn đấu năm 2022 đón và phục vụ 2,07 triệu lượt khách, tăng 185% so với năm 2021; doanh thu đạt 320,8 tỷ đồng, tăng 190% so với năm 2021. Đến nay trên địa bàn huyện Ba Vì đã hình thành một số khu, điểm du lịch có thương hiệu như sân golf Đồng Mô, khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên, Thác Đa, Thiên Sơn - Thác Ngà, Ao Vua, Suối Hai, VQG Ba Vì...; hệ thống 105 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, 80 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 500 lao động trực tiếp, trong đó trình độ đại học chiếm tỷ lệ 10%, cao đẳng 8%, trung cấp 19%.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, hoạt động du lịch tại Ba Vì vẫn một số hạn chế như: chưa hoàn thiện công tác quy hoạch chi tiết các dự án du lịch trên địa bàn nên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn; tài nguyên du lịch khá đa dạng nhưng mới chỉ khai thác ở mức độ cơ bản; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, trong đó chưa hình thành hệ thống sản phẩm đẳng cấp, có chất lượng cao; đội ngũ nhân lực du lịch còn thiếu và yếu về trình độ; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để hình thành sản phẩm khép kín; công tác xúc tiến quảng bá du lịch tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả cao...
Để Du lịch Ba Vì trở thành ngành kinh tế chủ lực
Ba Vì đã xác định đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực với mục tiêu đến năm 2025 đón 4,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 500-550 tỷ đồng... Để đạt mục tiêu này, công tác nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của du lịch cần được thực hiện quyết liệt nhằm thống nhất trong nhận thức và hành động. Trong đó, cộng đồng người dân địa phương cần được coi là trung tâm bởi họ là chủ thể và cũng là người đóng vai trò thực hiện quan trọng nhất. Người dân cần được quán triệt, phổ biến những chủ trương, chính sách về phát triển du lịch; cần được hướng dẫn thực hiện các quy định về hành vi, ứng xử trong du lịch; kiến thức kinh doanh du lịch; kỹ năng và thái độ phục vụ du khách; thực hiện công tác bảo vệ môi trường tự nhiên xanh - sạch - đẹp.… nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Một trong những nhiệm vụ Ba Vì đã và đang triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quy hoạch trong lĩnh vực du lịch nói riêng. Trong đó, những khu vực có tiềm năng cho phát triển du lịch như tại khu vực sườn phía Tây, phía Đông núi Ba Vì, khu vực hồ Suối Hai… cần được xác định ưu tiên cho phát triển du lịch. Cùng với đó là những cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì. Những vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, ưu đãi về các loại thuế, hỗ trợ từ Nhà nước đối với các dự án lớn… cần phải được tháo gỡ nhằm thu hút được những nhà đầu tư chiến lược để hình thành nên những cơ sở du lịch đẳng cấp, tạo sức bật mạnh mẽ cho du lịch Ba Vì trong thời gian tới.
Ba Vì cần ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, xác định nghỉ dưỡng cao cấp là loại hình chủ đạo, dẫn dắt phát triển các loại hình du lịch khác. Quá trình xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch mới cần chú trọng nhiều hơn đến việc khai thác bản sắc văn hóa bản địa, thân thiện với môi trường. Trong đó, một số sản phẩm như Lễ hội chợ phiên Mường - Dao tại Khu du lịch sinh thái Bản Coốc (xã Minh Quang), Lễ hội Cơm mới - phong tục đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số cần được đổi mới cách thức tổ chức để tạo ra những hoạt động đặc sắc thu hút khách du lịch. Ba Vì có lợi thế là “vườn thuốc Nam” để có thể đẩy mạnh phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tắm lá thuốc người Dao, xông hơi, ngâm thảo dược; các sản phẩm du lịch khám phá tại khu vực núi Ba Vì như chương trình “Hành trình ký ức di sản”, Lễ hội khinh khí cầu gắn với hoạt động trình diễn hoa dã quỳ, du lịch trải nghiệm tại trang trại bò sữa… cần được đầu tư quy mô và chuyên nghiệp hơn nữa.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là huy động sức mạnh tổng hợp từ Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng nhằm thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Ba Vì. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, huyện Ba Vì tổ chức công bố các quy hoạch đã được phê duyệt, danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện. Hệ thống sản phẩm du lịch, cẩm nang Du lịch Ba Vì cần được hiện diện thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, các nền tảng xã hội; tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo trên địa bàn huyện và tại các địa phương trong cả nước. Việc ứng dụng công nghệ nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Ba Vì cần được đẩy mạnh hơn thông qua việc triển khai số hóa tiềm năng du lịch, triển khai ứng dụng hướng dẫn viên điện tử và phiên dịch ảo, sả xuất phim ảnh 3D, công nghệ thực tế ảo cho các di tích, khu, điểm du lịch tiêu biểu để đăng tải trên internet và các nền tảng ứng dụng phổ biến...
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động du lịch để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du lịch; ban hành các cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng chiến lược phát triển thị trường khách du lịch với thị trường mục tiêu là Hà Nội và các tỉnh lân cận; tăng cường liên kết nhằm hình thành các tuyến du lịch kết hợp với tuyến trung tâm Hà Nội để thu hút du khách… đang là yêu cầu đặt ra cho phát triển du lịch Ba Vì trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Huyện Ủy Ba Vì, Nghị Quyết số 08-NQ/HU về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì giai đoạn 2021 – 2025, ngày 30/6/2021.
2. UBND huyện Ba Vì, Kế hoạch số 42/KH – UBND về “phát triển du lịch huyện Ba Vì giai đoạn 2019 -2021”, ngày 22/01/2019.
3. UBND huyện Ba Vì, số 342/BC-UBND, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng 6 tháng đầu đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ngày 01/6/2022
Nguyễn Thị Huệ
(Tạp chí Du lịch tháng 8/2022)