Qua tìm hiểu các nguồn sử liệu, bao gồm tài liệu chính sử, thư tịch Hán Nôm: văn bia, sắc phong, câu đối, đại tự hiện đang lưu giữ tại quần thể đền Trần, cho thấy dòng họ Trần đã dấy nghiệp từ vùng đất Tức Mặc. Đây là vùng đất có thế “long ngọa”(rồng nằm) phát tích đế vương.
Năm Bính Tuất (1226), Trần Thái Tông lên ngôi vua lập ra kỷ nhà Trần. Năm 1239, vua Trần Thái Tông đã 22 tuổi, nghĩ đến Tức Mặc là nơi làng cũ của mình nên hạ lệnh cho Phùng Tá Chu giữ chức Nhập nội Thái phó dựng hành cung để vua nghỉ ngơi lúc về thăm quê. Đến năm 1262, vào tháng hai (Nhâm Tuất), thượng hoàng ngự đến hành cung Tức Mặc ban tiệc to... đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là cung Trùng Quang. Lại làm cung riêng cho vua đương triều đến chầu ở, gọi là cung Trùng Hoa. Sau đó, lập chùa thờ phật ở phía Tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh. Từ đấy về sau, các vua nhường ngôi lui về cung điện Tức Mặc giữ vai trò cố vấn. Do đó Thiên Trường như kinh đô thứ hai, nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, chính trị, tôn giáo khá sôi nổi, đặc biệt là lễ tục khai ấn đầu xuân được tổ chức vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng giêng.
Tương truyền, vào thời Trần, hàng năm từ ngày 23 tháng chạp triều đình nghỉ ăn Tết. Mãi đến Tết Nguyên tiêu (15 tháng giêng) mới trở lại làm việc bình thường. Ngày làm việc đầu tiên trong năm rất trọng thể. Các dấu ấn đã niêm phong cất đi nghỉ ăn Tết nay được lấy ra lau chùi sạch sẽ. Triều đình tổ chức lễ cáo trời đất, sau đó nhà vua sẽ đóng con dấu đầu tiên để mở đầu cho một năm làm việc và mong cho mọi sự tốt lành. Thiên Trường Tức Mặc dưới thời Trần là một đơn vị hành chính lớn. Nơi đây có Thái thượng hoàng về sinh sống cùng nhiều quan lại của triều đình cũng có mặt. Thông thường ngày đầu năm lễ khai ấn sẽ trực tiếp do các An phủ sứ phủ Thiên Trường điều hành, có sự tham gia của các Thái thượng hoàng.
Khi nhà Trần suy vong, hành đô Thiên Trường – Tức Mặc cũng theo năm tháng tàn lụi dần. Nhưng lễ tục khai ấn vào đêm 14 tháng giêng vẫn được dân thôn duy trì theo lệ cổ qua dấu ấn Hán Nôm của quan Lại bộ Tả Thi lang Đỗ Hựu ghi lại. Cùng với lễ khai ấn tại đền Trần nhân dân địa phương còn tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian. Những năm gần đây, nghi thức này gần như không được tổ chức mà chỉ tập trung vào lễ tục khai ấn. Mặc dù, lễ tục khai ấn chính thức diễn ra vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng giêng nhưng bắt đầu từ giao thừa nhân dân từ khắp nơi đã đổ dồn về khu di tích đền Trần, chùa Tháp lễ phật, lễ vua, lễ thánh cầu phúc, cầu lộc, cầu tài cho một năm mới. Lễ tục khai ấn cũng vì thế đã trở thành một ngày lễ cầu may, cầu phúc và ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân cả nước. Một điều rất có ý nghĩa, trong nội dung lá ấn có dòng chữ: “Tích phúc vô cương”. Chữ “tích” ở đây có nghĩa là “ban cho”. Vậy du khách về dự lễ hội đền Trần nhận được ấn lộc đầu xuân nghĩa là được ban cho mọi điều phúc lành.
Đến với lễ tục khai ấn đầu xuân, du khách thập phương không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu lộc, cầu tài, cầu bình an mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể đền Trần, chùa Tháp, những công trình kiến trúc như chân tảng đá hoa sen thời Trần, những văn bia, câu đối, đại tự có giá trị ghi lại phong tục tập quán, hội hè… Đó chính là không gian thiêng để lễ hội khai ấn có sức sống lâu bền, trường tồn cùng thời gian. Mọi người đến khu di tích đền Trần, chùa Tháp dâng hương tưởng niệm đều mong muốn được ban phúc lành, xem đây là một dịp du xuân độc đáo.
Trịnh Thị Nga