Trải qua các triều Lý - Trần - Lê, vua và các quần thần đón Tết, vui xuân, đều phải tuân theo lệ của triều đình. Ngày 23 tháng chạp, vua có mặt trong lễ “phất thức” (lễ rửa ấn, triện) cùng với các quan để tạm nghỉ việc, kể cả việc pháp đình, công nợ. Đến mồng 7 tháng giêng, các quan mới mở ấn, triện, giải quyết công việc. Sách An Nam chí lược của Lê Trắc có ghi lại Tết của vua quan thời Trần như sau: Trước Tết hai ngày, vua lên kiệu ra hành lễ ở Đế Thích. Các quan mặc phẩm phục theo hầu. Ngày tất niên, nhà vua ra ngự ở cửa Đoan cung để bách quan lạy mừng. Các phường chèo, phường hát tới diễn mừng vua ở đây. Buồi chiều, vua bái yết tổ tiên ở cung Đồng Nhân. Tại đây, các sư tăng, đạo sĩ đã đến cúng lễ từ đêm trước. Sáng mồng một Tết, từ canh năm, vua ra ngự ở điện Vĩnh Thọ để thái tử lạy mừng. Rồi nhà vua tới cung Trường Xuân thăm mộ tiên tổ. Sau đó, vua cùng hoàng hậu ngự điện Thiên An, thái tử và bách quan tới chuốc rượu mừng. Tối mồng một, nhà vua đãi yến ở nhà chúng tiên, trang hoàng vàng ngọc chói lòa. Ngày mồng ba, nhà vua ngự ở Đại Hưng, xem các thái tử và thái giám đánh cầu. Rằm tháng giêng, vua mở hội triều đăng trong cung. Hôm ấy, tại sân hàng ngàn ngọn đèn tỏa sáng rực rỡ. Dưới gốc cây, các sư đứng tụng kinh và các quan quỳ lạy xung quanh.
Những hoạt động lễ tết và du xuân của vua quan trong triều, từ hoàng thành ra kinh thành, làm cho Thăng Long thêm tươi vui, trang trọng, đại diện cho “quốc hồn” của dân tộc trước muôn dân.
Đất Thăng Long dung nạp, hội tụ và chắt lọc tinh hoa của mọi miền quê, nên người Thăng Long đón Tết, vui xuân theo các phong tục, tập quán của người Việt, nhưng thanh nhã hơn, bặt thiệp hơn, lịch lãm hơn mọi miền. Cái ăn, thức uống, quần áo, các trò chơi ngày Tết… đều được người Thăng Long nâng lên thành thú vui ẩm thực, thành nghệ thuật đặc sắc và tinh tế. Nét riêng biệt nhất, nổi trội nhất của “hồn Tết” Thăng Long chính là tục chơi chữ và tranh, chơi chợ hoa và hoa, hái lộc ở đền Ngọc Sơn, khai bút.
TỤC CHƠI CHỮ VÀ TRANH
Chuẩn bị đón Tết, hầu như gia đình nào cũng treo câu đối Tết và tranh dân gian Đông Hồ hoặc Hàng Trống. Câu đối Tết thường được các nhà nho viết bằng chữ chân hoặc chữ thảo, nét đẹp và trang trọng. Đất Thăng Long là nơi tập trung đông đảo kẻ sĩ và quan lại, nên câu đối Tết càng được coi trọng. Họ thường đến tận nhà các danh nho văn hay chữ đẹp để xin đôi câu đối cho đúng với sở nguyện của gia tộc. Đơn giản hơn, có chút bình dân hơn là các ông đồ ngồi bên hồ Hoàn Kiếm, mài mực, cho chữ khách qua đường hoặc các bà các cô đi sắm Tết, muốn có câu đối. Sau này, hình ảnh ông đồ cho chữ chỉ còn trong thơ Vũ Đình Liên với nỗi buồn hoài cổ.
Ngoài câu đối tết, các nhà nho và kẻ sĩ thành Thăng Long còn có thú chơi chữ. Chữ nho được viết bằng nét thảo, đẹp và rất bay, trông xa như tranh một nét, thể hiện tài hoa và khí phách của người viết gọi là “thư pháp”.
Tranh Đông Hồ hoặc Hàng Trống màu sắc tươi vui, sinh động, ấm áp, đem lại cho mọi người ước mơ no đủ, hạnh phúc, được người Thăng Long rất ưa chuộng. Hai bên cửa lớn của mỗi nhà thường treo tranh ông “Tiến Tài”, “Tiến Lộc” để cầu tài, lộc năm mới. Trong nhà thường có tranh “Vinh hoa”, “Lý ngư vọng nguyệt”, Đại cát, tranh tố nữ… Những nhà cầu kỳ còn đến tận nơi làm tranh để đặt tranh. Tranh tứ quý: mai, lan, cúc, trúc thể hiện khí tiết của người quân tử, được các nhà nho đặc biệt yêu thích và treo nơi trang trọng trong phòng khách.
CHƠI CHỢ HOA VÀ HOA
Tập tục này không thể thiếu được của người Thăng Long khi chờ đón xuân sang. Ở mọi miền quê, hoa thường chỉ có ở chợ Tết. Riêng thành Thăng Long, không biết từ bao giờ đã có hẳn chợ hoa lớn ở xung quanh Hàng Lược - Cầu Đông, họp từ sau ông Táo đến tận tối 30 Tết. Muôn ngàn sắc tinh hoa của các loài hoa cây cảnh từ các làng chuyên trồng hoa, các làng quê ngoại thành dồn về bày bán trong chợ… Ngoài hoa và cây cảnh với đủ các kiểu, dáng, thế, chợ hoa còn có hàng mã, đồ cúng tế các loại, hàng mỹ nghệ (gốm, sứ, sơn mài, khắc gỗ), đồ chơi cho trẻ con… đều mang tính kỹ thuật cao. Vì vậy, đi chơi chợ hoa, xem hoa, mua hoa đã trở thành thú chơi riêng mang tính văn hóa truyền thống của người Thăng Long. Đến chợ hoa, mọi buồn lo, ưu phiền của mỗi người trong năm như được trút bỏ, tâm hồn thư thái, thăng hoa bởi sự ngự trị của hương sắc các loài hoa, của cái đẹp nguyên sơ. Khi chưa có các giống hoa của châu Âu do người Pháp du nhập vào, những loại hoa Tết được người Thăng Long yêu quý, ưa chuộng nhất vẫn là đào, cúc đại đóa, cúc móng rồng, trà mi, bạch trà, hồng, lan, thủy tiên, hải đường, mai. Người mua hoa, chơi hoa rất kỹ tính trong việc chọn dáng hoa, thế hoa và cây cảnh, bố cục hoa - nụ - lộc trên cành hoa, cây cảnh sao cho đẹp. Lại phải chọn bình hoa, góc phòng sao cho phù hợp với hoa. Các nhà nho và kẻ sĩ lại càng chú ý nhiều đến dáng và thế cây, hoặc loài hoa, thể hiện cốt cách thanh cao. Đúng mùng một Tết, có được giỏ phong lan hoặc nhành mai hoặc thủy tiên khai hoa thì không gì quý bằng. Tuy nhiên, đào Nhật Tân vẫn chiếm vị trí độc đáo trong các loài hoa Tết đất Thăng Long. Ngày Tết, có thể thiếu các loài hoa khác, nhưng không thể thiếu cành đào Nhật Tân xum xuê, thắm hồng với hàng trăm nụ hoa như những chiếc đèn lồng bé tí xíu điểm chồi lộc xanh non. Nhiều gia chủ khá giả lại sành chơi hoa, lên tận Nhật Tân, mua đào tại vườn. Những cành đào to, đẹp cả dáng, thế, hoa, nụ, lộc, có thể chơi đến rằm tháng Giêng.
KHAI BÚT ĐẦU XUÂN
Là tục lệ của những kẻ sĩ cầm bút Bắc Hà, sau khi đón giao thừa hoặc sớm mồng một Tết, để việc văn sách, việc quan… trong năm mới sẽ được hanh thông. Thăng Long, nơi tập trung bộ máy chính quyền phong kiến tập quyền mới tiêu biểu cho văn hóa Đại Việt, lệ khai bút đầu xuân ngày càng được các quan lại, danh nho, kẻ sĩ lấy làm trọng. Nếu khai bút giao thừa thì mực nghiên, giấy, bút đều phải chuẩn bị trước giao thừa. Cái chí khí, tâm và tình của người viết đều được thể hiện trong những dòng khai bút, trước sự chứng giám của tổ tiên, trời - đất. Sau này Bác Hồ làm Chủ tịch nước cũng vẫn giữ khai bút đầu xuân.
Hồng Anh (ST)