TẾT Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU ÂU
BA LAN: Dịp Tết, thanh niên Ba Lan thường tụ tập thành hội, kéo đến từng nhà hát vang bài Kolota. Đi đầu đoàn thanh niên vui vẻ ấy bao giờ cũng là một chàng trai mặt bôi đen, tay cầm đàn; những người theo sau thì hóa trang thành động vật, thánh thần và ma quỷ! Nhiều nơi còn giữ tục lệ: các cô gái cầm gậy gõ vào những ngôi nhà mình gặp để xua đuổi mọi điều xấu xa, rủi ro.
BUNGARI: Tết ở Bungari không thể thiếu cành thông trang trí (tượng trưng cho sức sống bền lâu) cùng món bánh mì đen chấm muối (thức ăn truyền thống). Mọi người tặng quà cho nhau. Trẻ con cầm cờ hoặc cành cây đến từng nhà, đập nhẹ vào lưng người lớn, vừa đập vừa chúc mừng năm mới, người bị đập phải mừng tuổi tiền, bị đập càng nhiều càng may mắn! Trong bữa ăn đầu tiên của ngày mồng 01 Tết, nhà nào cũng bày một cái bánh nướng to, nhân giấu sẵn đồng tiền và hoa hồng, ai ăn phải phần bánh có đồng tiền thì sẽ giàu sang, còn ăn phải phần bánh có hoa hồng thì sẽ hạnh phúc trong tình yêu.
CÔLÔNHƠ VÀ UÊNX: Tết ở Côlônhơ và Uênx hiện nay vào ngày 01/01 (trước đây, Tết ở Côlônhơ vào ngày 01/11 dương lịch). Đêm giao thừa, người Côlônhơ đốt nhiều đống lửa to và nhảy múa quanh đó, còn người Uênx thì tổ chức hội hóa trang xong rồi cho trẻ con cầm cành hoàng dương dấp nước vẩy vào những ai chúng gặp để chúc phúc.
ĐAN MẠCH: Ở Đan Mạch, mọi nhà đều gom giữ các mảnh vỡ đồ vật. Đêm giao thừa, người ta lặng lẽ đem những mảnh vỡ đó đặt trước cửa nhà bạn mình như một lời chúc may mắn. Sáng ra, cửa nhà ai nhiều mảnh vỡ chứng tỏ người ấy nhiều bạn bè và rất được bạn bè quý mến.
TẾT Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU PHI
AI CẬP: Người Ai Cập đón Tết không theo ngày tháng cố định mà theo mức sông Nile - khi nước sông dâng cao, ngập lụt nhiều nơi họ mới làm cỗ mừng năm mới. Thời cổ, họ uống rượu hoà máu người, còn bây giờ thì dùng phẩm hồng thay. Sông Nile có tầm quan trọng đặc biệt với người dân Ai Cập và họ tin rằng nước dâng ngập, sau khi rút đi sẽ làm cho đất thêm màu mỡ, cuộc sống thêm hạnh phúc.
GANA: Tết đến, người Gana dựng trên đường phố cũ những căn nhà nhỏ bằng lá cọ có trang trí đèn sáng để thanh niên tự do đến đây vui chơi, múa hát. Lúc giao thừa, những ai năm cũ có chuyện xích mích đều phải tìm đến nhau làm lành và tha lỗi. Theo tục lệ cổ truyền, nửa đêm người ta đứng dậy hò la - ai trong năm cũ rủi ro thì la khóc tống tiễn, gặp may mắn thì reo hò vui mừng! Mờ sáng họ xuất hành, đến thăm hỏi, chúc mừng nhau và ôn lại kỷ niệm một năm đã qua.
KÊNIA: Dịp Tết, người Kênia dựng cành thông trong nhà. Ai ở gần sông thì đón năm mới bằng cách nhảy xuống nước tắm hoặc chơi chèo thuyền. Khách đến mừng xuân được chủ mời những món ăn ngọt (phổ biến nhất là chuối nấu với mứt).
MAĐAGAXCA: Người Mađagaxca đón Tết với một tục lệ độc đáo: trong ngày đầu năm, các đôi vợ chồng đem đuôi gà tặng cha mẹ hai bên gia đình để bày tỏ lòng tôn kính; còn bạn bè tặng nhau chân gà thể hiện sự quan tâm và mối quan hệ tốt đẹp.
TẾT Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU MỸ
ACHENTINA: Đêm giao thừa, người Achentina đặt vào gầm giường 3 củ khoai tây, trong đó có 01 củ gọt hết vỏ, 01 củ gọt một nửa và 01 củ chưa gọt. Lúc giao thừa họ tỉnh dậy, nhắm mắt nhặt nhanh lấy một củ - vừa như lời chào đầu năm, vừa để đoán vận hạn của mình. Nếu vớ phải củ chưa gọt vỏ thì mọi chuyện trong năm sẽ tốt đẹp, củ gọt một nửa - bình thường, củ gọt hết - rủi ro và nguy hiểm.
CUBA: Lễ đón năm mới tổ chức ở cả trong nhà lẫn ngoài đường. Mọi người vui vẻ chuyện trò, múa hát bên các bàn bánh kẹo đầy ắp bày trước hiên nhà. Trẻ con đứng trên tầng cao té nước xuống đường để tẩy sạch những rủi ro năm cũ. Lúc giao thừa mỗi người ăn 12 quả nho hoặc cứ 12 người uống chung một cốc rượu nho theo nhịp chuông đồng hồ (mỗi tiếng chuông kêu, một người kịp uống 01 ngụm rồi chuyền cốc cho người bên cạnh).
VENEZUELA: Dịp Tết, người dân thuộc bộ tộc Olampi thường vẽ Mặt Trời rồi dạo chơi khắp làng. Mỗi người cầm một tượng vị thần năm cũ làm bằng cỏ. Họ chào tượng thần rồi buộc tượng vào miếng vải hoặc mảnh sành để từ giã những buồn phiền, rủi ro năm cũ.
TẾT Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
ẤN ĐỘ: Tết ở Ấn Độ (lễ hội Holi) vào ngày 15/2 âm lịch. Nhà nào, làng nào cũng dự trữ củi, rơm rạ... để đốt những đống lửa từ đêm giao thừa 14/2. Người ta cắt cụt móng tay, móng chân quẳng vào lửa cùng với những vật bẩn thỉu khác của năm cũ. Các thùng nước bột pha đủ màu được đặt ở nhiều nơi để mọi người vẩy, té, đổ... nước màu lên người nhau khi gặp mặt - ai càng nhem nhuốc thì càng may mắn! Những cuộc vui và tiệc Tết rất linh đình trong tiếng reo hò: "Holi hai!" và men rượu "khang" (rượu ép từ lá cây).
IRAN: Tết ở Iran vào đúng ngày lập xuân và kéo dài 5 ngày. Mâm cỗ đầu năm gồm các món chay mang những ý nghĩa riêng: quả lê dại, hoa lan dạ hương, dấm, tỏi, nước chấm làm từ mầm lúa mì. Mấy quả trứng vẽ màu được đặt trên một tấm gương làm biểu tượng của ánh sáng và sức sống năm mới. Người ta tặng quà cho trẻ nhỏ, đọc kinh Koran, dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, chúc mừng nhau.
ISRAEL: Tết ở Israel (và của những người Do Thái nói chung) gọi là "Hanukkah", bắt đầu từ tối ngày 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái (thường trùng với tháng 12 dương lịch) và kéo dài trong 8 ngày. Mọi người vui chơi, ăn uống, múa hát tưng bừng. Đêm giao thừa, cả gia đình thắp một ngọn nến trên chiếc đèn menorah. Bảy đêm tiếp theo, mỗi đêm thắp một ngọn. Sau đó, người ta đọc kinh, cầu nguyện rồi đem đặt cây đèn với 8 ngọn sáng rực này ở cửa sổ để chuyển lời chúc mừng năm mới của gia đình mình đến mọi người xung quanh.
Minh Hữu (ST)