Về khía cạnh cung
Với nguồn tài nguyên đặc sắc, phong phú và dồi dào, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển thành điểm đến du lịch ẩm thực. Trong một cuộc kháo sát về ẩm thực toàn cầu với sự tham gia của hơn 25.000 khách hàng đến từ 34 quốc gia, có đến 55% đáp viên nhận biết về ẩm thực Việt Nam; và Việt Nam được xếp thứ 13 trong khảo sát này (Yougov 2019). Hơn thế, Việt Nam đã được Liên minh Kỷ lục thế giới công nhận nhiều kỉ lục thế giới về ẩm thực. Cụ thể, năm 2020 Việt Nam được công nhận là (i) Đất nước sở hữu nhiều món sợi và nước hấp dẫn nhất thế giới; (ii) Đất nước có nhiều món mắm và các món ăn chế biến từ mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới; (iii) Đất nước có nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loài hoa nhất thế giới; (iv) Đất nước có nhiều món cuốn đặc sắc nhất thế giới; (v) Đất nước có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới… Có thể thấy, với sự đa dạng và đặc sắc về tài nguyên, Việt Nam có đầy đủ các điều kiện về mặt cung để phát triển thành một điểm đến du lịch ẩm thực.
Về khía cạnh cầu
Tác giả đã thực hiện một khảo sát trực tiếp 500 du khách quốc tế đến Việt Nam. Trong nghiên cứu này, tiềm năng du lịch ẩm thực được đánh giá theo hai nhóm tiêu chí: (i) nhóm tiêu chí liên quan đến chuyến đi du lịch và (ii) nhóm tiêu chí dựa trên đánh giá cụ thể của du khách.
Về các tiêu chí liên quan đến đặc điểm chuyến du lịch, 3 chỉ tiêu được sử dụng gồm: mục đích chuyến đi, thời gian dành cho ẩm thực và chi tiêu dành cho ẩm thực. Kết quả cho thấy, nếu chỉ xét về mục đích của chuyến đi, rất khó để kết luận về việc có nên phát triển Việt Nam thành điểm đến ẩm thực hay không vì chỉ có 2% du khách được khảo sát trả lời họ đến Việt Nam với mục đích chính là thưởng thức ẩm thực. Tuy nhiên, hai chỉ tiêu còn lại cho kết quả rất khả quan: trung bình một du khách dành khoảng 40,34% tổng thời gian chuyến đi của mình tại Việt Nam và chi 40,06% ngân sách chuyến đi tại Việt Nam (tương đương với 322USD/người) cho việc ăn uống. Đây là một tỉ lệ rất cao, vì theo Tổ chức Ẩm thực thế giới (WFTA), một du khách trung bình chỉ chi khoảng 25% ngân sách chuyến đi của mình cho ẩm thực. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng công bố, một du khách sẽ dành 33,33% ngân sách chuyến đi cho việc ăn uống. Tỉ lệ từ kết quả khảo sát (40,06%) cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình thế giới. Điều này phần nào chứng tỏ du khách rất hứng thú và yêu thích món ăn Việt Nam, vì thế họ đã bỏ ra nhiều thời gian hơn cũng như chi nhiều tiền hơn cho việc thưởng thức ẩm thực tại Việt Nam.
Đối với đánh giá trực tiếp của du khách về tiềm năng phát triển Việt Nam thành điểm đến du lịch ẩm thực, du khách sẽ cho điểm từ 1 - 5 cho hai tiêu chí: (i) đánh giá Việt Nam là điểm đến du lịch ẩm thực, và (ii) dự định quay trở lại Việt Nam để thưởng thức ẩm thực. Kết quả khảo sát cho thấy, du khách đánh giá cả hai tiêu chí này ở mức khá cao: 3,76/5,00 điểm cho tiêu chí điểm đến du lịch ẩm thực; 4,00/5,00 điểm cho khả năng quay lại Việt Nam để thưởng thức ẩm thực.
Như vậy, sau khi đánh giá các tiêu chí cả về cung lẫn cầu để xác định tiềm năng phát triển Việt Nam thành điểm đến du lịch ẩm thực, chỉ có một tiêu chí về mục đích chuyến đi là chưa xác định, các tiêu chí còn lại đều cho kết quả từ khá cao đến rất cao. Kết quả tổng hợp cho thấy, Việt Nam có khả năng rất cao để phát triển thành điểm đến du lịch ẩm thực. Vấn đề đặt ra là xây dựng được các tour thực sự hấp dẫn chuyên về ẩm thực và quảng bá rộng rãi đến du khách.
Tài liệu tham khảo:
1. Pangaenetwork, 2014. Food tourism: Culinary Experiences as a Means of Travelling and Discovering Countries, Report, [Accessed 25 March 2022]
2. UN World Tourism Organization, 2012. Global Report on Food Tourism, Madrid, SpaMa. [Cập nhật 10/3/2022]
3. World Food Travel Association - WFTA, 2017. [Accessed 8 February 2022].
Dương Quế Nhu
(Tạp chí Du lịch tháng 3/2023)