Nếu đến Sa Thầy trên tuyến đường từ thành phố Kon Tum sang, du khách sẽ nhận thấy vùng đất này còn giữ được diện tích rừng tự nhiên khá lớn. Tiêu biểu là Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray đã được quy hoạch thành điểm du lịch với định hướng sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc riêng. VQG Chư Mom Ray được thành lập trên cơ sở từ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Chư Mom Ray với tổng diện tích 56.257,16ha nằm trên địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Đây là VQG duy nhất của Việt Nam nằm tiếp giáp với hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Năm 2004, với giá trị về đa dạng sinh học, nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm, VQG Chư Mom Ray được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN. Nguồn tài nguyên phong phú tại đây không chỉ có ý nghĩa quan trọng với công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà còn được đánh giá là nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng.
Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Chư Mom Ray giai đoạn 2021 - 2030 được phê duyệt với chủ rừng là BQL VQG Chư Mom Ray hứa hẹn sẽ tạo những đột phá mới. Theo mục tiêu của Đề án, VQG Chư Mom Ray sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc riêng; tạo ra nguồn thu bền vững và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Về định hướng phát triển, VQG Chư Mom Ray được xác định phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dựa trên thế mạnh về tài nguyên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng nguyên sinh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các điểm du lịch sẽ được tập trung đầu tư, phát triển giai đoạn 2021 - 2030 gồm: Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái - xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy; rừng khộp Đăk Kan - xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi; điểm du lịch safari Ya Book - xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy.
Bên cạnh VQG Chư Mom Ray, với lợi thế địa hình tương đối bằng phẳng, Sa Thầy còn là điểm đến có thể quy hoạch, đầu tư và tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm, dù lượn. Sa Thầy có dãy núi Chư Tan Kra chạy dài, đồi núi nhiều tầng đón được nhiều hướng gió; độ cao phù hợp để bay dù lượn không động cơ và diều cánh tam giác. Vùng bay bên dưới phẳng và trống trải không bị ảnh hưởng bởi đường dây điện cao thế hay đường hàng không dân sự, có nhiều điểm cất và hạ cánh dành cho các chuyến bay dài hoặc cho huấn luyện đồi thấp. Chư Tan Kra và đồi Charlie đều là những điểm bay đẹp và đặc biệt đây còn là những địa danh mang tính lịch sử. Thời tiết Sa Thầy thuận lợi để bay kéo dài từ tháng 10 đến tháng 7 năm sau. Nơi đây có địa hình kết hợp với thời tiết nóng, sẽ có nhiều luồng khí nóng bốc lên từ 11 giờ đến 15 giờ hàng ngày, rất thích hợp để có chuyến bay XC (bay dài và lâu) dành cho các phi công chuyên nghiệp; các đồi thấp dành cho công tác huấn luyện và tập bay hạ cánh chính xác, an toàn. Với những ưu điểm về địa hình, thời tiết và giao thông, nếu được quan tâm đầu tư huyện Sa Thầy sẽ là một điểm bay có môi trường thuận lợi và an toàn nhất, thu hút các phi công thường xuyên về tập huấn thay vì phải đi nước ngoài như trước đây. Ngoài ra, có thể phát triển điểm bay thành nơi hội tụ các môn thể thao dù lượn cho các giải thi đấu quốc gia và quốc tế; tổ chức thi nâng cấp nâng bằng, chứng chỉ cho phi công có nhu cầu; kết hợp với môn dù lượn không động cơ với các môn thể thao khác như dù, diều lượn có động cơ, máy bay siêu nhẹ…
Về tài nguyên văn hóa, những di tích lịch sử như điểm cao 995-Chư Tan Kra, điểm cao 1015-Charlie hay điểm cao 1049-Delta là những nơi du khách có thể tìm hiểu về những chiến tích của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy hiện là nơi lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử… Với nhiều dân tộc cùng sinh sống (Ja Rai, Xê Đăng (nhóm HLăng), Rơ Mâm, Ba Na (Rơ Ngao)…), huyện Sa Thầy có bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú.
Đến với Sa Thầy, du khách có thể lựa chọn đến thăm làng dân tộc ít người Rơ Mâm, ngâm mình trong suối nước nóng Ia Mang, tham gia Lễ mừng nhà rông mới, Lễ Mở kho lúa và Lễ Pơ- hi (bỏ mả) của người Ja Rai; tìm hiểu về sự huyền bí cũng như phong cách tạo hình độc đáo của nghệ thuật tượng nhà mồ. Du khách cũng thỏa sức chiêm ngưỡng những mái nhà rông cao vút, những sàn nhà dài thoáng mát, thưởng thức các món ăn dân dã, truyền thống mà hương vị vô cùng lôi cuốn như cơm lam, thịt nướng, muối giã rau é, mây đắng, rượu cần, hay hòa mình cùng nhịp cồng chiêng và vòng xoang của những cô gái Ja Rai... Theo kết quả điều tra, thống kê, hiện toàn huyện Sa Thầy vẫn còn 443 bộ chiêng, trong đó có những bộ chiêng quý được lưu giữ tại các hộ dân, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa bản địa độc đáo của vùng đất này.
Với định hướng chiến lược phù hợp, kết hợp bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi…, tin rằng Du lịch Sa Thầy sẽ có cơ hội vươn mình cất cánh trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Doãn Tuấn, Lê Văn Tấn, Mai Văn Trọng (2022), “Măng Đen”, Tạp chí Du lịch
2. UBND tỉnh Kon Tum (2022), Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030
ThS. Nguyễn Doãn Tuấn
Mai Thuận Lợi
(Tạp chí Du lịch tháng 3/2023)