Tham gia tọa đàm có lãnh đạo các Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh; Giám đốc điều hành một số công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn; cùng đông đảo sinh viên năm cuối các trường có đào tạo ngành Du lịch tại TP. Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Giám đốc nhân sự Vietravel Trần Thị Việt Hương cho biết, sau dịch COVID-19, nhân sự của Vietravel không giảm quá sâu, ngược lại còn nhận được một số nhân sự từ các doanh nghiệp khác chuyển sang. Cho đến nay, dù đã phục hồi, nhưng nhân sự Vietravel cũng chỉ đạt 73% so với thời điểm năm 2019. “Một trong những lý do giúp Vietravel vừa sở hữu đội ngũ lao động đông đảo, chất lượng, vừa có thể giữa chân được nhân sự qua những biến động thị trường đó chính là việc triển khai một cách đồng bộ, khoa học chiến lược phát triển và đào tạo lại nguồn nhân lực của công ty. Từ nay đến cuối năm, Vietravel còn có nhu cầu tuyển dụng 139 nhân sự tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, bao gồm nhiều vị trí liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển dự án…” – bà Trần Thị Việt Hương nói.
Nhiều doanh nghiệp khác tại TP. Hồ Chí Minh đều gặp khó khăn chung trong tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực. Giám đốc nhân sự Tập đoàn IHG (Khách sạn InterContinental SaiGon) Đoàn Trần Phương Thảo nhận định, đây là khó khăn chung của các nhà tuyển dụng và cơ sở đào tạo. “Chất lượng chuyên môn, kỹ năng của người lao động chưa được cải thiện nhiều. Chương trình đào tạo chưa sát với công việc thực tế tuyển dụng. Trình độ ngoại ngữ chưa cao, còn gặp nhiều phàn nàn từ khách hàng” - bà Đoàn Trần Phương Thảo chia sẻ. Cũng theo bà Đoàn Trần Phương Thảo, tại TP. Hồ Chí Minh có 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường Đại học có Khoa Du lịch, 54 trường Cao đẳng, 71 trường Trung cấp và nhiều Trung tâm dạy nghề. Thế nhưng, tính liên thông chương trình, kết cấu chương trình đào tạo giữa các cơ sở chưa đồng nhất. Đây là lý do khiến đội ngũ lao động có chất lượng không đều nhau.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist Võ Thị Mỹ Vân cho biết, mỗi năm nhà Trường đào tạo hơn 1.000 học viện bậc sơ cấp và khoảng 2.000 học viên bậc trung cấp. Dịch bùng phát, nhà trường chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến và cũng đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo… “Kể từ sau dịch, nhà trường liên tục cập nhật nội dung chương trình đào tạo nhằm không tạo ra độ vênh giữa “đầu ra” và “đầu vào” của các nhà tuyển dụng. Nhà trường cũng phối hợp rất chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội du lịch, Thành đoàn, Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP. Hồ Chí Minh… tổ chức nhiều hội thảo, hội thi tay nghề nhằm mở rộng kiến thức, kỹ năng cho học viên ngay khi còn học” - bà Võ Thị Mỹ Vân cho biết.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu đã chia sẻ những khó khăn hậu COVID-19 cùng doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, từ cuối năm 2020 đến nay được xem là giai đoạn mà ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng và ngành Du lịch cả nước nói chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Và giải pháp bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt hiện thời cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại TP. Hồ Chí Minh là khá nan giải. “Dù vậy, ngay sau khi ngành Du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch; có các giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý và hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn nhằm tái cơ cấu lực lượng lao động trong ngành. Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Lãnh sự quán các nước mở lớp bồi dưỡng tiếng Hàn, Nhật Bản, Tây Ban Nha… cho đội ngũ hướng dẫn viên. Đồng thời, phối hợp với một số trường Đại học trên địa bàn thực hiện các hội thảo khoa học nhằm đánh giá thực trạng cũng như nguồn cung ứng nhân lực cho ngành Du lịch nói chung” - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cũng kỳ vọng các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo để trong thời gian tới sinh viên ra trường làm được việc ngay, không phải mất thêm thời gian đào tạo lại. “Sau buổi tọa đàm, các diễn giả, các chuyên gia, doanh nghiệp kinh cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, tâm huyết trong việc quản lý, xu hướng đào tạo, qua đó đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị trong ngành Du lịch một cách hiệu quả” - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh.
Cao Phương