Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch
Cần Thơ được mệnh danh là Tây Đô, nằm ở vị trí trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với nhiều đường bay trong nước và quốc tế đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của nhân dân và du khách. Thành phố Cần Thơ sở hữu tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đặc biệt là các yếu tố về lịch sử - văn hóa, ẩm thực dân gian, cùng nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn, những vườn trái cây trĩu quả...
Cần Thơ có hơn 38 di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia. Các điểm đến văn hóa tại Cần Thơ từng bước trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, điển hình như: Di tích quốc gia chùa Ông (quận Ninh Kiều); Di tích quốc gia đình Bình Thủy, Di tích quốc gia nhà thờ Họ Dương, Di tích quốc gia Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy); Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung (quận Cái Răng)… Lễ hội Kỳ yên Thượng điền đình Bình Thủy đã được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thành phố Cần Thơ cũng có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, đang được các doanh nghiệp du lịch khai thác, liên kết, như: làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy), làng nghề hủ tiếu (quận Ninh Kiều), làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, làng nghề đan lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt)... Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn kết với tham quan, tìm hiểu, giới thiệu làng nghề. Ðơn cử là tuyến du lịch Ninh Kiều - Cái Răng, tham quan chợ nổi Cái Răng, các sản phẩm làng nghề như đan đát, dệt chiếu gắn kết tham quan di tích chùa Ông, đình Thường Thạnh... Tuyến du lịch Ninh Kiều - Bình Thủy - Ô Môn - Thốt Nốt đưa du khách tham quan du lịch cộng đồng Cồn Sơn; thưởng thức các loại bánh dân gian, ẩm thực địa phương; tìm hiểu các sản phẩm làng nghề như hoa kiểng, bánh kẹo, bánh tráng, đan lưới, đan lọp, cơm rượu gắn kết tham quan đình Bình Thủy, đình Thới An... Với tuyến du lịch Ninh Kiều - Cái Răng - Phong Ðiền, du khách được tham quan sản phẩm làng nghề như hoa kiểng, đan đát, bánh hỏi mặt võng, nem nướng Cái Răng gắn với tham quan Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung, Khu di tích Chiến thắng Ông Hào, Giàn Gừa, Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam…
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch được Cần Thơ chú trọng và cụ thể hóa qua việc ban hành các chủ trương, định hướng: Nghị quyết số 10-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới; Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố; Kế hoạch của UBND thành phố về bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ. Qua thời gian triển khai, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làng nghề truyền thống từng bước đi vào nền nếp, không chỉ góp phần lưu giữ, quảng bá những giá trị văn hóa mà còn là tài nguyên du lịch dồi dào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Phát huy các giá trị ẩm thực địa phương
Khi du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của Cần Thơ thì yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn giá trị văn hóa càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại Cần Thơ, văn hóa ẩm thực trong du lịch được xem là thế mạnh đang được phát huy, tạo thành thương hiệu riêng. Cần Thơ hội tụ đầy đủ nét độc đáo trong văn hóa ăn uống của người miền Tây sông nước. Ẩm thực Cần Thơ vì thế rất đa dạng, từ những món ăn dân dã mang đậm dấu ấn thời khẩn hoang cho đến những món ăn hiện đại đầy sáng tạo. Có thể nói, Cần Thơ có nền văn hóa ẩm thực đa dạng có thể xây dựng thương hiệu, tạo sức hút đối với du khách gần xa.
Trong thời gian qua, Cần Thơ tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội ẩm thực nhằm quảng bá và phát huy giá trị ẩm thực địa phương gắn với phát triển du lịch. Trong đó, hoạt động nổi bật được tổ chức hàng năm là Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung, giá trị bánh dân gian Nam Bộ nói riêng; góp phần quảng bá đặc sản bánh dân gian Nam Bộ đến du khách; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nghệ nhân làm bánh dân gian liên kết, hợp tác, xúc tiến đầu tư, phát triển bánh dân gian trở thành thương hiệu quốc gia, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X năm 2023, với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị Bánh dân gian Nam Bộ”, dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 28/4/2023 đến ngày 02/5/2023 tại Quảng trường quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức với quy mô dự kiến từ 250 - 300 gian hàng. Lễ hội có các hoạt động chính gồm: Lễ dâng hương và dâng bánh nhân Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch); Hội thi bánh dân gian Nam Bộ và Chương trình biểu diễn cách làm các loại bánh dân gian... Đặc biệt, hội thi làm bánh dân gian nhằm quảng bá và bảo tồn các loại bánh dân gian truyền thống, các loại bánh dân gian có nguy cơ bị mai một của các địa phương trong cả nước, đồng thời trình diễn cách làm các loại bánh dân gian mang tính đặc trưng của các vùng, miền.
Hưởng ứng Lễ hội, nhiều hoạt động phong phú dự kiến sẽ diễn ra trong các ngày tổ chức Lễ hội tại Quảng trường quận Bình Thủy, như: chương trình “Trò chơi dân gian”; chương trình “Bánh dân gian và tuổi thơ” dành cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố; chương trình nghệ thuật với các nội dung biểu diễn thời trang, hội thi “Đờn ca tài tử”… Lễ Khai mạc dự kiến diễn ra vào ngày 28/4/2023; Lễ Tổng kết và Bế mạc Lễ hội diễn ra ngày 03/5/2023 tại Sân khấu chính của Lễ hội…
Đào Thị Thanh Thúy
(Tạp chí Du lịch tháng 3/2023)