Tổ chức tour du lịch làng nghề
Từ thực tế, có thể thấy phát triển du lịch làng nghề cần được gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch giao thông… ở từng địa phương, đồng thời cần có sự liên kết trên từng tour du lịch. Có thể lấy một số ví dụ. Hà Nội đang xây dựng bốn tour du lịch làng nghề, gồm: tour thăm làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ - thêu Thắng Lợi – sơn mài Hạ Thái; tour thăm làng nghề mây tre đan Phú Vinh – làng lụa Vạn Phúc; tour thăm làng lụa Vạn Phúc – điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng; tour thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng – may da, dát vàng Kiêu Kỵ. Các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế đã liên kết, đưa khách du lịch qua 12 làng nghề đậm chất văn hóa của miền Trung. Nhiều làng nghề kết nối với các tour du lịch tham quan danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử nổi tiếng trong vùng.
Trong các làng nghề, cần tổ chức lại các cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng các bảo tàng (hoặc phòng truyền thống); xúc tiến quy hoạch các tuyến du lịch, khu dân cư, khu thương mại, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng làng nghề (hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, điểm truy cập internet…), nhất là thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Nên xây dựng các bảo tàng làng nghề truyền thống với các quy mô khác nhau (bảo tàng địa phương, toàn quốc); hoặc theo ngành nghề (bảo tàng gốm sứ, mây tre đan, dệt lụa…); có thể do Nhà nước tổ chức, có thể là bảo tàng tư nhân, để có thể giới thiệu với khách du lịch về quá trình phát triển của làng nghề hoặc của một ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nước ta.
Đa dạng hóa các sản phẩm
Sản phẩm du lịch làng nghề hiện vẫn dựa vào tài nguyên có sẵn, ít tạo được sự khác biệt giữa các địa phương khác nhau; hơn nữa, việc đầu tư khai thác sản phẩm du lịch vẫn ở dạng thô, đơn điệu, kém hấp dẫn. Vì vậy, việc sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch làng nghề cần được thực hiện một cách chuyên nghiệp, chú trọng những sản phẩm có tính nổi trội, khác biệt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy đối với du khách nước ngoài, nhu cầu tham gia du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm giá trị văn hóa các dân tộc đang tăng cao. Vì vậy, tour du lịch làng nghề cần thiết kế gắn với du lịch sinh thái và văn hóa ẩm thực.
Gặp gỡ nghệ nhân cũng là một hoạt động mang lại cho du khách những cảm hứng mới. Khách tham quan có thể trò chuyện với nghệ nhân về nghề mà họ đang gắn bó, xem họ trình diễn và trực tiếp mua các sản phẩm của họ. Du khách đặc biệt quý trọng những sản phẩm “độc bản” mà nghệ nhân có thể làm trước sự chứng kiến của khách, kèm theo chữ ký của mình.
Trong từng làng nghề, cần có nhiều cách trình bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để tăng thêm sức hấp dẫn. Tuy nhiên, hình mẫu chung là đưa du khách tham quan khu vực sản xuất; tạo cơ hội để khách tham gia làm các sản phẩm cho riêng mình: ví dụ tại làng dệt thổ cẩm, du khách được học cách dệt và tự dệt thổ cẩm cho riêng họ. Chính việc đáp ứng các yêu cầu về khám phá sẽ kích thích du khách mua những mặt hàng đặc biệt ở nơi họ đến.
Ngoài ra, không thể xem nhẹ việc tôn tạo cảnh quan môi trường tại các làng nghề; chú trọng bảo vệ môi trường trong lành, khắc phục ô nhiễm môi trường; sắp xếp thật ngăn nắp các điểm tham quan, du lịch. Cần chú ý tổ chức lại các hàng bán hàng lưu niệm.
Tầm nhìn để làng nghề phát triển xứng tầm
Trong việc phát triển du lịch làng nghề, đội ngũ nhân lực có vị trí đặc biệt quan trọng. Trước hết, đó là đội ngũ những người có chức năng quản lý du lịch làng nghề: họ cần có tầm nhìn về giá trị kinh tế, văn hóa của làng nghề trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; cần có lòng say mê với công việc, có tư duy đổi mới. Cùng với các công ty nhà nước, cần khuyến khích các công ty tư nhân làm du lịch làng nghề, coi đây là một nhân tố chủ yếu trong việc phát triển du lịch làng nghề xứng tầm, mở ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách và đạt hiệu quả cao hơn.
Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch làng nghề hiện nay vừa thiếu, vừa yếu; do vậy, công việc thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo hướng dẫn viên rất cần thiết. Việc đào tạo một đội ngũ hướng là con em trong các làng nghề giới thiệu với du khách, gắn bó với sự phát triển du lịch làng nghề họ đang sống là việc nên làm.
Đổi mới công tác quản lý
Cuối cùng, để thực hiện những giải pháp cần thiết nhằm khai thác và phát huy tài nguyên du lịch đang rất phong phú của làng nghề, rất cần đổi mới công tác quản lý, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành quản lý nhà nước liên quan với nhau. Các cơ quan hoàn chỉnh quy hoạch du lịch; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách, tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng làng nghề, khắc phục ô nhiễm môi trường… Khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh du lịch làng nghề; đồng thời khuyến khích các tổ chức xã hội, các hội làng nghề địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch làng nghề.
Vũ Quốc Tuấn
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)