Khác với ả đào, phát sinh từ lối hát thờ, hát cửa đình rồi vào chốn cung đình, là loại nhạc thính phòng của giới nho sĩ Bắc Hà, ca Huế phát sinh từ cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng nhạc dân gian Huế. Vì thế, ca Huế có hệ thống bài bản với cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi kỹ năng biểu diễn điêu luyện của nhạc công và ca công, có phong cách sang trọng, tao nhã nhưng cũng mang đậm phong vị dân gian. Vì lẽ ấy, ca Huế được đánh giá là bộ phận âm nhạc đặc sắc, có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Ca Huế được chia thành hai điệu chính là điệu khách (hay còn gọi là điệu Bắc) và điệu Nam. Nếu điệu Bắc trang trọng, vui tươi, âm sắc trong sáng rộn rã như cổ bản, long ngâm, hành vân, long điệp... thì điệu Nam trữ tình sâu lắng xen lẫn sắc thái da diết bi thương như nam ai, nam bình, tương tư khúc... Ngoài hai điệu chính, ca Huế còn có nhiều hơi nhạc như thương, ai, xuân, thiền... để diễn tả những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau. Chính hơi nhạc đã làm cho các danh ca, danh cầm Huế không còn là người diễn xướng đơn thuần những làn điệu có sẵn, mà là đất để họ tạo nên sự khác biệt trong khổ luyện tài hoa.
Từ lâu, ca Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn không thể thiếu khi du khách đến với cố đô, trong đó ca Huế trên sông Hương là một sản phẩm du lịch ấn tượng rất được ưa chuộng.
Lâu nay, để đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách, ca Huế đã được đưa vào biểu diễn trong các khách sạn, nhà hàng khi du khách có nhu cầu. Vì lẽ đó mà ca Huế đang dần bị thương mại hóa theo thị hiếu của các đối tượng khách, bị thay đổi nội dung và nhiều khi phải thêm bớt các bài tân nhạc trong một chương trình biểu diễn. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thừa Thiên - Huế: Lực lượng diễn viên nhạc công tham gia dịch vụ ca Huế hiện nay có 445 người, trong đó có 240 diễn viên và 205 nhạc công. Vào mùa du lịch cao điểm, mỗi đêm có khoảng 30 - 40 suất diễn ca Huế, mỗi năm có gần 11 ngàn suất diễn phục vụ khoảng 220 ngàn lượt khách… Trước thực tế hiện nay, nếu ca Huế không được quản lý chặt chẽ thì dễ trở thành một sản phẩm thị trường, làm mai một và đánh mất tính chất đặc sắc của nó…
Để ca Huế giữ được phần hồn, phần tinh túy của loại hình nghệ thuật đặc sắc, theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa thiên - Huế: “Để ca Huế không bị thương mại hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế sẽ quy hoạch các điểm biểu diễn nghệ thuật, có thể xây dựng một số điểm biểu diễn ca Huế ở nhà hát, bảo tàng, di tích... Từ đó, tạo cho ca Huế hình thái phát triển cả về chất lượng nghệ thuật và không gian biểu diễn…”.
Hiện tại, với mong muốn đưa ca Huế chính thống đến gần hơn với đông đảo khán thính giả, một thính phòng ca Huế đã được thành lập với không gian trưng bày các nhạc cụ, tự liệu, tranh ảnh về ca Huế. Tại đây, vào các tối thứ 3, thứ 6 hàng tuần tổ chức biểu diễn miễn phí phục vụ người dân Huế và khách du lịch có nhu cầu thưởng thức ca Huế chính thống, với sự tham gia của trên 20 thành viên đàn, ca Huế có tên tuổi như Minh Mẫn, Thanh Hương, Kim Vàng, Lệ Hoa, Quỳnh Hoa...
Theo ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Huế - Bửu Ý: “Ca Huế không bắt buộc người khác phải nghe, ca Huế không tranh giành thính giả cũng như sân khấu của tân nhạc và nhạc thời thượng. Ca Huế bằng lòng với một vuông chiếu, một căn phòng, nhúm bạn tri âm”. Có như vậy, tự thân ca Huế sẽ phát huy giá trị văn hóa lịch sử và trở thành một sản phẩm du lịch đắt giá của ngành Du lịch Thừa Thiên – Huế.
Ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 17, ca Huế trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820 - 1840) đến thời Tự Đức (1848 - 1883). Mới đây, ca Huế đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL. |
Minh Hạnh