Tiếp cận đào tạo theo năng lực thực hiện
Năng lực thực hiện (NLTH) là khả năng hoàn thành các hoạt động nghề nghiệp trên cơ sở tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ theo chuẩn đặt ra và được thể hiện trong thực tiễn cuộc sống hoặc nghề nghiệp.
Phương pháp đào tạo theo NLTH là phương pháp đào tạo dựa trên những tiêu chuẩn quy định cho một nghề cụ thể, không phụ thuộc vào thời gian đào tạo như phương pháp đào tạo theo truyền thống. Kết quả của quá trình đào tạo đó chính là năng lực được tham chiếu theo chuẩn nghề cụ thể. Các chuẩn này chính là cơ sở để lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, đánh giá quá trình và kết quả đào tạo. Với cách tiếp cận đào tạo này, hoạt động đào tạo của các nhà trường đã gắn rất chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống, với yêu cầu của công việc, với nhu cầu của thị trường lao động, của người sử dụng lao động.
Nội dung đào tạo theo NLTH không phải là hệ thống các khái niệm, kỹ năng, mà là hệ thống năng lực thực hiện nhiệm vụ thực trong cuộc sống, trong công việc. Các tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của người học được xác định từ năng lực của người lao động lành nghề trong lĩnh vực chuyên môn, nghề cụ thể nên sau khi kết thúc đào tạo, người học có thể đảm đương luôn vị trí lao động tương ứng.
Thành phần chủ yếu của đào tạo theo năng lực thực hiện bao gồm dạy và học các NLTH; đánh giá và xác nhận NLTH.
Trong dạy và học theo năng lực thực hiện, nội dung học tập là các đơn vị kiến thức, kỹ năng theo chuẩn đặt ra được xác định trên cơ sở phân tích nghề và được thông báo trước tới từng người học. Chương trình đào tạo thường được xây dựng theo mô đun tích hợp, kết hợp với một số môn học khác nhau. Trong mỗi chương trình đào tạo, kiến thức lý thuyết phải được học ở mức độ cần thiết đủ để hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển kỹ năng thực hiện công việc. Qúa trình dạy và học các năng lực, mỗi người học phải có đủ điều kiện học tập cần thiết, đặc biệt là điều kiện và cơ hội thực hành, phải thường xuyên nhận được thông tin phản hồi cụ thể về sự phát triển năng lực của mình. Tiếp cận năng lực thực hiện chính là phương pháp đào tạo hướng vào người học, lấy người học làm trung tâm.
Trong đánh giá và xác nhận năng lực của từng người học, các tiêu chí đánh giá năng lực người học thường được xác định từ tiêu chuẩn của nghề hay kỹ năng nghề. Mỗi người học phải thực hiện các công việc đạt tới mức thông thạo ở điều kiện giống như công việc trong thực tế thì mới được xác nhận về năng lực ở công việc đó và được chuyển sang học công việc khác. Do đó, đánh giá theo năng lực được coi là một xu hướng tiếp cận chất lượng mới trong đào tạo và phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Những bất cập trong đào tạo nhân lực du lịch
Hiện nay, các cơ sở đào tạo về du lịch của nước ta chủ yếu đào tạo theo tiếp cận truyền thống với những chương trình đào tạo về du lịch được phát triển phụ thuộc nhiều vào khung thời gian quy định và phân biệt rõ ràng các khối nội dung cần đào tạo là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Các đơn vị kiến thức là hệ thống những khái niệm cần thiết cho một nghề, ngành được thể hiện trong các môn lý thuyết và hệ thống kỹ năng được thể hiện trong các môn thực hành. Hai khối kiến thức lý thuyết và thực hành tách biệt nhau cả về địa điểm và trình tự triển khai đào tạo. Cách tiếp cận truyền thống này đã tạo nên những hệ thống đào tạo tốn thời gian, chi phí mà năng lực của người học sau khi tốt nghiệp lại thấp, không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và phải mất rất nhiều công sức để đào tạo lại.
Các doanh nghiệp sử dụng lao động đang mong chờ các cơ sở đào tạo về du lịch trả lời những câu hỏi: Người tốt nghiệp khóa học về du lịch có thể làm được gì? Sự thông thạo các công việc chuyên môn/nghiệp vụ/nghề đến mức nào? Người tốt nghiệp có thể làm được việc đó theo tiêu chuẩn của ngành, của doanh nghiệp hay không?
Với những hạn chế trong phương pháp đào tạo truyền thống và yêu cầu của các doanh nghiệp như vậy, các cơ sở đào tạo về du lịch cần đẩy mạnh việc áp dụng phương pháp đào tạo theo tiếp cận năng lực thực hiện trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay.
Triển khai đào tạo nhân lực du lịch theo tiếp cận năng lực
Xây dựng khung trình độ quốc gia về du lịch
Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về nhân lực ngành Du lịch làm cơ sở để các trường xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn và doanh nghiệp tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ nhân lực du lịch thống nhất toàn quốc. Đặc biệt, cần triển khai có hiệu quả một số giải pháp liên quan đến vấn đề này: xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đối với các chức danh, cấp, bậc ngành nghề du lịch; mở rộng hoạt động phạm vi hoạt động của Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch Việt Nam (VTCB) đối với các ngành nghề du lịch; tăng cường hội nhập dần tiêu chuẩn nghề, ngành Du lịch trong khu vực và thế giới.
Cải tiến mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực
Để cải tiến mục tiêu đào tạo cần đánh giá đúng hiện trạng và mức độ phù hợp của các mục tiêu hiện tại so với yêu cầu thực tiễn. Việc cải tiến nội dung, chương trình đào tạo theo NLTH cần được tiến hành theo hướng giảm khối lượng kiến thức cơ bản, tăng khối lượng kiến thức chuyên ngành, tăng thời lượng thực hành, thực tập nghề nghiệp.
Xây dựng khung năng lực cho từng vị trí công tác trong các doanh nghiệp du lịch, khách sạn bao gồm những năng lực mà người ở vị trí đó cần có để thực hiện tốt công việc.
Cần tiến hành phân tích ngành, nghề đào tạo một cách chính xác và đầy đủ theo kỹ thuật phát triển chương trình giảng dạy dựa trên chức trách, nhiệm vụ và công việc nhân viên du lịch phải thực hiện.
Phân công giáo viên biên soạn tài liệu giảng dạy lý thuyết và hệ thống các mô đun thực hành theo hệ thống kỹ năng đã được xác định; tổ chức thường xuyên thảo luận, rút kinh nghiệm đối với một số bài dạy kỹ năng mẫu để nhất quán trong quá trình triển khai đối với tất cả các chương trình đào tạo, các ngành, nghề đào tạo. Tăng cường tổ chức hội thảo và khảo sát lấy ý kiến đánh giá của người học về nội dung chương trình đào tạo.
Đổi mới phương pháp dạy học theo tiếp cận năng lực
Các cơ sở đào tạo về du lịch cần tập trung bồi dưỡng cho giáo viên những năng lực như: xây dựng bài dạy theo hướng thực hành, kỹ năng thiết kế các tình huống trong dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả dạy của giáo viên và các NLTH của người học.
Áp dụng phương pháp giảng dạy tích hợp và tích cực hóa hoạt động học của người học theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường tự học, tự nghiên cứu. Đặt trọng tâm bồi dưỡng phương pháp xây dựng bài dạy thực hành theo hướng tích cực hóa hoạt động rèn luyện kỹ năng nghề cho người học trong tất cả các khâu: chuẩn bị giáo án, thiết kế hoạt động dạy học, trình diễn mẫu, kiểm tra đánh giá kỹ năng của người học theo sản phẩm cuối cùng.
Cải tiến đánh giá kết quả học tập theo NLTH
Đánh giá theo NLTH là một quá trình thu thập, phân tích, diễn giải chứng cứ và đưa ra kết luận về một người đã đạt tiêu chuẩn năng lực của nghề hay chưa. Hệ thống đánh giá này bao gồm: đối tượng đánh giá, người đánh giá và tiêu chuẩn năng lực.
Khi triển khai đào tạo theo tiếp cận năng lực, hoạt động đánh giá cần phải dựa theo các tiêu chí: sự thực hiện, kiểm tra kết quả thực hiện, an toàn, vệ sinh lao động, năng suất lao động hay hiệu quả công việc, khả năng phối hợp hoạt động với người khác nhóm. Cần xây dựng những quy định và tiêu chí minh bạch liên quan đến việc tổ chức đánh giá kết quả thực hiện của người học. Tổ chức tập huấn cho giáo viên phương pháp đánh giá theo tiếp cận năng lực. Xây dựng bộ công cụ đánh giá áp dụng cho từng nhóm môn học, mô đun. Tổ chức đánh giá mẫu ở từng lĩnh vực, nhóm môn học và tiến hành thảo luận lấy ý kiến của giáo viên, người học về các quy định, tiêu chí đánh giá.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác đào tạo
Các cơ sở đào tạo cần đánh giá toàn diện về hiện trạng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho từng ngành, nghề, đặc biệt chú trọng đến hệ thống phòng thực hành nghiệp vụ, phòng học ngoại ngữ đa phương tiện; tăng cường hạ tầng kỹ thuật bảo đảm môi trường đào tạo tương ứng phù hợp với thực tế trong các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. Đồng thời, cần ban hành danh mục chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn thiết bị đào tạo cho từng nghề du lịch, chuẩn giáo viên, giảng viên, đào tạo viên du lịch; ưu tiên cho những ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, cấp khu vực.
Nâng cao năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý
Cần nhận thức đúng vai trò của đội ngũ giáo viên, giảng viên trong quản lý và đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học. Các cơ sở đào tạo du lịch cần tăng cường tuyển dụng và mời những người có kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Tăng cường đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, công nghệ mới, đặc biệt kỹ năng dạy học và đánh giá theo tiếp cận năng lực cho đội ngũ giáo viên
Cần bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý năng lực xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị điều kiện và phương tiện đào tạo, phương pháp dạy học tích hợp và đánh giá theo năng lực. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần tập trung đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của mình theo hướng đào tạo tiếp cận NLTH.
Cải tiến đào tạo nhân lực theo năng lực trong lĩnh vực du lịch của nước ta nên bắt đầu từ việc xác lập những mục tiêu đào tạo gắn chặt với công việc thực của từng vị trí công tác tại doanh nghiệp; đổi mới toàn diện việc xây dựng, triển khai chương trình đào tạo; cải tiến phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập; tăng cường đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất thiết bị cho hoạt động đào tạo.
Đào tạo nhân lực theo tiếp cận NLTH là một phương pháp tiếp cận đào đạo chú trọng đến các hoạt động thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp. Cách tiếp cận này không loại trừ cách tiếp cận truyền thống trong đào tạo nhân lực du lịch ở Việt Nam với điều kiện hiện tại mà chỉ là sự bổ sung hoàn hảo giúp sản phẩm đào tạo gắn kết với cuộc sống thực, với công việc thực ở doanh nghiệp. |
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020, Ban hành theo quyết định số 3066/QĐ-BVHTTDL ngày 29/9/2011. 2. Đỗ Mạnh Cường, Năng lực thực hiện và dạy học tích hợp trong đào tạo nghề, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục chuyên nghiệp 06/2011. 3. Vũ Đức Minh, Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam-Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Khoa học thương mại số 17/2007. |
ThS. Hoàng Văn Thái
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)