Thực trạng đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành du lịch tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay
Nhìn chung, hiện nay, việc giảng dạy NNCN nói chung cũng đã đạt được những kết quả nhất định và phần nào trang bị cho nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp không chuyên ngữ một công cụ hữu ích trong chặng đường nghề nghiệp của mình.Trong xu thế hội nhập hiện nay của đất nước, cùng với tin học, ngoại ngữ đã trở thành công cụ vô cùng quan trọng và không thể thiếu được đối với bất kỳ sinh viên nào khi ra trường. Tuy nhiên, việc giảng dạy NNCN trong nhà trường cao đẳng, đại học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của môi trường kinh tế xã hội trong thời kỳ mới.
Trong thực tế, ở các cơ sở đào tạo đều có tổ bộ môn hoặc khoa Ngoại ngữ chuyên ngành, song chưa có sự liên thông hoặc cộng tác chuyên môn giữa các bộ môn và khoa ở các trường có những nhóm ngành đào tạo giống nhau để phối hợp nâng cao hiệu quả soạn thảo chương trình và tiết kiệm thời gian, công sức. Mặt khác về phương pháp giảng dạy NNCN và nội dung dạy còn chưa được nghiên cứu một cách khoa học và chưa có đầu tư thực sự cả về chất lượng và số lượng.
Thêm vào đó, năng lực xây dựng chương trình NNCN của các bộ môn, khoa ngoại ngữ của các trường cao đẳng, đại học vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Các chương trình đã được xây dựng phần lớn còn dựa trên năng lực và kiến thức của người thiết kế chương trình hơn là dựa trên nhu cầu người học.
Đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên ngành vẫn chưa theo hướng chuẩn hóa tiếp cận chuẩn quốc gia, chuẩn khu vực và quốc tế.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường đã được nâng cấp, xây dựng mới song vẫn chưa được trang bị một cách đồng bộ và hiện đại.
Phương pháp giảng dạy và học NNCN đã có nhiều đổi mới song vẫn chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo, khả năng tự học, tự đánh giá, năng lực tìm và tạo việc của sinh viên.
Thực tế cho thấy, việc đào tạo NNCN cho các nghề Du lịch phần nào còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Công tác đào tạo, bồi dưỡng NNCN du lịch, khách sạn phần nào không đạt hiệu quả như mong muốn và còn gây lãng phí nguồn tài chính đầu tư cho công việc này. Về chương trình, trong lĩnh vực đào tạo cho các nghề du lịch, chưa có chương trình đào tạo, bồi dưỡng thống nhất áp dụng đồng bộ trên phạm vi cả nước. Các cơ sở đào tạo du lịch đã phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, NNCN cho các nghề du lịch mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành. Tuy vậy, về giáo trình và tài liệu học tập còn sử dụng tài liệu kiến thức không còn phù hợp với thực tế hoạt động tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch. Một số tài liệu NNCN do các trường tự biên soạn còn mất sự cân đối trong việc phát triển 4 kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết. Về đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ, do những hiểu biết kiến thức về ngành nghề còn nhiều hạn chế nên chưa áp dụng đồng bộ phương pháp giao tiếp trong đào tạo NNCN. Phần nhiều giảng viên ngoại ngữ chuyên ngành du lịch ít có cơ hội tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn trong và ngoài nước để nâng cao chuyên môn và kiến thức, kỹ năng của ngành nghề mình giảng dạy.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành du lịch
Trước hết, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần tổ chức soạn thảo và ban hành một khung chương trình có tính khả thi cao, thực tiễn, linh hoạt và tổ chức thiết kế xây dựng một số chương trình môn học NNCN được “chia sẻ” cao ở các trường đại học, cao đẳng. Các khoa, bộ môn NNCN nên phối hợp, cộng tác chặt chẽ với nhau trong xây dựng chương trình, đặc biệt ở những trường đại học, cao đẳng có nhóm ngành đào tạo tương đối giống nhau, đồng thời nhanh chóng tổ chức đào tạo một đội ngũ thiết kế và xây dựng chương trình đủ năng lực để có thể đảm trách tốt việc xây dựng chương trình nhằm đảm bảo hiệu quả giảng dạy NNCN cho sinh viên; tích cực mở rộng hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực thẩm định giáo trình, trao đổi, cung cấp sách, tài liệu tham khảo cho giáo viên và sinh viên.
Trong việc xây dựng chương trình phải chú ý đến tính liên tục và tính kế thừa để nâng cao năng lực ngoại ngữ mà sinh viên đã tích lũy được ở nhà trường phổ thông.
Hai là, nâng cao nhận thức về NNCN; công tác tuyên truyền, quán triệt về giáo dục phải được thực hiện sâu rộng, thống nhất.
Ba là, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học NNCN, trang bị cho sinh viên các phương pháp và kỹ năng cơ bản để tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển tư duy sáng tạo; tạo điều kiện cơ sở vật chất cần thiết nhằm phát huy khả năng tìm tòi sáng tạo của sinh viên; tránh cách dạy độc thoại, áp đặt; đầu tư hợp lý vào các hoạt động giải trí bằng ngoại ngữ: câu lạc bộ, dạ hội…
Bốn là, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ sư phạm của giáo viên ở bậc đại học, cao đẳng; tạo điều kiện để họ tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại của thế giới.
Năm là, phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch chất lượng caotheo mô hình song ngữ để nâng cao một cách đáng kể trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên ngành cho đội ngũ nhân viên du lịch. Mô hình đào tạo này đã được trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội triển khai rất hiệu quả với hệ nghề trong khuôn khổ Dự án đào tạo nghiệp vụ khách sạn VIE/002 do Chính phủ Luxembourge tài trợ trước đây và đồng thời Nhà trường đã triển khai mở mã ngành và tổ chức đào tạo hiệu quả hệ Cao đẳng tiếng Anh chuyên ngành quản trị Lữ hành - Hướng dẫn và quản trị Khách sạn - Nhà hàng hiện nay.
Sáu là, đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên giảng viên NNCN thông qua các khóa tập huấn phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề; đổi mới toàn diện phương pháp dạy học ngoại ngữ theo đường hướng lấy người học làm trung tâm, thực hành giao tiếp và theo quy trình nghiệp vụ du lịch - khách sạn.
Bảy là, các cấp quản lý cần thống nhất lộ trình chung về chương trình, giáo trình quy định cho từng chuyên ngành, nghề du lịch cụ thể trên toàn quốc. Xây dựng và phát triển chương trình đào tạo NNCN cho các nghề du lịch theo hướng chuẩn hóa và thống nhất. Đổi mới cơ bản việc xây dựng chương trình đào tạo dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng được quy định trong các thang chuẩn đánh giá năng lực tiếng Anh quốc gia và quốc tế hiện hành.
Tám là, phát triển tài liệu dạy học NNCN cho từng nghề du lịch phù hợp với thực tế hoạt động nghiệp vụ ở Việt Nam; cập nhật phù hợp với nhu cầu đào tạo mới và dùng thống nhất trên toàn quốc. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng ngân hàng đề thi trên cơ sở quy chuẩn như TOEIC hay các chuẩn quốc tế khác cho từng nghề dựa trên các chương trình, giáo trình và tài liệu tham khảo chung đã được thống nhất.
Với sự năng động và những tiềm năng sẵn có, hy vọng giáo dục NNCN nói chung và NNCN Du lịch nói riêng ở Việt Nam sẽ vượt qua tất cả những thử thách của xã hội hiện đại, xứng đáng với tầm vóc và sự tăng trưởng của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Văn Lưu, Nâng cao năng lực đào tạo cho các trường đào tạo riêng về du lịch. 2. Hoàng Văn Thái, Đào tạo tiếng Anh cho các nghề Du lịch thách thức và giải pháp.Tạp chí Khoa học giáo dục số72 /2011. 3. Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Giáo dục ngoại ngữ - Hội nhập và phát triển. Năm 2002. 4. Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Những vấn đề cơ bản về dạy – học ngoại ngữ. NXB ĐHQGHN, 2005. |
ThS Trần Văn Long
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)