Những làng nghề thủ công
Trướng liễn, câu đối làng Chuồn
Làng Chuồn có tên chữ là An Truyền (nay thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang), một địa danh lưu dấu sâu đậm trong lòng người dân Huế và khu vực bởi những sản phẩm thủ công đặc thù từng một thời hưng thịnh. Cứ vào khoảng tháng 8 - 11 âm lịch hàng năm, khi công việc đồng áng đã xong, người dân lại bắt tay vào việc soạn bộ mộc bản, chẻ tre, bồi giấy, pha màu… bắt đầu sản xuất những bộ trướng liễn.
Trướng - liễn - câu đối làng Chuồn là dạng tranh đồ họa, trước đây thường được in trên giấy điều có ẩn lấm tấm hạt nhũ vàng, nhưng về sau, người thợ thường dùng giấy bản bồi để thay thế. Người thợ làng Chuồn sử dụng các loại màu được khai thác từ thiên nhiên, và trong các gam màu chủ đạo, họ còn trộn thêm bột điệp để bức tranh tăng thêm phần óng ả. Tranh làng Chuồn mang nặng tính lễ nghi, được phủ màu theo nguyên tắc: lòng điều - kế lục - chỉ vàng (lòng đỏ - biên lục - mép vàng) và thường đi theo bộ: đối ngũ, đối thất, đối cửu, đối chữ thọ... viết bằng chữ Hán hay quốc ngữ.
Trướng liễn làng Chuồn dùng để trang trí tường vách gian giữa ngôi nhà, phía sau bàn thờ gia tiên. Vách chính giữa thường là bức trướng lớn (thường có khổ 0.8m x 1.5m), còn gọi là liễn mẹ, in một trong ba chữ Phúc - Lộc - Thọ bằng cách ngữa ván lấy nét, còn hai bên thường là những cặp đối mang nội dung phụng thờ cha mẹ, thờ xuân hay tích đức cầu phúc, thường gọi là liễn con.
Ðối với liễn mẹ, trong lòng chữ in nét, người ta trang trí bằng cách vẽ bằng tay bộ tứ linh (long - lân - quy - phụng) với gam màu chủ đạo là xanh - vàng - đỏ. Biên lục bồi bên ngoài lòng điều được trang trí motif cổ đồ, bát bửu… được in theo dải và chồng lên nhau nhiều lượt, nhiều màu.
Trải qua các công đoạn: cào - giã điệp, khai thác - pha màu, bồi giấy, in nét - tô màu..., cùng dây chuyền hoạt động gồm nhiều người thợ, các bức trướng liễn, câu đối hoàn chỉnh ra đời với sắc màu đằm thắm, thuần đặc chất dân gian, đóng vai trò chủ đạo trong việc trang trí nhà cửa hay vui xuân của người Huế và cả khu vực miền Trung.
Tranh tín ngưỡng làng Sình
Làng Sình là tên gọi dân gian của làng Lại Ân, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) là một làng nông nghiệp, nằm ở bờ Nam hạ lưu sông Hương, cách trung tâm TP. Huế khoảng 7km về hướng Đông Bắc. Ngôi làng này không chỉ là một trong những làng xã được thành lập sớm ở xứ Thuận Hóa, mà còn nổi tiếng với nghề làm tranh tín ngưỡng, với những sản phẩm đặc thù gắn liền với đời sống cư dân vùng Huế và khu vực.
Bộ tranh thờ làng Sình thường được thực hiện vào những lúc nông nhàn, đặc biệt vào những ngày giáp tết. Cũng bằng thủ pháp bồi điệp lên giấy dó, pha màu và in tranh bằng mộc bản, người làng Sình đã làm nên những bộ tranh thờ khá nổi tiếng.
Tranh Sình là loại tranh được làm bằng giấy dó phủ điệp, in từng tờ bằng cách ngữa ván lấy nét, sau đó điểm tô những màu sắc được pha chế từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên như lá cây, hoa, tro bếp, bột gạch…
Trong công việc sản xuất tranh làng Sình truyền thống, thường có một thợ cả phụ trách chính, quán xuyến toàn bộ quy trình tạo tác, và thường đóng vai trò chủ yếu trong công đoạn pha chế màu. Ngoài ra, còn có rất nhiều thợ phụ gồm thanh niên, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, đảm trách tất cả các công đoạn trong quy trình sản xuất tranh. Tranh làng Sình không lẫn với bất cứ dòng tranh dân gian nào. Vào thời kỳ cực thịnh của nghề, tranh Sình thường được chở bằng ghe thuyền đi bán khắp các chợ suốt dọc miền Trung.
Hiện có khoảng 30 hộ gia đình ở Lại Ân vẫn còn nặng lòng với nghề tranh truyền thống.
Hoa giấy Thanh Tiên
Nằm liền kề với làng tranh Sình nổi tiếng, làng Thanh Tiên xưa còn được gọi là Tân Lãn hay Tân Lạn, là nơi sản xuất nhiều loại hoa giấy ngũ sắc. Sản phẩm hoa giấy của ngôi làng này được dùng trang trí trên bàn thờ gia tiên vào mỗi dịp tết. Hoa giấy Thanh Tiên tuy đơn giản nhưng hoàn toàn không dễ làm, bởi ngoài sự khéo tay, người thợ cần phải có sự tài hoa, óc thẩm mỹ và tính nhẫn nại mới có thể cho ra đời những sản phẩm đẹp và tinh tế. Giấy dùng làm hoa trước đây do người thợ tự nhuộm bằng những loại màu pha chế từ cây cỏ, nhưng hiện nay, họ thường dùng các loại giấy ngũ sắc sẵn có và dễ mua trên thị trường.
Trải qua thời gian, những ngôi làng thủ công mang đặc trưng của vùng đất vẫn hiện hữu, vẫn sinh tồn, người dân vẫn cần mẫn tiếp nối vốn quý của cha ông. Và thực sự, chúng đã làm nên những mảng màu sinh động kh��ng thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của Thừa Thiên - Huế trên nhiều góc nhìn.
Ý tưởng về một tuyến du lịch gắn kết với làng nghề truyền thống
Có thể khẳng định người dân xứ Huế và ngành Du lịch Huế đang có trong tay một tiềm năng phong phú, khi đồ thủ công mỹ nghệ luôn có sức sống bền vững trong lòng du khách. Thế nhưng, trong khoảng thời gian vừa qua, số lượng du khách đến tham quan các làng nghề thủ công rất ít, đa phần là tự phát và nếu có chăng thì những tour du lịch này chưa được tổ chức hợp lý.
Có thể nói, không ít người nước ngoài đã cảm mến Việt Nam qua việc tái hiện chợ tết Gia Lạc ở các tỉnh thành, hay những chương trình giao lưu văn hóa do Hội người Việt ở nước ngoài thực hiện. Những bức tranh Sình, trướng liễn Chuồn, hoa giấy Thanh Tiên, con bột, tu huýt, tò he… đã hơn một lần hiện diện trên những đại sảnh sang trọng ở Đức, Pháp, Mỹ… làm nền cho việc giới thiệu văn hoá ẩm thực của Việt Nam.
Thế nhưng, trong cuộc trò chuyện gần đây với người dân ở những ngôi làng này, chúng tôi thực sự bất ngờ khi số du khách trong và ngoài nước tìm đến làng nghề quá ít, nếu như họ không là những nhà nghiên cứu quan tâm đến truyền thống văn hóa Việt.
Nhìn lại những tour tuyến du lịch ở Huế hiện nay, ngoài hệ thống di tích cung đình (Đại Nội, lăng tẩm, phủ đệ), chùa chiền, bảo tàng, các thắng cảnh nổi tiếng (Lăng Cô, Bạch Mã…) được tổ chức chặt chẽ, những điểm đến khác, đều có thể nói là “không nằm trong quy hoạch”, “là tự túc”, “tự phát”. Đây là kết quả của rất nhiều nguyên nhân.
Chúng tôi không quá lạm bàn về lý thuyết, nhưng phải chăng vị trí toạ lạc và sản phẩm thủ công đặc thù của làng Chuồn (nón - trướng liễn, ẩm thực bánh tét, rượu Chuồn), không quá cách xa với làng Sình (tranh tín ngưỡng), làng hoa giấy Thanh Tiên, tự thân đã là một tour khép kín với rất nhiều hoạt động bổ trợ.
Thoạt nhìn, có vẻ như tour tuyến du lịch làng nghề này quá đơn giản và kém phần sinh động, nhưng chúng sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng tích cực bằng việc tạo nên “không gian cho chính du khách”, cùng nhiều hoạt động phụ trợ:
Dưới sự hướng dẫn cụ thể, du khách sẽ cùng thao tác với người thợ, cùng sinh hoạt… và mua về sản phẩm do chính tay họ tự làm, hoặc thưởng thức những món ăn, phẩm vật do họ tự làm ra… Đây là những dấu ấn không nhỏ tạo nên nhiều cảm xúc trong chuyến tham quan, nằm trong chiến lược thu hút du khách.
Sản phẩm thủ công nghiêng về chức năng tín ngưỡng sẽ bó hẹp phạm vi sử dụng, nhưng ngược lại, tự thân đã là nền tảng cho việc chuyển đổi mẫu mã sang chuẩn mực trang trí. Việc góp sức của các ngành chức năng cùng với người dân, giúp họ chuyển đổi hình thức, mẫu mã sản phẩm vốn có thành loại hình trang trí nhưng không đánh mất bản sắc truyền thống là điều không quá khó. Hoa giấy Thanh Tiên, tranh Sình, trướng liễn Chuồn trở thành sản phẩm trang trí nội thất đầy ắp sự kế thừa truyền thống sẽ là điều mà chúng ta, lẫn nhiều du khách luôn hướng đến. Đây cũng chính là nguồn sống cho làng nghề, tương tự như nhiều làng gốm khác ở khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, tính hấp dẫn của tuyến du lịch này còn nhiều phụ thuộc vào việc hoạch định của các nhà tổ chức tour du lịch. Họ sẽ làm tăng tính hấp dẫn với việc phân định thời gian, chặng đường, phương tiện di chuyển… tạo tâm lý thoải mái cho du khách.
Những điều tra về thực trạng, nghiên cứu tâm lý du khách, thị trường du lịch... hay sự vận động liên kết giữa các làng nghề ở một trung tâm giới thiệu làng nghề trên lộ trình tham quan là cần thiết, góp phần định hình và phát triển tuyến du lịch này.
Hoàng Bảo - Hoàng My
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)
* Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế.