Giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam có sức hấp dẫn du lịch
Có thể khẳng định, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc và ngày càng chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đại bộ phận nhân dân các dân tộc trên các vùng, miền cả nước. Không những thế, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã và đang trở thành những giá trị hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam.
Những giá trị hấp dẫn du lịch của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam có thể nhận diện ở 5 khía cạnh dưới đây:
Một là, giáo lý Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đã được kết tinh, thăng hoa luôn gắn kết nhuần nhuyễn với tín ngưỡng, phong tục, tập quán văn hóa bản địa các dân tộc, vùng miền Việt Nam. Sự hòa đồng, tính khoan dung và tinh thần dân chủ, bình đẳng của Phật giáo đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho mọi người dân Việt Nam. Hình ảnh những ngôi chùa thờ Phật gắn với làng xã Việt Nam. Sự quần chúng hóa ấy tạo lên sức mạnh của Phật giáo có ảnh hưởng rộng rãi tới xã hội và càng hấp dẫn du khách thập phương.
Hai là, giá trị phi vật thể của di sản văn hóa Phật giáo thể hiện ở khía cạnh giá trị văn hóa, đạo đức. Với tư tưởng khoan dung, hòa bình, khuyến thiện, ngừa ác, Phật giáo góp phần, làm cho con người được sống trong hòa bình, nhân ái, giúp cho con người gần gũi nhau hơn.
Đồng thời, Phật giáo giúp con người hiểu hơn về ý nghĩa và giá trị cuộc sống. Giáo lý nhà Phật giúp con người biết tạo lập được nếp sống, lối sống chân, thiện, mỹ, hướng con người đến hạnh phúc, an vui về mặt tinh thần bên cạnh các giá trị vật chất thông thường. Hơn thế nữa, giáo lý Phật giáo còn hướng con người trong quan hệ xã hội với con người và quan hệ với thiên nhiên một cách hài hòa. Ở khía cạnh này Phật giáo mang đến những giá trị tích cực cho cuộc sống về nhận thức, tư duy, sức khỏe và sự an lành, cực lạc trong tâm hồn của con người gắn với thiên nhiên và vì thế nó có sức hấp dẫn mạnh mẽ thu hút khách du lịch.
Ba là, hiện nay, Việt Nam có gần 500 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia trong tổng số 3.058 di tích cấp quốc gia của cả nước. Hầu hết các ngôi chùa được lựa chọn xây dựng vị trí vô cùng “đắc địa”, trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đầy biểu cảm, tạo nên những danh lam thắng cảnh độc đáo như: khu thắng cảnh Yên Tử (Quảng Ninh), Hương Sơn (Hà Nội), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Sam (An Giang)... Đây chính là những nơi có giá trị hấp dẫn du lịch cả về văn hóa và cảnh quan, được quy hoạch trở thành những khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia trong Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bốn là, lễ hội Phật giáo là những sinh hoạt văn hóa với các nghi thức tôn giáo như: lễ Vu Lan, đại lễ Phật đản…Có thể nói, lễ hội Phật giáo là nơi tích hợp các mặt giá trị văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng, nơi giao lưu, cộng cảm và liên kết tình thân trong cộng đồng dân cư. Lễ hội Phật giáo trở thành sự kiện thu hút những dòng khách đến tìm hiểu, chia sẻ, cùng sinh hoạt và trải nghiệm với cộng đồng Phật tử và người dân bản địa. Một số lễ hội trở thành động cơ đi du lịch (mục đích chính) của các dòng khách hành hương như lễ hội chùa Hương, Yên Tử...
Năm là, nghệ thuật âm nhạc và mỹ thuật Phật giáo cũng trở thành yếu tố vô cùng hấp dẫn du lịch. Âm nhạc với những phức điệu và âm thanh là những hợp tấu âm thanh rung động trầm lắng, mang sức mạnh màu nhiệm. Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh, ánh sáng huyền ảo của nến, mùi và khói hương không chỉ là phương tiện chuyển tải lời cầu nguyện của chúng sinh tới đức Phật, mà còn có tác dụng thức tỉnh những năng lực vốn tiềm ẩn trong các Phật tử, đánh thức tâm thiện, nhắc nhở và kêu gọi Phật tính trong con người.
Mỹ thuật Phật giáo có thể thấy rõ nhất trong phong cách nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc trong các ngôi chùa, xứng đáng được tôn vinh là những bảo tàng nghệ thuật mà du khách có thể chiêm ngưỡng. Trong mỗi ngôi chùa, ngoài vẻ đẹpt inh tế của các họa tiết kiến trúc, điêu khắc còn thấy được nghệ thuật cấu trúc bày trí theo thuyết lý của Phật giáo trong mối tương quan con người trong vũ trụ “thiên – địa – nhân” mang tính hệ thống và tổng hợp, gắn bó hữu cơ giữa kiến trúc, điêu khắc, hội họa và cảnh trí thiên nhiên. Sự sắp xếp theo một trật tự nhằm chuyển tải lịch sử tư tưởng Phật giáo sao cho mọi tín đồ có thể vừa chiêm bái, vừa được tiếp nhận nhiều nhiều tri thức về đạo Phật…
Sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa Phật giáo
Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định quan điểm, tầm nhìn và những giải pháp phát triển sản phẩm du lịch văn hóa. Trong đó, việc phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo gắn với các di tích lịch sử văn hóa nhằm nâng cao giá trị và đa dạng hóa sản phẩm du lịch sẽ tập trung vào 3 nội dung chủ yếu sau:
Quy hoạch phát triển các khu điểm du lịch trên sơ sở khai thác các giá trị nổi bật về di sản văn hóa Phật giáo và cảnh quan như: Yên Tử, Hương Sơn, Tràng An (Bái Đính), đền Trần - Phủ Dầy, chùa Keo, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Tam Chúc - Ba Sao, Sơn Trà - chùa Linh Ứng, chùa Vĩnh Nghiêm, núi Bà Đen, chùa Bà núi Sam, chùa Dơi... Quy hoạch vùng du lịch, quy hoạch phát triển du lịch trên địa ban tỉnh và quy hoạch phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch này phải đồng thời gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo trong không gian văn hóa, cảnh quan chung của khu và kết nối với các khu, điểm du lịch khác trong vùng.
Thiết kế các chương trình du lịch chuyên đề văn hóa tâm linh gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo; đồng thời, lồng ghép các hoạt động tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm cho du khách đến với không gian văn hóa, nghệ thuật các ngôi chùa, đình, miếu, mạo, lăng, tẩm, lễ hội Phật giáo trong tuyến du lịch.
Tổ chức các hoạt động dịch vụ tạo thuận lợi, tiện nghi cho du khách tại các khu, điểm du lịch trong không gian văn hóa Phật giáo để trở thành các sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch có mục đích văn hóa tâm linh gắn với Phật giáo. Chuỗi cung ứng các dịch vụ từ việc thông tin, đi lại, nghỉ ngơi cho tới dịch vụ hướng dẫn và phục vụ tham quan, tham gia, tìm hiểu, chiêm bái, chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa, tâm linh gắn với các di sản văn hóa Phật giáo.
Để trở thành sản phẩm du lịch có thương hiệu
Tất cả chuỗi những dịch vụ nêu trên do rất nhiều nhà cung cấp tham gia thực hiện. Để trở thành một sản phẩm du lịch trọn vẹn và thống nhất theo đúng nghĩa, đòi hỏi tất cả những nhà cung cấp dịch vụ ấy đều phải nhìn về một hướng để hành động nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của khách du lịch văn hóa tâm linh gắn với văn hóa Phật giáo.
Ứng với mỗi chương trình du lịch, mỗi điểm đến, gắn với từng địa danh, từng ngôi chùa hay từng khung cảnh gắn với di tích, lễ hội Phật giáo hay hoạt động chuyên đề... mà ở đó nhu cầu của du khách được mãn nguyện là yếu tố quyết định đến ấn tượng, hình ảnh về chương trình, điểm đến hay hoạt động du lịch đặc trưng đó và từng bước trở thành nổi tiếng, được công chúng xa gần công nhận, yêu thích, mến mộ. Những dấu ấn tích cực đó từng bước hình thành thông điệp về chương trình du lịch, điểm đến gắn với địa danh, ngôi chùa hay hoạt động lễ hội Phật giáo... Thông điệp ấy thôi thúc dòng khách du lịch văn hóa tâm linh đến cửa Phật với số lượng, tỷ lệ, tần suất lặp lại tùy thuộc mức độ chiều sâu, sự thăng hoa và trở lên linh thiêng của mỗi chương trình du lịch, mỗi điểm đến gắn với ngôi chùa, địa danh hay lễ hội Phật giáo.
Những ấn tượng tốt về sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh đến với Phật giáo chỉ có được khi hạn chế, triệt tiêu những hiện tượng tiêu cực phát sinh từ việc xuất hiện đông khách vào thời điểm chính hội hoặc quá vắng khách lúc trái vụ dẫn tới những độ trễ lệch nhất định trong đáp ứng nhu cầu đi liền với các hiện tượng đeo bám, chèo kéo, cướp giật, mất vệ sinh môi trường... Những yếu tố đó có tác động tiêu cực ngược trở lại làm phương hại đến quá trình hình thành và định vị thương hiệu điểm đến, thương hiệu sản phẩm du lịch.
Do tính chất thương mại hóa đối với hoạt động của nhà chùa chỉ giới hạn ở phạm vi nhất định vì vậy nhà chùa không đặt vấn đề phát triển thương hiệu trở thành yếu tố trọng tâm mà mục tiêu chính yếu là thỏa nguyện mục đích đến với cửa Phật của phật tử, cộng đồng địa phương và du khách. Vì vậy, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với văn hóa Phật giáo trở thành thương hiệu sẽ có ý nghĩa ở tầm cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia.
Một vài gợi ý về sản phẩm du lịch gắn với Phật giáo
Để có sản phẩm du lịch gắn với di sản Phật giáo, trước hết, cần tiến hành quy hoạch cụ thể điểm du lịch quốc gia, lấy giá trị văn hóa Phật giáo là yếu tố trung tâm, yếu tố hấp dẫn chính của quy hoạch; xác định văn hóa tâm linh gắn với Phật giáo là mục đích chính của du khách để quy hoạch tổ chức không gian du lịch điểm đến và thiết kế các chi tiết sản phẩm du lịch đáp ứng đúng nhu cầu đó.
Hình thành các tuyến du lịch, xây dựng các chương trình du lịch đến với các đền chùa; đồng thời kết nối với các điểm đến khác quanh vùng.
Nghiên cứu, trùng tu, phục dựng, bảo quản gìn giữ những giá trị di sản văn hóa Phật giáo; biên tập và diễn giải những giá trị lịch sử Phật giáo gắn với những danh nhân và văn hóa bản địa làng xã, những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi, tích truyện dân gian... Tất cả những yếu tố đó xây dựng thành tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn tìm hiểu, quảng bá cho điểm đến với những giá trị văn hóa Phật giáo đặc sắc.
Khuyến khích các tăng ni, phật tử hoạt động tích cực hướng tới mang đến những giá trị chân - thiện - mỹ cho du khách; các hoạt động làm gương cho quần chúng noi theo về tư duy và hành vi theo đạo đức Phật giáo trong quan hệ giữa người với người và giữa con người với thiên nhiên, giúp cho người ta tìm thấy giá trị cực lạc, từ, bi, hỉ, xả của Phật giáo.
Hướng cho cộng đồng dân cư địa phương hưởng ứng, hướng thiện thông qua các hoạt động cung cấp dịch vụ: kinh doanh có đạo đức, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, yêu quý và tận tâm với khách hành hương; tự hào, tôn vinh về nếp sống văn hóa đầy chất nhân văn do Phật giáo mang lại cho địa phương.
Văn hóa Phật giáo Việt Nam đã để lại trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc những giá trị vô cùng đặc sắc và hấp dẫn. Với sự đóng góp tích cực của các tăng ny, phật tử mà hoạt động du lịch ngày càng được hoàn thiện, mang lại cho du khách sự cảm nhận những giá trị tinh hoa từ văn hóa Phật giáo mang lại. Sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa tâm linh gắn với Phật giáo đang hình thành rõ nét và sẽ góp phần tích cực vào việc hình thành và định vị thương hiệu Du lịch Việt Nam.
TS. Hà Văn Siêu
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)