Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã giới thiệu tổng quát những tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội Bạc Liêu. Bạc Liêu nằm giáp biển, có 3 vùng sinh thái mặn - ngọt - lợ, trong đó, đất nuôi tôm chiếm gần 50% diện tích toàn tỉnh. Bạc Liêu xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn trong phát triển, trực tiếp là con tôm và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân lan tỏa. Đây là tiền đề để Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tôm; là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Bạc Liêu cũng định hướng ưu tiên liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo, nâng cao chất lượng nông sản, với mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng xác định phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là trọng tâm của công nghiệp tỉnh nhà. Đến nay, Bạc Liêu đã thu hút được Dự án Điện khí LNG 3.200 MW; có 8 dự án điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động, với công suất gần 470 MW, đứng thứ 3 cả nước. Các dự án này đang là động lực chính cho tăng trưởng GRDP của Bạc Liêu. Bạc Liêu cũng đang hướng đến mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia, trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.
Bạc Liêu còn là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam bộ, gắn với tên tuổi cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản Dạ cổ Hoài Lang bất hủ. Cùng với đó, nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử, phong tục tập quán và các điểm du lịch nổi tiếng là những lợi thế đặc biệt, riêng có thúc đẩy du lịch Bạc Liêu phát triển, tạo tiền đưa du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: “Với quan điểm phát triển bền vững, Bạc Liêu đã mạnh dạn mời gọi các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, thân thiện môi trường và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đến nay, Bạc Liêu đã thu hút được 184 dự án, trong đó 167 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 53 ngàn tỷ đồng; 17 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4,5 tỷ USD. Cộng với khát vọng vượt qua khó khăn, “biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội”, với lòng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, Bạc Liêu chắc chắn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn và mang lại lợi ích bền vững cho các Nhà đầu tư, doanh nghiệp”.
Hoan nghênh chào đón các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, hợp tác kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng nhất. Nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ, ưu đãi tốt nhất theo phương châm “việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”. Và sự thành công của quý vị chính là sự phát triển của Bạc Liêu”.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều cố gắng trong việc thu hút đầu tư. Phó Thủ tướng cho rằng Bạc Liêu phải đánh giá hết các khó khăn, biến khó khăn thành cơ hội để đi tới thành công. “Với Bạc Liêu, khó khăn về biến đổi khí hậu, nước biển dâng là chung. Điều quan trọng là phải nghiên cứu dự báo để có phương án chuẩn bị từ lúc này, làm sao biến bất lợi thành lợi thế” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng các Bộ, ngành cần giúp Bạc Liêu giải quyết các thủ tục nhanh, để phát huy vai trò trung tâm vùng bán đảo Cà Mau; các nhà đầu tư cũng cần đến Bạc Liêu với tinh thần không nghĩ rằng chỉ có thuận lợi, mà phải cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Bạc Liêu cũng cần tiếp tục động viên, nắm rõ tâm tư, tháo gỡ các vướng mắc của nhà đầu tư để cải thiện môi trường đầu tư. “Đó là cách tốt nhất tuyên truyền chính sách về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Chúng ta có nói hay mấy nhưng người ta cứ vướng mắc thì cũng là không thông thoáng. Chúng ta không phải không cần nói, vẫn nói, nhưng bằng việc làm thật để tháo gỡ cho nhà đầu tư. Đương nhiên không ai muốn gặp khó khăn để tháo gỡ, nhưng nếu gặp khó khăn thì cùng nhau tháo gỡ; vướng ở địa phương thì địa phương gỡ, vướng ở Trung ương thì Trung ương gỡ... Tôi mong tất cả nhà đầu tư đã đến đây tiếp tục lan tỏa để các nhà đầu tư khác cùng đến. Và Bạc Liêu thật sự thành miền đất lành của nhà đầu tư, để Bạc Liêu và khu vực Bán đảo Cà Mau, vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị
.
Được biết, tại Hội nghị, Bạc Liêu đã mời gọi đầu tư cho 195 dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - nhà ở, văn hóa - thể thao - du lịch, kết cấu hạ tầng, y tế - giáo dục và môi trường. Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng đã trao chứng nhận chủ trương đầu tư cho 13 dự án với tổng số vốn trên 16.700 tỷ đồng.
Gia Khôi