Phát biểu tại chương trình, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc cho biết, giai đoạn trước đại dịch, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã xếp Việt Nam thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, đại dịch COVID - 19 bùng phát toàn cầu từ đầu năm 2020 đã đẩy ngành Du lịch vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử quốc tế. Ngành Du lịch thế giới chịu nhiều thiệt hại và rơi vào tình trạng đình trệ trong khoảng thời gian hơn hai năm. Dự kiến tới năm 2024, ngành Du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới có thể lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.
Vấn đề đặt ra cho mỗi điểm đến, các đơn vị, cá nhân làm du lịch, nhà quản lý... phải làm sao vừa ứng phó với thực trạng trên, vừa phục hồi và nâng cao chất lượng điểm đến đảm bảo sự an toàn, thỏa mãn được nhu cầu du lịch cho du khách là hết sức cần thiết.
Theo UNWTO, du lịch là ngành kinh tế đóng góp trực tiếp vào thực hiện 3 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững; du lịch là ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ. Du lịch cũng là ngành kinh tế mà các doanh nghiệp du lịch siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm đa số, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Trong khi nhiều vùng nông thôn có tài nguyên thiên nhiên trù phú và giàu bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại đây gặp khó khăn về tiếp cận với đối tác, thu hút khách đến tham quan và quảng bá giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới các đối tác và du khách.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có sáng kiến đề xuất và được Ban Thư ký APEC thông qua dự án “Gia tăng triển vọng kết nối doanh nghiệp du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng và quảng bá mạng lưới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa về du lịch cộng đồng tại khu vực nông thôn APEC". Theo đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hưởng lợi từ dự án bao gồm các chủ nhà nghỉ có phòng cung cấp cho khách, các hộ gia đình và nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách, các cá nhân làm hướng dẫn, thuyết minh viên, người dẫn đường, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, các trung tâm văn hóa tại cộng đồng có sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách... trong đó bao gồm cả đối tượng lao động là nữ. Sản phẩm của dự án là trang web vệ tinh của website APEC nhằm giới thiệu thông tin, kết nối các cộng đồng làm du lịch ở khu vực nông thôn, từ đó hình thành mạng lưới về du lịch cộng đồng khu vực APEC.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc tin tưởng rằng để thành công tái thiết ngành Du lịch, chúng ta cần cùng nhau hành động với nỗ lực tập thể hướng tới mục tiêu chung phục hồi ngành Du lịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, trong thời gian không xa, với lợi thế về đa dạng văn hóa, hấp dẫn tài nguyên du lịch, 21 nền kinh tế APEC sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Về xu hướng du lịch sau đại dịch, TS. Lê Thị Thu Phượng, Giảng viên Học viện hành chính Quốc gia cho rằng xu thế phát triển du lịch tất yếu hiện nay là du lịch bền vững, có trách nhiệm, thay đổi từ khai thác phát triển du lịch chỉ dựa vào những tiềm năng sẵn có sang hướng tiêu dùng du lịch có trách nhiệm và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia du lịch, đặc biệt là cộng đồng. Chính vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng là một hướng ưu tiên trong phát triển du lịch ở các nước APEC và đang được xem như là hướng đi, một điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm.
Trong đó, một số giải pháp hỗ trợ du lịch cộng đồng được đưa ra như nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là các nhà quản lý; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng có thể tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tại những nơi gắn liền với cuộc sống của cộng đồng; nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của du lịch và trách nhiệm cộng đồng; tăng cường phổ biến, giải thích các quy định hiện hành về du lịch, về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch đến cộng đồng; xây dựng cơ chế/chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương...
Theo PGS. TS. Mohd Hafiz Mohd Hanafiah, Khoa Quản lý Khách sạn và Du lịch, Đại học Teknologi MARA, Malaysia việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn những rào cản đối với sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập kế hoạch và phát triển bởi tại các bản làng điều kiện sống, nhận thức của người dân về làm du lịch cộng đồng còn thấp cùng sự phân biệt quyền lực và hoài nghi của địa phương với cơ quan chức năng. Trong các quốc gia đang phát triển, những thách thức trong tương lai là sự không đồng nhất trong thái độ và hành vi của cộng đồng địa phương. Cùng với đó là sự thiếu hợp tác giữa cộng đồng và các bên liên quan du lịch khác.
Tại đối thoại, các diễn giả đã trình bày về thực trạng, giải pháp phát triển du lịch cộng đồng khu vực APEC; Cơ hội phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa về du lịch cộng đồng khu vực nông thôn APEC; Điển hình thành công và những thách thức của phát triển du lịch cộng đồng khu vực APEC; nguyên tắc và tiêu chuẩn du lịch cộng đồng...
Thảo Anh