Góp ý dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng tỉ lệ thu từ du lịch chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng thu của tỉnh. Do vậy, Nghệ An xác định cần đẩy nhanh phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nên ngành kinh tế nòng cốt của Nghệ An. Phó Chủ tịch Bùi Đình Long đồng thời nhấn mạnh: “Dự thảo chiến lược đã được góp ý của các Sở, ngành Nghệ An. Về cơ bản công tác chuẩn bị của tổ tư vấn đã rất tốt, tuy nhiên cần xem xét thêm về tính thực tiễn, về tầm nhìn để khi chiến lược được ban hành, Nghệ An có thể xây dựng được các đề án, dự án để triển khai chiến lược hiệu quả”.
Tại Hội thảo, đại diện tổ tư vấn đã trình bày về những nội dung chính của chiến lược bao gồm các tiền đề phát triển và tầm nhìn du lịch Nghệ An đến năm 2035. Theo đó, chiến lược cơ bản dựa trên chiến lược hợp tác trong phát triển, phát triển hạ tầng giao thông - du lịch, định hình quản trị điểm đến, định hướng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư - chính sách, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng rủi ro. Chiến lược ưu tiên cốt lõi thiết lập sản phẩm du lịch, tiếp thị - truyền thông phát triển thương hiệu, hình thành các di sản - tài nguyên du lịch tạo mới. Tổ tư vấn cũng đã chia sẻ thông tin về mục tiêu, quan điểm lập chiến lược; các chỉ tiêu; thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh Nghệ An; phân vùng không gian phát triển du lịch; đề xuất định hướng phát triển du lịch một số khu vực trọng điểm, trọng tâm, không gian du lịch chuyên đề; định hướng kết nối hệ thống tuyến, điểm và hạ tầng du lịch; định hướng phát triển hạ tầng giao thông vận tải liên kết các vùng du lịch trọng điểm; các nhóm giải pháp phát triển du lịch; lộ trình thực hiện chiến lược; tổ chức thực hiện chiến lược.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá Nghệ An dù có rất nhiều tài nguyên nhưng năng lực chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự có các chiến lược phát triển du lịch hiệu quả. Dự thảo chiến lược có cách tiếp cận mới về nội dung và cách thực hiện; chiến lược đến năm 2030 là phù hợp, tuy nhiên tầm nhìn đến năm 2035 chưa thực sự phù hợp và dài hạn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến lược; giải pháp nên tập trung, chú trọng đến các chuyên đề, sản phẩm; cần cấu trúc lại chiến lược cho phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện; phải xác định được sản phẩm đặc trưng, đột phá, làm rõ thực trạng, điểm nghẽn; điểm đến phải thu hút được khách lưu trú. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng, dự thảo chiến lược chưa cho thấy được sự đột phá; việc phát triển phải dựa trên giá trị cốt lõi là văn hóa kết hợp với ứng dụng công nghệ; cần định hướng thị trường trong tương quan sản phẩm, không nên đặt kỳ vọng quá cao. PGS.TS. Hoàng Văn Hải - Nguyên Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chiến lược cần phải làm Nghệ An hấp dẫn người dân tại chỗ, hướng đến khách hàng mục tiêu là người Nghệ An xa quê; chiến lược cũng cần nhấn mạnh vấn đề truyền thông. PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, nhà đầu tư tốt cũng rất quan trọng. Chiến lược cũng cần tính đến yếu tố công nghệ trong phát triển, vấn đề hỗ trợ về nguồn lực, chính sách. Điểm yếu nhất của Nghệ An là doanh nghiệp, cần phải có doanh nghiệp lớn đầu tư đột phá.
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, đánh giá cao bản chiến lược, theo cách tiếp cận mới, theo xu hướng hiện đại, phát triển. Nội dung của dự thảo chiến lược đã tiếp nhận những ý kiến đặc sắc từ các chuyên gia đầu ngành từ nhiều lĩnh vực khác gắn với du lịch. Tổ tư vấn đã tiếp thu ý kiến một cách có chọn lọc; nội dung bám sát thực trạng, đưa ra tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu và giải pháp cho du lịch Nghệ An trong thời gian tới. Chiến lược đã cụ thể hóa được nhiều nội dung cụ thể, không gian, chương trình hành động cho một giai đoạn phát triển...; phù hợp hệ thống quy hoạch du lịch đến 2030, tầm nhìn 2045 mà TCDL đang tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đồng thời cho rằng, phần giải pháp cần phân tích yếu tố con người tạo thành nguồn lực cho phát triển. Cần đánh giá tác động của du lịch về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường để thấy rằng mục tiêu đề ra được toàn diện, đó là sự hài lòng của người dân, khách du lịch, doanh nghiệp. Việc đánh giá sẽ quyết định đến vấn đề đặt ra mục tiêu của du lịch Nghệ An từng giai đoạn cụ thể. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “Về quan điểm, cần gắn với yếu tố đặc thù của Nghệ An. Mục tiêu cần thể hiện rõ bằng chỉ tiêu, chỉ số. Giải pháp phải đi thẳng vào vấn đề cần giải quyết, mang tính thời kỳ, giai đoạn. Chiến lược phải khẳng định cách tiếp cận thị trường, cân đối cầu và cung, thì tính chiến lược mới đi thẳng vào vấn đề giải pháp sản phẩm đặc thù, chiến lược truyền thông quảng bá cho sản phẩm đó”. Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh yếu tố bền vững, công nghệ, chuyển đổi số phù hợp với xu hướng chung của Việt Nam, của thế giới.
Phước Hà