Tại Bắc Giang, đoàn đã khảo sát vườn cây ăn quả thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải (huyện Lục Ngạn); khảo sát khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (huyện sơn Động); khảo sát điểm du lịch chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng). Ngoài ra, đoàn cũng được thưởng thức ẩm thức và khám phá điểm du lịch Làng văn hóa Đông Bắc, thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn). Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đã tham gia chương trình Tọa đàm liên kết phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn tỉnh Bắc Giang năm 2022. Đây là hoạt động trong khuôn khổ triển khai các nội dung thỏa thuận về chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc, gồm Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nhóm liên kết vùng giữa 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương giai đoạn 2022-2025.
Bắc Giang là địa phương gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm, với con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Con đường này được đặt trong mối liên hệ với các khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh) và khu Di tích lịch sử, văn hóa Thanh Mai - Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương). Đặc biệt, đối với sản phẩm du lịch nông thôn, phải nhắc đến huyện Lục Ngạn, được mệnh danh là “Miền trái ngọt, thủ phủ trái cây của miền Bắc”. Nơi đây không chỉ được biết đến là thủ phủ của vải thiều mà còn là vùng trọng điểm phát triển nhiều loại cây ăn quả như cam, bưởi, táo, ổi. Hiện Lục Ngạn có gần 28.000ha cây ăn quả các loại, là một trong những vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc. Dù vậy, theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa, du lịch Bắc Giang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả kinh tế đóng góp cho xã hội còn thấp. Doanh nghiệp du lịch Bắc Giang cũng hoạt động với quy mô nhỏ, thiếu vốn, hạn chế về nhân lực; chưa khai thác được các sản phẩm tiêu biểu, hoạt động liên kết chuyển biến chậm.
Tại buổi Tọa đàm, đã có 13 ý kiến phát biểu, chia sẻ nhằm giúp Bắc Giang đánh giá được thực trạng; tìm ra những tồn tại, từ đó cố gắng khắc phục, đưa du lịch Bắc Giang phát triển bền vững. Các ý kiến cho rằng phát triển du lịch nông nghiệp là phải tập trung phát triển sản phẩm. Cần định hướng cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm phù hợp; địa phương cũng cần quan tâm, quy hoạch lại sản phẩm, có kế hoạch truyền thông hợp lý, tận dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá. Bên cạnh đó, cần gắn kết địa phương với việc xây dựng sản phẩm, thông qua sản phẩm giới thiệu được văn hóa cộng đồng bản địa. Có ý kiến cũng cho rằng cần đầu tư mô hình lưu trú homestay tại các nhà vườn để kéo du khách ở lại lưu trú, khám phá lâu hơn; đẩy mạnh liên kết các nhà vườn để tạo thêm sản phẩm. Đặc biệt là cần có chiến lược phát triển sản phẩm, xác định sản phẩm đặc trưng trọng điểm; hướng đột phá vào thực địa, thực cảnh, bản địa hóa sản phẩm để phù hợp với phát triển xanh. Đáng chú ý, bà Phùng Thị Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch bền vững Việt Nam cho rằng, du lịch Bắc Giang đang thiếu hoạt động tại điểm đến. Bà Phùng Thị Hoàng Anh đồng thời đề xuất tăng cường nguồn lực đầu tư, đầu tư thêm cơ sở vật chất tại Thiền viện Phượng hoàng để tăng trải nghiệm cho du khách; mạnh dạn biến chùa Vĩnh Nghiêm thành điểm đến của du khách quốc tế. Ông Nguyễn Ngọc Tùng – Giám đốc Danh Nam Travel cũng cho rằng Bắc Giang cần tập trung và xây dựng tốt sản phẩm Tây Yên Tử làm chủ đạo, từ đó khai thác điểm mạnh du lịch tâm linh kết hợp với các nhà vườn phát triển du lịch nông thôn.
Tại buổi Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, tới đây Bắc Giang sẽ tập trung xây dựng và khai thác 4 sản phẩm chính gồm: du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Ông Đỗ Tuấn Khoa khẳng định: “Bắc giang sẽ nỗ lực để phát triển du lịch xứng với tiềm năng, tạo điểm nhấn, nét khác biệt của du lịch Bắc Giang nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước”. Ông Đỗ Tuấn Khoa đồng thời tiếp thu ý kiến của các đại biểu và nhận định truyền thông là vấn đề đầu tiên du lịch Bắc Giang cần chú trọng; có truyền thông tốt thì mọi hoạt động mới hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Đỗ Tuấn Khoa cũng ghi nhận thông tin về việc cần có chiến lược; trong đó cần chú trọng sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng. Cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực gắn với sản phẩm nông thôn. Mặt khác, cần gắn sản phẩm nông nghiệp với tập quán văn hóa đồng bào bản địa; thổi hồn yếu tố văn hóa vào sản phẩm OCOP để phát triển du lịch. “Bắc Giang nỗ lực để trở thành điểm đến và phấn đấu để trở thành điểm - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa nhấn mạnh.
Thanh Minh