Hội An - động lực phát triển du lịch Quảng Nam
Hội An - động lực phát triển du lịch Quảng Nam
Thứ bảy, 15/04/2006 | 14:11 GMT+7
Hội An - vùng đất yên lành, một địa danh du lịch nổi tiếng với những hoạt động văn hóa du lịch ẩn chứa chiều sâu văn hóa đất Quảng. Năm 2006, Quảng Nam đã được chọn làm Năm Du lịch quốc gia. Hội An lại càng được tôn vinh và khẳng định “sứ mệnh” du lịch của tỉnh Quảng Nam.
Hội An đã đi vào lịch sử Việt Nam, được nhắc đến trong tư liệu nhiều nước Đông Nam Á và một số nước phương Tây với nhiều tên gọi khác nhau như Haisfo, Haiso, Cotam, Faifo hay Đô Thị - Thương cảng. Trải qua thời gian, ngày nay Hội An còn lại những khu phố Nhật, phố Khách, thương điếm Hà Lan, những ngôi nhà rường cổ xưa được chạm khắc kỳ công, những bến cảng xưa, nhà thờ tộc họ, đình chùa, đền miếu, các hội quán, lăng mộ người Nhật, người Hoa... với nhiều loại hình kiến trúc phong phú đa dạng. Kết hợp cùng không gian mang hình ảnh cổ xưa với những dãy nhà mái ngói đầy rêu phong mang dấu tích của thời gian ấy là nét đặc trưng trong lối sống, phong tục tập quán, lễ hội... của cộng đồng dân cư Hội An.
Hiện tại, Hội An đang bảo tồn và phát triển hơn 1.360 di tích, danh thắng, 1.270 di tích là những kiến trúc nghệ thuật và phần lớn được làm bằng gỗ. Ở Hội An, từ những sản vật dân dã như đậu hũ, bánh tráng gạo, bánh tráng đập, bánh ú tro, mì Quảng đến các món nhập từ bên ngoài như cao lầu, quai vạc, hoành thánh, chí mà phù, lục tào xá... Tất cả như tấm gương phản chiếu một chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hóa, tạo nên một sắc thái văn hóa riêng của vùng đất Hội An vừa mang tính dân tộc, tính bản địa, vừa có sự hài hòa của sự giao lưu quốc tế. Ngỡ ngàng trước sứt hút của phố cổ Hội An, ông bà Hisashi Owada - du khách Nhật Bản đã thốt lên: “Đến Hội An lần này là lần thứ ba nhưng mỗi lần đến với vùng đất này chúng tôi đều thấy một sự quyến rũ kỳ lạ bởi không gian phố cổ và những gì ẩn chứa của bề sâu văn hóa nơi đây. Chúng tôi càng có cảm giác Hội An như một viên ngọc quý đang ngày một tỏa sáng”.
Động lực của du lịch Quảng Nam
Năm 2005, tỉnh Quảng Nam đã thu hút được trên 1,2 triệu khách du lịch. Năm Du lịch quốc gia 2006 đang diễn ra liên tục ở Quảng Nam trong không gian rộng mở. Vì vậy, ngành Du lịch Quảng Nam đặt chỉ tiêu thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách. Đạt hay vượt chỉ tiêu ấy và để “Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2006 là động lực quan trọng để Quảng Nam đẩy mạnh hoạt động du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh” - theo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Thị Thanh Lâm, thì Hội An sẽ chính là đòn bẩy, giữ vai trò thiết yếu cho sự tăng tốc của ngành Du lịch - Dịch vụ Quảng Nam.
Đã qua rồi thời phố Hội bất lực trước nhu cầu của cuộc sống, cả Hội An “rên xiết” vì “vấn nạn chảy máu nhà cổ”, để trở thành một đô thị du lịch điển hình, đầy quyến rũ, Hội An hôm nay đang ngày một phát triển trên vai trò là điểm sáng của ngành Du lịch miền Trung và của cả nước.
Với vị trí nằm trên Con đường di sản miền Trung, thị xã Hội An cách di tích Mỹ Sơn chừng 55km, cách TP. Đà Nẵng, sân bay quốc tế Đà Nẵng chưa đầy 30km, cách cố đô Huế trên 100km, vùng đất thương cảng ngày xưa có điều kiện thuận lợi thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời là điểm nối các điểm du lịch của miền Trung. Khẳng định là xương sống cho mạch phát triển của ngành Du lịch Quảng Nam, đến nay Hội An có gần 100 khách sạn với trên 3.000 phòng, có cả khách sạn 4 sao, 3 sao, 2 sao... Hội An ngày càng có thêm nhiều dự án đầu tư trong nước, nước ngoài vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Mỗi năm thị xã đón trên 500.000 lượt khách, hơn một nửa là người nước ngoài, có khoảng 300.000 lượt khách lưu trú, số ngày lưu trú bình quân trên 2 ngày. Trên con số đó, một người dân phố Hội mỗi năm đón trên 6 lượt khách du lịch. Tỷ trọng du lịch - dịch vụ từ chỗ rất bé nhỏ, đến nay đã lên tới trên 60% tổng giá trị sản xuất.
Được đánh giá là điểm nhấn quan trọng cho Năm Du lịch quốc gia 2006 “Quảng Nam – một điểm đến hai di sản”, Hội An hiện đang và sẽ triển khai xây dựng 8 hạng mục công trình thiết yếu với tổng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình này là 32 tỷ đồng. Những công trình này gồm: mở đường mới song song với trục đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cẩm Phô; cải tạo cảnh quan đường Nguyễn Phúc Chu; nâng cấp khu vui chơi Đồng Hiệp, xây dựng khu quảng trường lễ hội, khơi thông kênh Chùa Cầu; xây kè khu vui chơi Đồng Hiệp, cầu An Hội, Minh An và khu du lịch sinh thái Bãi Chồng, cù lao Chàm. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam vừa ký hợp đồng trị giá 8,84 triệu Euro với một tổ hợp các công ty Pháp nhằm xây dựng một hệ thống tổng thể bảo vệ môi trường cho thị xã Hội An. Dự án kéo dài 30 tháng này bao gồm việc xử lý chất thải rắn, lỏng và một phần các chất thải độc hại, kể cả chất thải bệnh viện.
Khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của Hội An trong sự phát triển của ngành Du lịch - Dịch vụ Quảng Nam, tuy nhiên chúng ta vẫn cần đề cập đến một vấn đề, đó là mỗi một sự phát triển đều kéo theo những bất cập vốn có của nó. Với một không gian văn hóa đã và đang được cả thế giới ghi nhận và bảo vệ như Hội An càng cần sự cẩn trọng trong khai thác nó, để phố Hội ngày một lung linh tỏa sáng trong không gian cổ xưa. Hội An rêu phong mà quyến rũ, yên bình và mê hoặc lòng người và là nơi hội tụ của những niềm vui, may mắn như theo quan niệm của người xưa.
MINH HẠNH