Sử dụng công cụ kinh tế bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch
Sử dụng công cụ kinh tế bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch
Thứ bảy, 15/04/2006 | 10:02 GMT+7
Thành phần môi trường có ý nghĩa cho hoạt động du lịch không chỉ là không khí mà còn bao gồm nhiều thành phần khác có mối quan hệ tương tác với nhau như đất, nước, sinh vật, cảnh quan, hang động tự nhiên, di tích lịch sử, văn hoá... Hoạt động du lịch sử dụng các thành phần đó như là các nguồn tài nguyên cho du lịch. Trên quan điểm kinh tế và môi trường nếu không có những điều chỉnh từ kinh tế thì hoạt động du lịch, vì mục tiêu lợi nhuận có thể là nguyên nhân gây ra những tổn hại cho môi trường, chính nó tác động trở lại làm suy giảm phát triển du lịch. Để giải quyết vấn đề này một trong những công cụ hữu hiệu đó là công cụ kinh tế EIs (Economic Instruments).
Công cụ kinh tế có hai đặc trưng cơ bản: thứ nhất: công cụ kinh tế hoạt động thông qua cơ chế giá trên thị trường, chúng có chức năng làm nâng giá các hành động làm tổn hại đến môi trường lên hoặc hạ giá các hành động bảo vệ môi trường xuống; thứ hai: công cụ kinh tế sẽ tạo ra khả năng lựa chọn cho các tổ chức và cá nhân hành động sao cho phù hợp với điều kiện của họ.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, công cụ kinh tế hoàn toàn có tính tương phản với công cụ điều hành và kiểm soát (CAC: Comon And Control), bởi lẽ công cụ kinh tế hoạt động theo cơ chế có tính linh hoạt và mềm dẻo dựa trên cơ sở lợi ích và chi phí về mặt kinh tế, chúng làm thay đổi hành vi của những cá nhân hay tổ chức làm tổn hại tới môi trường thông qua việc khuyến khích hoặc thưởng phạt về kinh tế. Như vậy, khi chúng ta sử dụng công cụ kinh tế trong nhiều trường hợp, chúng còn tạo ra khả năng ý thức tự nguyện chấp hành đối với những hành vi ứng xử môi trường. Chính vì vậy, người ta cho rằng công cụ kinh tế là loại công cụ sử dụng rất hiệu quả trong bối cảnh của cơ chế kinh tế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước.
Để làm sáng tỏ vai trò của công cụ kinh tế trong việc sử dụng quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, đối chiếu với các loại công cụ khác như công cụ điều hành và kiểm soát, chúng ta có thể nhận thấy vai trò hơn hẳn của công cụ này như sau:
Thứ nhất, tăng hiệu quả chi phí: từ thực tiễn của việc áp dụng các công cụ kinh tế cho quản lý môi trường, người ta đã rút ra kết luận rằng nếu cùng một mục tiêu môi trường cần đạt được như nhau khi sử dụng công cụ kinh tế (EIs) so với công cụ điều hành và kiểm soát (CAC) thì công cụ EIs có chi phí thấp hơn. Sử dụng công cụ kinh tế là liên quan đến giá cả, vì vậy việc sử dụng giá cả và cung cấp tính linh hoạt trong việc ứng phó với những tín hiệu giá cả, cho phép các cá nhân và doanh nghiệp tìm kiếm đến chi phí có tính hiệu quả hơn trong khả năng lựa chọn của họ. Thứ hai, khuyến khích nhiều hơn cho việc đổi mới: EIs không ra lệnh cho chiến lược kiểm soát mà những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, EIs có tác động đến hoạt động kinh tế một cách tích cực để phát triển và lựa chọn chi phí kiểm soát hiệu quả mà không theo quy ước nào. Thứ ba, khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt hơn: như đã nêu ở trên, EIs cơ bản dựa vào thị trường, bản thân chúng sẽ phát hiện ra chiến lược hiệu quả chi phí, cho phép gặp gỡ các mục tiêu môi trường cần đạt thông qua việc chi phí hiệu quả nhất. EIs hướng tới sức mạnh thị trường để xác định việc lựa chọn công nghệ có chi phí thấp nhất, với tính chất vượt trội này cho thấy khi chúng ta sử dụng công cụ CAC khó có thể thực hiện được. Thứ tư, tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường: do chi phí thấp khi sử dụng EIs, mặt khác chúng tác động đến quyền lợi kinh tế của các cá nhân hay doanh nghiệp, do vậy người ta phải tính đến việc sử dụng nguồn tài nguyên như thế nào là tiết kiệm và hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận; Thứ năm, hành động nhanh chóng và mềm dẻo hơn: khi sử dụng EIs cho phép thực hiện một cách nhanh chóng, linh hoạt và mềm dẻo so với việc sử dụng công cụ CAC, bởi lẽ nó có thể được điều chỉnh kịp thời thông qua cơ chế giá cả thị trường, sử dụng tín hiệu thị trường thường cho phép nhận được những thông tin phản hồi nhanh hơn và nắm bắt được tính hiệu quả của việc thực hiện quản lý sử dụng EIs.
Ngoài những vai trò và tính hơn hẳn của công cụ kinh tế nêu trên, ELs còn có những vai trò khác trong việc thúc đẩy định hướng hành động ngày càng thân thiện hơn với môi trường trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra thường xuyên; đồng thời, làm cho sự thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng trong nền kinh tế, đây là yếu tố rất quan trọng liên quan đến công cụ giáo dục và nâng cao nhận thức quản lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm hướng tới một sự phát triển có tính bền vững.
Từ những phân tích trên cho thấy sử dụng công cụ kinh tế cho quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường nói chung, môi trường du lịch nói riêng là một loại công cụ rất hữu ích.
Những công cụ kinh tế bảo vệ môi trường đang được sử dụng ở Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đang chuyển dần từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Do có sự đổi mới và thay đổi về cơ chế kinh tế từ năm 1986 đến nay, bên cạnh những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, cơ chế thị trường cũng đang đặt ra cho chúng ta những thách thức về suy giảm nguồn tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường buộc chúng ta phải sử dụng các công cụ kinh tế để điều chỉnh lại sự ô nhiễm và suy thoái đó. Những công cụ kinh tế chúng ta đã và đang sử dụng trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và môi trường du lịch bao gồm.
Một là, thuế tài nguyên
Thuế tài nguyên là loại công cụ kinh tế chúng ta đã sử dụng từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20.
Thông qua biểu thuế ban hành năm 1990 và biểu thuế sửa đổi năm 1998 đã đáp ứng nhu cầu thực tế trong việc sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh việc khai thác tài nguyên hướng tới mục tiêu tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Biểu thuế năm 1998 đã chứng minh cho sự mở rộng sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường liên quan đến ngành Du lịch.
Hai là, phí môi trường
Theo quan niệm của Việt Nam hiện nay phí môi trường là các khoản thu nhằm bù đắp chi phí của nhà nước cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Đây là những khoản thu bắt buộc những người được hưởng dịch vụ phải đóng góp vào cho nhà nước hoặc cho tổ chức quản lý làm dịch vụ đó, trực tiếp phục vụ lại cho người đóng phí. Như vậy, việc thực hiện phí môi trường cần phải đạt được hai mục đích cơ bản: làm thay đổi hành vi của người gây ô nhiễm và tăng nguồn thu nhập để chi cho những hoạt động cải thiện môi trường. Hiện nay, phí môi trường của Việt Nam cơ bản có hai loại là phí nước thải và phí rác thải đô thị.
Ba là, đặt cọc hoàn trả và ký quỹ môi trường, trong đó, đặt cọc hoàn trả chưa có quy định của Nhà nước nhưng do vận hành của cơ chế thị trường, đã xuất hiện có tính tự phát ở nước ta trong một số lĩnh vực. Ví dụ, đối với các cửa hàng bán bia chai, chẳng hạn như bia Hà Nội, khách hàng phải đặt cọc 2000 đồng trước khi mang chai bia đã mua về nhà và 2000 đồng được trả lại chỉ khi người mua trả cho chủ cửa hàng vỏ chai còn đảm bảo nguyên vẹn; ký quỹ môi trường đã có thông tư liên tịch số:126/1999/TTLT-BTC-BCN-BKHCNMT ngày 22/10/1999 về “Hướng dẫn việc ký quỹ để phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản”. Mục đích của việc đặt cọc, ký quỹ bằng một khoản tiền vào tài khoản phong toả tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ phục hồi môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra theo quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản.
Bốn là, quỹ môi trường: là loại công cụ kinh tế được sử dụng khá phổ biến hiện nay cho mục đích bảo vệ môi trường. Ở Việt nam xét về loại quỹ này có thể chia thành ba loại, Quỹ môi trường quốc gia, Quỹ môi trường địa phương và Quỹ môi trường ngành.
Năm là, các cơ chế tài chính khác: cũng là một dạng của công cụ kinh tế được sử dụng cho bảo vệ môi trường như đầu tư cho bảo vệ môi trường, thưởng phạt do gây ô nhiễm môi trường.
Về thưởng phạt gây ô nhiễm môi trường, chúng ta cũng đã có những chế tài của nhà nước và của địa phương. Ví dụ như phạt đối với các cơ sở gây ô nhiễm, hay Hà Nội có chế tài đối với các xe chở vật liệu xây dựng gây ô nhiễm. Trong thực tế, mặc dù chúng ta đã có một số chế tài cho bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.
Trong những năm tới, đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, cùng với sự tăng trưởng kinh tế cũng sẽ đạt quy mô lớn hơn, khai thác và sử dụng tài nguyên sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, cơ chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, nhận thức và đòi hỏi tiêu dùng của người dân cũng sẽ cao lên, dịch vụ du lịch là nhu cầu không thể thiếu khi đời sống được nâng lên. Mặt khác, chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm cho việc sử dụng một số công cụ kinh tế trong quản lý môi trường. Trước xu thế hội nhập và phát triển, đặc biệt là ta phải tuân thủ những quy chế nghiêm ngặt của AFTA, khả năng gia nhập WTO là hiện thực. Năm 2005, ngành Du lịch đã kết thúc Kế hoạch 5 năm 2001 – 2005 với nhiều sự kiện quan trọng: đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Ngành; Luật Du lịch được Quốc hội thông qua; kết thúc thắng lợi Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch 2001 – 2005 và chuẩn bị Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2006 – 2010; đón trên 3,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng trên 17%; trên 16 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 11%; thu nhập du lịch đạt trên 30.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2004. Những thông tin này báo hiệu trước một khả năng gia tăng mạnh mẽ khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam trong năm 2006 và những năm tiếp theo.
PGS.TS NGUYỄN THẾ CHINH
Trưởng khoa Kinh tế - Quản lý môi trường và đô thị
Đại học Kinh tế Quốc dân
.