Để Luật Bảo vệ Môi trường sớm đi vào cuộc sống
Để Luật Bảo vệ Môi trường sớm đi vào cuộc sống
Thứ bảy, 15/04/2006 | 10:02 GMT+7 LTS: Luật Bảo vệ môi trường 2005 được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 19/11/2005. Luật Bảo vệ môi trường 2005 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/7/2006. Luật này được xem là một “luật mới”, với cấu trúc và nội dung phong phú, đầy đủ và chi tiết hơn rất nhiều so với Luật Bảo vệ môi trường 1993. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Luật Bảo vệ môi trường 2005, phóng viên Tạp chí Du lịch Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Trương Mạnh Tiến – Vụ trưởng Vụ Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường xoay quanh vấn đề để Luật Bảo vệ môi trường sớm đi vào cuộc sống.
Phóng viên (PV): Thưa TS. Trương Mạnh Tiến, Luật Bảo vệ môi trường 2005 được Quốc hội thông qua lần này có nội dung cơ bản gì?
TS. Trương Mạnh Tiến (TMT): Luật Bảo vệ môi trường 2005 bao gồm 15 chương với 136 điều. Luật này có phạm vi điều chỉnh rộng và bao quát hầu hết các nội dung về bảo vệ môi trường, cụ thể là… quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường. (Điều 1) và được áp dụng đối với mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Một số nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường 2005 là:
Thứ nhất, quy định chi tiết đối với từng ngành, lĩnh vực cũng như đối với từng địa bàn cụ thể. Luật lần này tiếp cận đồng thời cả ngành, lĩnh vực và địa bàn, theo đó, quy định các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể như công nghiệp (Điều 36, Điều 37), xây dựng (Điều 40), giao thông vận tải (Điều 41), du lịch (Điều 45), nông nghiệp (Điều 46), nuôi trồng thủy sản (Điều 47) cũng như quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đó trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Song song với quy định về bảo vệ môi trường theo ngành, lĩnh vực, Luật Bảo vệ môi trường 2005 cũng quy định rất rõ về nội dung bảo vệ môi trường đối với từng địa bàn cụ thể như đô thị, khu dân cư tập trung (Điều 50, Điều 51), nơi công cộng (Điều 52), làng nghề (Điều 38), biển, nước sông, nước mặt, nước ngầm, công trình thủy lợi (Chương VII)
Thứ hai, quy định nội dung về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ quá trình phát triển, bắt đầu từ khâu lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự án đầu tư cho đến quá trình hoạt động cũng như trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất, nhập khẩu.
Các yêu cầu, nội dung về bảo vệ môi trường được lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như các dự án đầu tư ngay từ lúc lập dự án, bảo đảm phát triển bền vững.
Thứ ba, sử dụng nhiều công cụ, biện pháp trong quản lý về bảo vệ môi trường: bên cạnh các công cụ, biện pháp truyền thống như tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, quan trắc, báo cáo về môi trường, thanh tra bảo vệ môi trường Luật lần này đã bổ sung thêm một số công cụ, biện pháp mới trong quản lý môi trường như: đánh giá môi trường chiến lược, cam kết bảovệ môi trường, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đặc biệt là các công cụ kinh tế đã được quy định chi tiết và cụ thể hơn.
Khắc phục nhược điểm của Luật Bảo vệ môi trường 1993, với các quy định còn mang tính chất khung, Luật Bảo vệ môi trường 2005 không những đã có nhiều quy định chi tiết, khả thi mà còn có nhiều quy định mạnh hơn như: chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo đánh giá môi trường đã được phê duyệt (Điều 22); chỉ được đưa công trình vào hoạt động sau khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường (Điều 23) hay luật hóa quy định về xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường (Điều 49)…
Thứ tư, xã hội hóa mạnh mẽ và đề cao vai trò của người dân trong bảo vệ môi trường. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường, là nội dung xuyên suốt toàn bộ Luật Bảo vệ môi trường 2005. Với nhiều quy định như cho phép các tổ chức có đủ điều kiện tham gia thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 21), tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quản lý chất thải (Điều 70) và quan trắc môi trường (Điều 95) đồng thời khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ về vốn, thuế, phí, đất đai đối với các hoạt động bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo quyền của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ năm, phân công, phân cấp bảo vệ môi trường, đây là một nội dung mới quy định rõ ràng trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 121) và UBND các cấp (Điều 122) trong bảo vệ môi trường cũng như quy định cơ quan chuyên môn (Điều 123) giúp các cơ quan này trong việc thực hiện trách nhiệm của mình. Với quy định này, sẽ tháo gỡ được sự chồng chéo, không rõ ràng trước đây về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường 2005 cũng quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong hoạt động bảo vệ môi trường như cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Có thể nói, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã bao quát hầu hết các nội dung về bảo vệ môi trường, với nhiều điều, khoản quy định cụ thể, chi tiết và khả thi cao, khắc phục được những bất cập của Luật Bảo vệ môi trường 1993. Là căn cứ pháp lý quan trọng cho việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta.
PV: Với trọng trách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm những gì để Luật sớm đi vào cuộc sống?
TS. TMT: Luật Bảo vệ môi trường 2005 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/ 2006, nghĩa là Bộ còn thời gian để chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành cho đến thời điểm Luật có hiệu lực.
Việc trước mắt cần làm là phải hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2005 và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đây là hai văn bản hướng dẫn quan trọng và phải trình Chính phủ để xem xét và ban hành.
Một việc nữa là Bộ chủ trì soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2005, tại văn bản này sẽ phân công rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp trong việc thực hiện Luật.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị trên, Bộ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt về triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2005. Tiếp đến là tổ chức tập huấn, tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường 2005, để làm sao cho Luật này đến với từng người dân. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2005 có phát huy hiệu lực và đi vào cuộc sống hay không, thì không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện mà đòi hỏi sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp.
PV: Theo kinh nghiệm từ việc triển khai thi hành các Luật, thì việc xử lý các điều khoản chế tài bao giờ cũng là khó nhất. Liệu có thể khắc phục được yếu điểm này trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2005?
TS. TMT: Như chúng ta đã biết, việc ban hành một chính sách, một văn bản quy phạm pháp luật đã khó nhưng việc thực hiện chính sách, văn bản đó lại khó hơn gấp bội. Đúng là việc áp dụng các chế tài trong việc thi hành pháp luật nói chung đều gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân thì rất nhiều như các quy định thiếu chặt chẽ, cụ thể, thiếu nguồn lực thực hiện, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành kém hiệu quả.
Luật Bảo vệ môi trường 2005 lần này đã kế thừa Luật Bảo vệ môi trường 1993 và bổ sung nhiều chế tài mới và mạnh hơn, với các quy định khá cụ thể và chi tiết. Đi cùng với các chế tài, Luật Bảo vệ môi trường 2005 cũng đã quy định các biện pháp và nguồn lực cho việc thực hiện.
Để việc áp dụng các chế tài thành công trên thực tế, cần phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp, và như đã nói ở trên là cần phải có sự quyết tâm và phối hợp một cách có hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương.
PV: Thưa TS. TMT, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có những quy định gì về bảo vệ môi trường đối với ngành du lịch?
TS. TMT: như đã nói ở trên, Luật Bảo vệ môi trường 2005 quy định rõ các yêu cầu, nội dung bảo vệ môi trường đối với từng ngành, lĩnh vực, trong đó có một số nội dung bảo vệ môi trường liên quan đến ngành du lịch, nhưng đầy đủ và tập trung nhất tại Điều 45.
“Điều 45. Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch
1. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu du lịch, điểm du lịch phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sau đây:
a) Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại khu du lịch, điểm du lịch và hướng dẫn thực hiện; b) Lắp đặt, bố trí đủ và hợp lý công trình vệ sinh, thiết bị thu gom chất thải; c) Bố trí lực lượng làm vệ sinh môi trường.
2. Khách du lịch có trách nhiệm thực hiện các quy định sau đây:
a) Tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường của khu du lịch, điểm du lịch; b) Vứt chất thải vào thiết bị thu gom chất thải đúng nơi quy định; c) Giữ gìn vệ sinh nơi tham quan du lịch; d) Không được xâm hại cảnh quan, khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, các loài sinh vật tại khu du lịch, điểm du lịch.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan
. Bên cạnh Điều 45 còn có một số điều quy định các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động du lịch như bảo vệ cảnh quan thiên nhiên (Điều 31), bảo vệ môi trường nơi công cộng (Điều 52)…
Có thể nói, so với Luật Bảo vệ môi trường 1993 thì Luật lần này đã quy định khá đầy đủ, cụ thể các nội dung, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với ngành Du lịch. Đồng thời, các quy định này là căn cứ pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường trong ngành Du lịch.
PV: Xin cảm ơn TS. Trương Mạnh Tiến!