Rạn Trào nằm trong khu vực biển thuộc vịnh Vân Phong, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, cách TP. Nha Trang 60km. Với diện tích 25ha, rạn san hô này có tầm quan trọng đặc biệt đối với cộng đồng ngư dân trong xã. Mỗi khi thủy triều xuống, bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Rạn Trào có cả san hô cứng (độ che phủ đến 60%) và san hô mềm (độ che phủ 10%). Từ năm 2000 trở về trước, đây được xem là ngư trường khai thác hải sản của nhóm ngư dân nghèo, giúp một bộ phận ngư dân duy trì cuộc sống thường nhật. Nét đặc trưng của Rạn Trào là tập trung loài cá thia và cá bàng chài; ngoài ra còn có cá mú, cá hồng, cá kẽm... Thời gian trước năm 2001, việc khai thác đá san hô bừa bãi, đào đầm nuôi tôm sú, hoạt động khai thác thủy sản quá mức cùng với phương pháp khai thác mang tính hủy diệt làm suy giảm các nguồn lợi, đặc biệt một số rạn san hô như rạn Cạn, rạn Sụn… gần như biến mất. Nguồn lợi hải sản của Rạn Trào chỉ còn chừng 10% so với những năm 1980. Nhiều loài hải sản quý như bào ngư, hải sâm, cá mú... đã gần như không còn. Những trước đây rất phong phú như ghẹ, cầu gai... đã trở nên hiếm hoi. Được sự đồng ý của UBND tỉnh Khánh Hòa và với sự trợ giúp về kỹ thuật, tài chính của MCD, Dự án thí điểm xây dựng Khu bảo vệ biển Rạn Trào đã được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2001. Kể từ đó, Rạn Trào đã trở thành nơi bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn gen quý giá sống trong các rạn san hô. Điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình quản lý của Rạn Trào so với các khu bảo tồn biển khác dựa trên quan điểm do cộng đồng địa phương tự quản lý (LMMA – Locally-Managed Marine Area). Thực chất mô hình LMMA hoạt động theo nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm cho mọi hoạt động với sự trợ giúp của chính quyền địa phương và các tổ chức, ban, ngành liên quan. Khu bảo vệ biển Rạn Trào đã thành lập nhóm hạt nhân 9 thành viên gồm đại diện cộng đồng địa phương, chính quyền, bộ đội biên phòng đã thay phiên nhau tuần tra xung quanh khu bảo tồn để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm quy chế bảo vệ khu bảo tồn. Nhóm hạt nhân tuy không được hưởng lương nhưng được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Ngoài việc tuần tra xử lý vi phạm, nhóm hạt nhân còn tổ chức hoạt động truyền thông, vận động cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt khu bảo tồn. Để giảm sức ép tới việc bảo tồn biển, những thành viên của nhóm hạt nhân vừa là người đi tiên phong vừa trực tiếp hướng dẫn người dân trong việc ứng dụng phương pháp kỹ thuật mới là nuôi vẹm xanh và hải sâm xen lẫn tôm hùm. Ngoài giá trị về kinh tế, vẹm xanh và hải sâm còn có khả năng lọc nước, làm sạch môi trường, tạo điều kiện để tôm hùm sinh trưởng. Với sự hướng dẫn của các nhà khoa học, những ngư dân vốn trước đây chỉ quen việc đánh bắt, khai thác các sản phẩm tự nhiên của biển đã được học cách chiết ghép để phục hồi các rạn san hô. Theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học, sau hơn 01 năm gần 200 cụm san hô sau khi được chiết ghép đã phát triển rất tốt trong điều kiện tự nhiên. Việc bảo vệ và phục hồi các rạn san hô ở Rạn Trào đã tạo điều kiện lý tưởng cho tôm cá cư trú và sinh sản. Trước tháng 3/2001 tại khu vực này chỉ có khoảng 300 loài tôm cá sinh sống thì nay đã tăng lên gấp đôi. Bên cạnh đó, việc phục hồi các rạn san hô còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nuôi trồng thuỷ sản. Từ năm 2007, MCD đã tổ chức tour khảo sát du lịch sinh thái thử nghiệm tại Rạn Trào như một phần của mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học trong khu bảo tồn, đồng thời tạo sinh kế mới cho ngư dân Rạn Trào.
Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh Huỳnh Quang Vân khẳng định: với quyết định khoanh vùng Rạn Trào làm khu bảo vệ hệ sinh thái biển, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thể hiện sự ghi nhận tính chủ động và đóng góp của người dân địa phương và chính quyền cơ sở trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường sinh thái biển của Tỉnh. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để UBND huyện Vạn Ninh ra quyết định thành lập Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, tạo cơ sở pháp lý tiếp tục công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường biển tại khu vực biển Rạn Trào nói riêng và khu vực vùng bờ của địa phương nói chung. Bà Hồ Thị Yến Thu, Giám đốc MCD cho biết: sự ghi nhận này không chỉ là nguồn cổ vũ động viên cho những người dân đã và đang tham gia bảo vệ khu vực Rạn Trào mà còn là kết quả hợp tác hiệu quả của ba bên: người dân, cơ quan quản lý nhà nước các cấp và tổ chức phi chính phủ vì một mục tiêu chung là bảo vệ môi trường và nguồn lợi biển cho các thế hệ mai sau.
THU LÊ