Hàng năm, Chương trình Môi trường (UNEP) của Liên Hiệp quốc có trụ sở tại Nairobi, Kenya đứng ra tổ chức kỷ niệm sự kiện này tại hơn 100 nước trên thế giới. Ngày Môi trường Thế giới 2009 với chủ đề "Hành tinh của các bạn đang cần đến các bạn – Hãy đoàn kết chiến đấu chống lại sự Biến đổi khí hậu" (Your Planet Needs You-UNite to Combat Climate Change) sẽ được tổ chức tại Mexico.
Nước chủ nhà năm nay là Mexico. Mexico là một đối tác dẫn đầu trong Phong trào “Một tỷ cây xanh” của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) với cam kết sẽ thực hiện trồng được 25% tổng số cây xanh theo tinh thần của phong trào, cam kết sẽ cắt giảm 1,5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu… Tổng thống Mexico Felipe Calderon cũng bày tỏ, các hoạt động nhân dịp ngày kỷ niệm WED sẽ “khẳng định thêm quyết tâm của Mexico trong công cuộc quản lý tài nguyên thiên nhiên và đối phó với sự Biến đổi khí hậu - một sự thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của thế kỷ 21.” Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức quyết định chọn Hải Phòng là địa phương đăng cai tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới năm 2009 ở cấp quốc gia với chủ đề "Trái đất cần chúng ta hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu". Nhân dịp này sẽ có các hoạt động như mít tinh, diễu hành, hội thảo, hội nghị khoa học, tổng kết trao giải cuộc thi quốc gia "Cải thiện việc bảo vệ và sử dụng nước", tổ chức cuộc thi "Học sinh với môi trường"...
Thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki Moon trong Ngày Môi trường Thế giới 2009 có những nội dung chính như sau:
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường con người tổ chức ở Stockholm năm 1972, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã nhấn mạnh rằng nghèo đói và sự không thỏa mãn nhu cầu của con người là hai loại ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Ngày nay, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng chúng ta không thể vượt qua nghèo đói nếu không quan tâm đến vấn đề môi trường hay sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nghiên cứu khoa học cho thấy chúng ta đang vắt kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh chúng ta với mức độ không bền vững. Tình trạng sa mạc hóa lan rộng. Tình trạng thiếu nước sạch phổ biến. Diện tích rừng nhiệt đới thu hẹp. Nguồn tài nguyên thủy sản phong phú dần cạn kiệt. Danh sách này đang ngày càng dài thêm. Ẩn giấu đằng sau những mối đe dọa này, và thực tế chính là nguyên nhân tạo ra chúng, là biến đổi khí hậu. Chúng ta không thể chấp nhận rằng chúng ta đã không nhận ra hay không dự đoán được các mối đe dọa hiển nhiên này. Thất bại trong chiến đấu với biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng nghèo đói và khó khăn. Nó sẽ làm mất ổn định kinh tế, an ninh lương thực ở nhiều quốc gia và phá hủy mục tiêu của chúng ta trong phát triển bền vững. Chống lại biến đổi khí hậu sẽ cần tới sự lãnh đạo, sự tận tâm và khả năng của tất cả chúng ta. Điều này sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng khi đối mặt với khủng hoảng này, chúng ta đã có cơ hội để phát triển trên nhiều phương diện của vấn đề phát triển bền vững. Đó là cơ hội mà chúng ta phải nắm bắt. Để theo đuổi nền kinh tế xanh dựa trên việc sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả và hợp lý, chúng ta sẽ phải cắt giảm khí thải nhà kính và bảo vệ hệ sinh thái. Tại thời điểm này, chúng ta sẽ hồi phục kinh tế của các quốc gia, tạo nhiều việc làm và các cơ hội kiếm sống, cải thiện đời sống người dân và đạt tới mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện những điều đó trong nhiều tháng tới như chúng ta mong đợi tới cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu tại Copenhagen vào tháng 12 năm nay.
Tôi cam kết, và sẽ cống hiến hết sức mình để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng tham gia. Trong một cuộc gặp gần đây với Tổng thống Mỹ Barack Obama, tôi đã chắc chắn về sự hợp tác hoàn toàn của Tổng thống cho sự thành công của hội nghị Copenhagen. Ông Obama đã khẳng định với tôi rằng biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên hàng đầu của ông tại Mỹ cũng như trên thế giới. Ở Ấn Độ, Trung Quốc, ở châu Âu, Bắc Mỹ, Braxin và cả nhiều vùng ở châu Phi, đâu đâu tôi cũng thấy sự quyết tâm và các sáng kiến mới.
Tôi cảm nhận được các cam kết từ các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế trong việc nắm bắt cơ hội phát triển xanh. Đây là xu hướng vĩnh cửu của thời đại. Tôi hoàn toàn tự tin rằng chúng ta có thể và sẽ đối phó được với thách thức này.
LÊ HẢI