Thể du ký - hình thức ghi chép lại toàn bộ nhật trình của du khách qua các vùng miền - là thể loại văn học đề cập cụ thể nhất, trực tiếp nhất đến các vấn đề của du lịch. Đọc tác phẩm du ký, độc giả có thể tiếp cận với du lịch ở vị trí của một du khách: Vì sao họ đi du lịch? Lý do nào khiến họ chọn điểm đến du lịch? Những nét văn hóa nào thu hút họ và các du khách khác?...
SƠ LƯỢC TIẾN TRÌNH CỦA THỂ DU KÝ Ở VIỆT NAM
Từ thế kỷ 18, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã ghi lại trong Thượng Kinh ký sự chặng đường những ngày về kinh thành chữa bệnh cho thái tử... Riêng chuyến đi thăm Hồ Tây của ông đã diễn ra trong ba ngày. Chính việc này khiến ta thấy được nhịp điệu chậm rãi của xã hội xưa so với tốc độ khẩn trương của xã hội hiện đại. Từ những chi tiết được đặc tả một cách từ tốn, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng chương trình du lịch đặc biệt tìm về những phong tục xưa mô phỏng theo những chuyến du ngoạn từ thế kỷ 18.
Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút đã có những áng văn hay, trữ tình ghi chép lại những cuộc du lãm phong cảnh non nước Việt Nam, những khảo cứu về duyên cách địa lý, về phong tục tập quán văn hóa trong xã hội Việt Nam...
Tiếp nối những bậc tiền bối, rất nhiều nhà văn, nhà thơ đầu thế kỷ 20 đã viết lại những điều mắt thấy tai nghe trong những chuyến đi dài ngày hoặc ngắn ngày qua các vùng miền của đất nước hoặc các vùng đất mới lạ trên thế giới.
Có một hệ thống tác phẩm viết về du ký được quy chuẩn thành một mục riêng, mục du ký, trong một tờ tạp chí nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Đó là 52 tác phẩm du ký được in đều đặn trong các số báo suốt 17 năm tồn tại của Nam phong tạp chí. Gần đây, PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn đã tập hợp tất cả các tác phẩm du ký này và in thành tuyển tập Du ký Việt Nam.
Gần với chúng ta hơn là nhà văn Sơn Nam với những bài du ký đất Phương Nam thực sự mang đến cho độc giả những cảm nhận vô cùng thú vị về một vùng đất mới với bao điều tuyệt diệu, hứa hẹn những chuyến du lịch kỳ thú như Chiếc ghe ngo hay Bắt sấu rừng U Minh hạ. Du khách chắc chắn sẽ hết sức thích thú khi được xem tận mắt cảnh bắt cá sấu kỳ lạ ở rừng U Minh, tự tay săn thú, đặt bẫy chim hay bắt cá ở đất rừng Phương Nam.
QUẢNG BÁ DU LỊCH QUA DU KÝ VIỆT NAM
Bước đầu tìm hiểu thể du ký với vai trò là một công cụ quảng bá cho du lịch, chúng tôi giới hạn nghiên cứu các tác phẩm du ký trong bộ sách Du ký Việt Nam gồm 3 tập với 52 tác phẩm (sau đây gọi tắt là Du ký Việt Nam). 36 tác giả đã đi suốt chiều dài đất nước, thực hiện những chuyến hành trình lên rừng xuống biển, giúp độc giả thưởng thức những thắng cảnh của nhiều địa phương, hiểu thêm về tính chất địa lý, lịch sử của các địa danh đó như Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang, Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình, chơi Cao Bằng, Lạng Sơn... Nhiều tác phẩm viết về những chuyến vượt biển đến các vùng đất xa xôi, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam..., mục sở thị nhiều nền văn minh của thế giới, thấy được con người, lối sống của họ như: Hạn mạn du ký, Ai Lao hành trình, Thuật chuyện du lịch ở Paris, Pháp du hành trình nhật ký... Hầu hết các tác phẩm du ký này đều mang đậm yếu tố lịch sử, xã hội và văn hóa của một số dân tộc trên thế giới.
52 tác phẩm trong Du ký Việt Nam có độ lớn rất khác nhau: có tác phẩm vài trang in, cũng có tác phẩm lên đến hơn 300 trang và được đăng thành nhiều kỳ; có phạm vi văn hóa khác nhau: có tác phẩm chỉ kể lại một điểm đến nhất định, cũng có tác phẩm có không gian rất rộng lớn theo chiều dài và chiều rộng của hành trình. Chúng ta có thể sắp xếp lại các tác phẩm này dọc theo chiều dài đất nước và sẽ khu trú được một số địa điểm du lịch nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Cách viết của các tác giả cũng hết sức thú vị. Ngoài tài viết dí dỏm, thông minh, các tác giả của Du ký Việt Nam còn pha trộn phong cách cổ điển và hiện đại cùng rất nhiều kiến thức uyên thâm về văn hóa, phong tục tập quán, lịch sử, địa lý các vùng miền (bởi đó cũng là thời kỳ giao lưu mạnh mẽ của văn hóa Đông – Tây). Du ký Việt Nam đã góp phần bảo tồn nhiều nét văn hóa Việt Nam xưa với nhiều lễ nghi, phong tục được mô tả hết sức kỹ lưỡng. Dựa vào những tác phẩm này, chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi những di sản văn hóa dân tộc đã bị mai một qua nhiều biến động của xã hội
Việc phục hồi các di sản văn hóa nằm trong những dự án xây dựng ngành kinh tế du lịch của nhiều nước. Dựa vào mô tả của Phạm Quỳnh trong tác phẩm Mười ngày ở Huế, chúng ta có thể khôi phục nguyên trạng Đàn Nam Giao. Chúng ta sẽ thấy được rất nhiều điều thú vị của thế giới tâm linh xưa qua các nghi lễ cúng tế: tế thần mặt trời, thần mặt trăng, thần sao, thần gió, thần đất, thần nước, thần sấm sét..., tế các vị Thái tổ, Thái tông. Quả vậy, nếu không có những tác phẩm ghi lại những phong tục văn hóa ấy thì con cháu đời sau sao có thể biết được ông cha đã trải qua những giai đoạn lịch sử như thế nào. Du ký bởi thế cũng là một nơi lưu giữ những di sản văn hóa của dân tộc.
Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác (tr.84-Tập 1) không chỉ nói đến việc đi lại mà tác giả còn gửi gắm vào đó biết bao tâm sự, những điều mắt thấy tai nghe – và chắc chắn là rất đáng nói đến. Những nơi Hạn mạn du ký đi qua là: Thái Lan (Xiêm La), Nhật Bản, Trung Hoa, Ba Thục miền Tây, U Yên đất Bắc, Quế Việt cõi Nam... Tác giả đi từ Nam ra Bắc, đến Nam Định, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên, quay về Nam kỳ, lại đến Xuân Đài, qua Mỹ Tho, rồi cuối cùng quay về Bến Tre. Cả một hành trình dài là những ghi chép tỉ mỉ về rất nhiều nét văn hóa độc đáo của những vùng đất mà tác giả đã đi qua, từ trong nước đến nước ngoài.
Trong Du ký Việt Nam, việc ghi chép của các tác giả biểu hiện rõ sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Việc đi lại, tiếp thu và thực hành là cách phổ biến nhanh nhất và hữu hiệu nhất của văn hóa thế giới.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ DU LỊCH CÓ THỂ KHAI THÁC TỪ DU KÝ VIỆT NAM
Các tác phẩm du ký có sự khác biệt nhất định với tác phẩm văn học, bởi nó mang hình hài của hành trình nhật ký, một thể loại đặc biệt mang đầy đủ những quan niệm, những hiểu biết chính xác nhất của tác giả về nhiều mặt: văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, phong tục tập quán, chính trị, tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ, con người... Cái nhìn của các tác giả du ký về văn hóa, lịch sử, địa lý... dù có thông qua cái nhìn chủ quan cũng vẫn là cái nhìn mở - bởi thể du ký hoàn toàn không bị bó buộc bởi thể chế chính trị hay các biến cố lịch sử. Chính từ thể du ký, có thể khai thác một số nội dung phục vụ cho ngành du lịch:
Một là, nghiên cứu các tác phẩm du ký có thể giúp chúng ta xây dựng những chương trình du lịch văn hóa đặc sắc mô phỏng từ những chuyến du lịch thời xưa.
Hai là, sử dụng những bài thơ, những tích truyện mang tính chất huyền bí được ghi lại trong du ký phục vụ cho các hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách.
Ba là, khôi phục lại những di sản văn hóa trong du ký làm những điểm nhấn thu hút khách du lịch tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thời phong kiến.
Bốn là, xây dựng những bảng so sánh con người, cảnh vật, giao thông, không gian, thời gian... của đầu thế kỷ 20 với đầu thế kỷ 21 sẽ là những hiểu biết thú vị với du khách.
Năm là, văn hóa trong du ký là một kho vô tận và bổ ích để chúng ta tiếp tục khám phá.
Giới thiệu những cái hay cái đẹp, cái đặc sắc của điểm du lịch là việc làm vô cùng quan trọng. Du khách có thể đọc một bài báo, một truyện ngắn, hay tiểu thuyết mà tìm đến vùng đất đã được mô tả qua trang sách để tận mắt chứng kiến những điều kỳ thú. Bài viết này chỉ đề cập đến hành trình du ký trong văn học, một góc nhìn mới mẻ và hiệu quả nhằm quảng bá du lịch, góp phần nhỏ bé vào sự phát triển chung của Du lịch Việt Nam.
Ths. NGUYỄN THỊ THÚY HẰNG