Là một trong bốn tỉnh vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau sở hữu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar thế giới), gắn với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên khoảng 42.000ha và Vườn Quốc gia U Minh hạ với diện tích 8.286ha rất thuận lợi đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Với tiềm năng của rừng, biển và hệ sinh thái động vật, thực vật rất phong phú, với trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt… Cà Mau cũng là vùng đất hội tụ nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa, các lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa nhân văn, đặc trưng riêng của con người vùng sông nước, sự đa dạng về tài nguyên du lịch tự nhiên, Cà Mau còn có tài nguyên du lịch nhân văn với rất nhiều công trình, di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất, con người, sông nước Cà Mau.
Chủ trì Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trần Hồng Quân cho biết, để phát triển du lịch xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 744/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030. Theo đó, sẽ tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau; khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Hạ; phát triển du lịch cụm đảo hòn Khoai; hòn Đá Bạc, bãi Khai Long,… Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để tăng khả năng tiếp cận tài nguyên du lịch, đặc biệt tại các địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho ngành Du lịch vận hành và phát triển phù hợp với xu thế chung của khu vực và cả nước; trong đó tập trung bảo vệ và tôn tạo tài nguyên môi trường và những giá trị văn hoá sinh thái đặc thù của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí… mang tính động lực để thúc đẩy phát triển du lịch. Bên cạnh, ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thu hút đầu tư, hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh, các dự án phát triển sản phẩm du lịch thân thiện môi trường, đặc biệt tại khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ. Khuyến khích đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc kết hợp với du lịch.
Song song với việc xây dựng và phát triển du lịch, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về gìn giữ bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lý các loại chất thải phát sinh, khắc phục tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh du lịch; tổ chức tập huấn, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động du lịch.
“Với quyết tâm huy động mọi nguồn lực tập trung để trong thời gian tới, ngành Du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển”, ông Trần Hồng Quân chia sẻ.
Cùng với đó, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển du lịch an toàn, hiệu quả, bền vững, ngành Du lịch Cà Mau đã xây dựng chương trình kích cầu “Du lịch Cà Mau an toàn, thân thiện” năm 2021; thường xuyên đổi mới phương thức xúc tiến du lịch dựa vào sức mạnh công nghệ, tăng cường mối liên kết với các tỉnh thành trong nước và các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau. Bên cạnh đó, các hoạt động gắn kết sự kiện như truyền thông quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức chương trình ưu đãi, khuyến mại giảm giá; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP,… Đồng thời, tổ chức không gian văn hóa nghệ thuật vào lúc 19 giờ ngày thứ sáu, thứ bảy hàng tuần bắt đầu thực hiện vào quý II/2021 và gắn với hoạt động ẩm thực phố đêm, phục vụ nhân dân và khách tham quan du lịch tại thành phố Cà Mau.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành chia sẻ kinh nghiệm về liên kết phát triển du lịch và kích cầu du lịch; trao đổi giải pháp kết nối, kích cầu thúc đẩy phát triển du lịch Cà Mau.
Dịp này, UBND tỉnh Cà Mau ra mắt Cổng Thông tin du lịch thông minh, qua đó tạo được hiệu quả trong việc giới thiệu, quảng bá đất và người Cà Mau.
Nhâm Hiền