Thành phố Huế đang khẩn trương chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2007 vào ngày 8 - 10/6/2007, Tạp chí Du lịch Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Cao về sự kiện này.
* Thưa ông, Festival nghề truyền thống Huế 2007 có những điểm khác biệt gì so với Festival nghề truyền thống Huế 2005?
Ông Nguyễn Văn Cao (NVC): Tháng 7 năm 2005, lần đầu tiên TP. Huế đã tổ chức khá thành công một Festival chuyên đề tôn vinh hai nghề truyền thống mang đậm bản sắc Việt: nghề thêu và làm nón lá. Festival của Việt Nam, Festival chuyên đề về nghề truyền thống lần thứ hai sẽ được tổ chức từ ngày 8 - 10/6/2007. Do năm 2007 gắn với thời điểm kỷ niệm 320 năm chúa Nguyễn Phúc Thái dời thủ phủ từ Kim Long về Phú Xuân (1687 - 2007), chủ đề Festival sẽ là "320 năm Phú Xuân Huế, nghề truyền thống - bản sắc và phát triển".
Ba nghề được chọn trong Festival năm nay là Đúc đồng, chạm khắc, kim hoàn. Với sự tham gia của các nghệ nhân khá tiêu biểu và các làng nghề nổi tiếng ở Huế và trong cả nước.
 |
Nghề đúc đồng Huế |
Ảnh: Trương Vị |
Lễ khai mạc gắn với chương trình ca múa nhạc đầy sắc màu tôn vinh bàn tay tài hoa của người thợ thủ công, chương trình giới thiệu các bộ sưu tập sản phẩm vàng bạc độc đáo, đêm hội bế mạc "tôn vinh nghề" gồm phần lễ và phần hội với lễ rước được thiết kế độc đáo, tính cộng đồng cao với sự tham gia của các nghệ nhân nghề truyền thống, các nghệ sĩ... Năm nay, khu truyền thống nghề ngoài phần giới thiệu các tác phẩm và không gian biểu diễn thao tác nghệ thuật của các nghệ nhân bàn tay vàng đến từ nhiều làng nghề nổi tiếng trong cả nước, còn có hoạt động trưng bày giao lưu các tác phẩm tuyệt tác, các hiện vật cung đình, các bộ sưu tập độc đáo cổ vật chất liệu đồng, gỗ, vàng bạc của các nhà sưu tập tên tuổi ở Huế, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, trong đó có các hiện vật quý hiếm, như trống đồng Ngọc Lũ, trang sức và binh khí, mỹ thuật thời các chúa Nguyễn qua các bản dập, bản gỗ, đá... Không gian Festival làng nghề sẽ được tổ chức trong một khung cảnh đặc trưng với 12 ngôi nhà rường, cũng là một kiệt tác của nghề chạm khắc gỗ, tại đây sẽ diễn ra lễ đúc trống đồng phục chế, đúc và chỉnh thanh âm chuông, sản xuất tranh khắc gỗ truyền thống làng Sình.. và nhiều hoạt động sinh động phô diễn tài nghệ của các nghệ nhân tài hoa... Hội thảo "320 năm Phú Xuân Huế, Nghề truyền thống, bản sắc và phát triển" được tổ chức như một cuộc tọa đàm, đối thoại bổ ích giữa nhà quản lý, nhà khoa học và nhà sản xuất (nghệ nhân và làng nghề). Ngoài hoạt động chính thức, còn các hoạt động lồng ghép đa dạng như: lễ hội Xích lô lần đầu với sự có mặt của xích lô 3 miền và các kỷ lục gia, hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao do CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao chủ trì lần đầu tiên tại Huế, nghệ thuật trưng bày và nghệ thuật đường phố gắn với hoạt động nghề truyền thống được hỗ trợ từ Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô như Đêm Hoàng Cung, các triển lãm cung đình, không gian ẩm thực 3 miền...
* Hiện công tác chuẩn bị đã được triển khai như thế nào?Ông NVC: Năm nay công tác chuẩn bị sớm hơn, chủ động hơn. Ban tổ chức đã nối kết với các nghệ nhân, các làng nghề và duyệt kịch bản tham gia. Các nghệ sĩ được lựa chọn đang trong quá trình hoàn chỉnh kịch bản chương trình biểu diễn nghệ thuật. Nhiều tờ báo đã thống nhất bảo trợ thông tin cho Festival nghề; công tác tuyên truyền cổ động đã triển khai từ trước Tết âm lịch, các doanh nghiệp và người sản xuất ở Huế khẩn trương chuẩn bị sản phẩm, ngành Du lịch địa phương xây dựng và triển khai các tour tuyến và hoạt động quảng bá du lịch. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ký kế hoạch cam kết tài trợ cho Ban Tổ chức.
* Xin ông cho biết UBND TP.Huế sẽ có những kế hoạch gì tiếp theo để thúc đẩy sự phát triển các làng nghề? Đặc biệt là sự gắn kết giữa các làng nghề và phát triển du lịch?
Ông NVC: Sau Festival 2007 UBND TP. Huế sẽ tiếp tục có những kế hoạch nhằm củng cố và thúc đẩy sự phát triển các làng nghề đặc biệt là gắn sự phát triển của các làng nghề với sự phát triển du lịch. Cụ thể như sau:
1. Củng cố và tăng cường hơn nữa hoạt động của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Thành phố một cách hiệu quả và thiết thực. Vận động thành lập các hội nghề truyền thống. Đây sẽ là cầu nối nhằm tạo được sự liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển các làng nghề, hình thành các tuyến du lịch làng nghề trên cơ sở kết hợp với các tuyến du lịch đã có như du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch di sản văn hóa...
2. Sử dụng nguồn vốn khuyến công hỗ trợ và vận động các cơ sở sản xuất trong các làng nghề sáng tác các mẫu hàng lưu niệm đặc trưng của Huế phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch cần hướng tới công tác xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu trực tiếp để nâng cao lợi nhuận tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất có tích luỹ và nâng cao thu nhập cho người lao động, nhằm thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi để họ yên tâm gắn bó với nghề, với cơ sở và địa phương.
3. Đẩy mạnh công tác truyên truyền quảng bá và quảng cáo sản phẩm để khai thác thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề thông qua các các hội chợ triển lãm, phương tiện thông tin đại chúng, các cổng giao tiếp điện tử, các quan hệ đối ngoại và công tác xúc tiến đầu tư để thực hiện công tác truyên truyền quảng bá và kêu gọi đầu tư phát triển nghề và sản phẩm làng nghề truyền thống Huế.
4. Tổ chức tốt các điểm tham quan trình diễn nghề, trưng bày và bán sản phẩm lưu niệm làng nghề Huế. Thực hiện dự án xây dựng Trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán hàng lưu niệm tại 15A Lê Lợi; tổ chức thao diễn nghề để đón du khách tham quan; chấn chỉnh, sắp xếp và khuyến khích nhân dân đầu tư thêm các kiốt bán hàng lưu niệm tại các điểm tham quan du lịch.
5. Tổ chức điều tra khảo sát xây dựng các tuyến du lịch tham quan làng nghề, trước mắt tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh khu trưng bày giới thiệu làng nghề đúc và tuyến tham quan làng nghề đúc Kinh Nhơn - Bổn Bộ. Quy hoạch và vận động doanh nghiệp đầu tư vào khu du lịch sinh thái làng nghề - vườn cây ăn quả Thủy Biều để hình thành tuyến tham quan làng nghề đúc kết hợp tuyến du lịch sinh thái.
6. Phối hợp với Sở Du lịch và UBND các huyện nghiên cứu xây dựng tuyến tham quan làng nghề Thừa Thiên - Huế.
7. Vận động, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân đầu tư bổ sung các hoạt động dịch vụ trong các làng nghề. Tổ chức thêm các hoạt động vui chơi giải trí, ca múa nhạc, ẩm thực Huế và bán hàng lưu niệm trong tuyến tham quan nhà vườn Phú Mộng - Kim Long nhằm tạo thêm tính hấp dẫn để thu hút du khách.
8. Hỗ trợ in các ấn phẩm tuyên truyền quảng cáo giới thiệu làng nghề; phối hợp với Sở Du lịch đầu tư, tổ chức các hoạt động dịch vụ, quảng cáo và đưa các tuyến tham quan làng nghề vào các tour du lịch…
Xin chân thành cảm ơn ông!
Phạm Thị Tú Nga