
|
Du khách tham quan bản Giang Mỗ (Hòa Bình) Ảnh: HD |
Một trong những chương trình du lịch hiện được du khách quốc tế ưa thích là trekking qua những bản làng dân tộc vùng Tây Bắc. Đây là loại hình du lịch dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của nhiều nền văn hóa khác nhau.
Một trong những bản làng dân tộc được ngành Du lịch Hòa Bình đầu tư phục vụ khách du lịch là bản Giang Mỗ nằm dưới chân núi Mỗ thuộc xã Bình Thanh cách TP. Hòa Bình khoảng 10km. Bản Giang Mỗ có 106 nhà sàn còn giữ được nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo, cung nỏ săn bắn, phương thức làm ruộng cùng những lễ hội, phong tục tập quán mang đậm dấu ấn của người Mường xưa. Trong nhà sàn ấm cúng, du khách sẽ được tiếp đón nồng nhiệt. Thú vị hơn nếu bạn được nghe chủ nhà thổi sáo ôi, chơi đàn bầu đón khách bên vò rượu cần thơm nức.
Bản Mai Châu cách TP. Hòa Bình 60km từ lâu đã là một điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhà sàn ở Mai Châu khá rộng, mái nhà được lợp bằng cây cọ, sàn nhà được làm bằng gỗ tre bóng láng. Các cửa sổ trong nhà có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, lồng chim cảnh. Du khách sẽ rất khó quên những đêm lửa trại bên ánh lửa bập bùng, thưởng thức cồng chiêng, giao lưu với các nghệ nhân, múa hát với những thiếu nữ Thái nơi đây. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Du lịch Việt Nam, ông Hà Công Tím - Trưởng bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình) cho biết kể từ năm 1993, hoạt động du lịch dịch vụ đã đem lại nhiều đổi thay cho cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây. Hiện ở bản Lác và bản Pom Coọng có 25 ngôi nhà sàn chuyên phục vụ khách du lịch. Năm 2006, hai bản này đã đón trên 13.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 60%, doanh thu từ hoạt động du lịch của hai bản ước đạt khoảng 8 tỷ đồng.
Bản Mòng là một địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa và nghỉ dưỡng hấp dẫn thuộc xã Hua La, thị xã Sơn La. Bản Mòng có suối nước nóng thiên tạo với tên gọi là bó Nặm Ún. Nguồn nước nóng ở đây có tác dụng điều dưỡng và chữa bệnh. Hiện tại, bản Mòng có 106 hộ dân tộc Thái sinh sống. Người dân nơi đây làm các nghề thủ công như nghề rèn, dệt thổ cẩm, đan lát, làm gốm. Những âm hưởng hòa quyện của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chim rừng thánh thót cùng điệu múa xoè, múa cánh bướm, múa piêu trong ngày hội chắc chắn sẽ để lại cho du khách cảm giác khó quên khi đến với bản Mòng.
Văn hóa ẩm thực với những món ăn độc đáo vùng Tây Bắc là một nhân tố hấp dẫn du khách như: xôi nếp dẻo thơm, món cơm lam trong ống tre non đốt trên than củi có mùi thơm đặc biệt; cá nướng; thịt khô; các món rau, măng đắng, nấm hương, nấm mối, rau sắng… Đến xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) - nơi có động Nam Sơn khá độc đáo, chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức món gà Nam Sơn vừa mềm vừa ngọt. Theo Chủ tịch xã Nam Sơn Bùi Thanh Truyền: món gà Nam Sơn là một trong 3 món ăn của Việt Nam góp mặt trong số 1.600 món ăn của 150 quốc gia được Tổ chức Terra Madre (thuộc Bộ Nông nghiệp và rừng Italia) đưa vào cuốn sách nổi tiếng Slow Food Editore chuyên viết về các món ăn trên toàn thế giới.
Trong chuyến khảo sát các điểm du lịch do Tổng cục Du lịch tổ chức, nhiều doanh nghiệp lữ hành khẳng định bản làng dân tộc chính là tiềm năng du lịch độc đáo của các tỉnh Tây Bắc. Điều cần làm hiện nay chính là việc nối các tuyến điểm du lịch chính từ Hòa Bình với các tỉnh để hình thành các chương trình du lịch liên vùng với các loại hình du lịch mạo hiểm, đi xe đạp địa hình, leo núi, trekking, thể thao… Để làm được việc này, ngành Du lịch các tỉnh Tây Bắc cần lựa chọn các bản đặc sắc để xây dựng tuyến tham quan bản văn hóa dân tộc; tập trung xây dựng những sản phẩm độc đáo của địa phương như rượu cần, hàng thổ cẩm, khôi phục các làng nghề và những lễ hội ở các bản dân tộc, đồng thời đầu tư làm tốt công tác vệ sinh môi trường và dịch vụ phục vụ khách, hướng dẫn đồng bào dân tộc cải tạo nhà sàn để đón khách nhằm hình thành nên thương hiệu Du lịch Tây Bắc mang đậm chất văn hóa truyền thống các dân tộc nơi đây. Phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của những bản làng vùng cao Tây Bắc.
HẢI DƯƠNG