Nét đặc sắc của ẩm thực Hà Nội
Hà Nội được coi là trung tâm văn hóa ẩm thực, nơi tập trung nhiều món ăn hấp dẫn và tinh tế, trong đó phải kể đến xôi lúa Tương Mai, chả cá Lã Vọng, phở, bánh cốm - cốm Vòng, bún thang, bánh trôi, bánh cuốn Thanh Trì, nem, chè sen long nhãn… Đặc biệt, dù không phải là đặc sản riêng có của Thủ đô, nhưng nhắc đến Hà Nội du khách thường nhớ đến các hàng phở nổi tiếng như phở Lý Quốc Sư, phở Bát Đàn, phở Thìn Lò Đúc, phở gà Lê Văn Hưu…
Ẩm thực Hà Nội là sự kết hợp của rất nhiều thành phần nguyên liệu trong một món ăn. Hương vị đặc trưng trong các món ăn truyền thống của Hà Nội là đậm đà nhưng thanh dịu. Chính những nguyên liệu tươi, lành và thanh mát đã khiến các món ăn Hà Nội có thể chinh phục được các thực khách khó tính. Thêm vào đó, các gia vị phụ trợ trong món ăn cũng được biến tấu tạo nên màu sắc và mùi vị không thể quên. Các món ăn truyền thống Hà Nội còn được kết hợp với nhiều loại nước chấm khác nhau, trong đó phải kể đến nước mắm. Khi nhắc đến yếu tố này, các cụm từ được du khách thường xuyên đề cập trên các website hay kênh đánh giá uy tín là “ngon”, “độc đáo”, “đa dạng trong cách kết hợp hương vị”.
Không chỉ thế, những thức quà dân dã cũng được khéo thổi hồn thành nét riêng của ẩm thực Hà Thành. Một thức quà dễ dàng bắt gặp ở bất cứ gánh hàng rong nào là mía. Nếu như ở các vùng khác mía thường được sử dụng như một món quà chiều giản dị (gọt bỏ vỏ ép lấy nước, hoặc chặt khúc ăn trực tiếp) thì với người Hà Thành mía còn được ướp với hoa bưởi tạo nên món ngon hấp dẫn.
Hà Nội còn có nhiều món ăn gắn liền với một địa danh cụ thể. Nếu muốn thưởng thức, du khách thường phải cất công tìm đến đúng địa danh đó để cảm nhận trọn vẹn hương vị đặc trưng của món ăn nổi tiếng đó. Đây là cơ sở cho việc xây dựng các food tour đưa du khách tới trải nghiệm những địa chỉ ẩm thực uy tín. Còn một đặc điểm rất riêng nữa của ẩm thực Hà Nội là “gánh hàng rong”, vỉa hè. Đây chính là mô hình kinh doanh ẩm thực phổ biến và đem lại trải nghiệm đặc biệt cho du khách tới thăm Hà Nội.
Trái với các thế mạnh nêu trên, vệ sinh an toàn thực phẩm đôi khi là điểm trừ của ẩm thực Hà Nội. Nhiều du khách sau khi khen thức ăn Hà Nội “ngon” thì phản hồi không tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vệ sinh an toàn thực phẩm mới chỉ được chú trọng ở những nhà hàng hay quán ăn cao cấp. Những quán ăn ven đường, hàng rong thì còn xem nhẹ trong khi đây chính là loại hình kinh doanh ẩm thực chiếm đa số và là trải nghiệm thu hút đông du khách trải nghiệm. Công tác quảng bá hình ảnh văn hóa ẩm thực Hà Nội đã dần được chú ý nhưng chưa đạt hiệu quả cao.
Phát triển du lịch gắn với văn hóa ẩm thực Hà Nội
Văn hóa ẩm thực Hà Nội đã được một số công ty du lịch thiết kế thành sản phẩm phục vụ khách quốc tế. Các tour này thường được xây dựng theo cách thức đưa khách đến tham gia nấu món ăn truyền thống và thưởng thức luôn tại điểm. Thời gian trước, một vài nơi còn tổ chức tour khép kín, đưa khách đi chợ truyền thống, nấu ăn và thưởng thức món ăn. Nhưng hiện nay, hình thức này ít được tổ chức do không đảm bảo về thời gian, vệ sinh an toàn tại chợ.
Đặc trưng các món ăn của ẩm thực Việt nói chung và Hà Nội nói riêng thường không chứa nhiều chất béo, lành và sạch. Do vậy, yếu tố “có lợi cho sức khỏe” chính là sức hút lớn nhất của ẩm thực Hà Nội để thu hút khách du lịch nước ngoài. Do vậy, việc giữ gìn hương vị truyền thống và cách thức kết hợp nguyên liệu chế biến tinh tế cần được đẩy mạnh đối với các mô hình kinh doanh ẩm thực Hà Nội.
Nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế vẫn chưa biết nhiều về ẩm thực của Hà Nội và Việt Nam. Một trong những chiến lược marketing văn hóa ẩm thực cần đầu tư là hình ảnh gánh hàng rong trên phố, xây dựng câu chuyện liên quan đến hình tượng gánh hàng và mở những phiên họp chợ nhằm đem đến trải nghiệm mới cho du khách. Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cần xây dựng thêm các chương trình trải nghiệm ẩm thực truyền thống và coi đây là sản phẩm chiến lược mới để tiếp thị tới khách hàng.
Đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực Hà Nội cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với người bán hàng rong cần có hình thức quản lý phù hợp, nâng cao ý thức về vệ sinh thực phẩm, đảm bảo giữ được hình thức trải nghiệm dân dã nhưng không làm ảnh hưởng đến tiêu chí an toàn vệ sinh của điểm đến.
Ngoài ra, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho những nhà kinh doanh cung cấp trải nghiệm ẩm thực Hà Nội phục vụ du khách; chú trọng các yếu tố về hương vị, nguyên liệu chế biến… nhằm đưa văn hóa ẩm thực Hà Nội đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
|
|
Tài liệu tham khảo:
1. Minh Anh (2008), Văn hóa ẩm thực người Việt Nam, Doanh nhân 360, ngày đăng tải: 02/06/2008
2. Nguyễn Hương (2012), Ẩm thực Việt có giúp xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày đăng tải: 11/12/2012
3. Dương Quế Nhu, Nguyễn Tri Nam Khang, Nguyễn Thị Thảo Ly (2014), Nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam qua đánh giá của du khách quốc tế, Tạp chí khoa học trường ĐH Cần Thơ số 30/2014.
4. Đặng Thị Huy Phương (2010), Vấn đề ẩm thực dưới góc nhìn văn hóa trong sáng tác của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;
5. Đinh Thuận (2021), Biến văn hóa ẩm thực Hà Nội thành sản phẩm du lịch đặc sắc, Tin tức Thông tấn xã Việt Nam, ngày đăng tải: 8/4/2021 (https://baotintuc.vn/am-thuc/bien-van-hoa-am-thuc-ha-noi-thanh-san-pham-du-lich-dac-sac-20210408125742871.htm).
Trương Mai Ngọc
(Tạp chí Du lịch tháng 7/2022)