Dự buổi làm việc có Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng Tạ Quang Đông; Đoàn Văn Việt; Trịnh Thị Thủy, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo (BCĐ) có ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ; ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng BCĐ; ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng BCĐ, đại diện Bộ KHĐT và một số Bộ, ngành…
Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhắc lại nội dung này tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, Nghị quyết 09 thể hiện sự ghi nhận vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thúc đẩy kinh tế, phát triển đất nước. Không chỉ là sự lớn mạnh của hệ thống doanh nghiệp cả nước, mà các hộ kinh doanh cá thể cũng có sự tăng trưởng nhanh, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt tóm tắt một số kết quả trong triển khai các nội dung của Nghị quyết 09 mà Bộ VHTTDL đã thực hiện thời gian qua. Theo đó, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ VHTTDL đã phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành về Nghị quyết 09-NQ/TW.
Bộ đã tham gia xây dựng Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam và phối hợp với Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam khu vực Đông Nam bộ tại tỉnh Đồng Tháp, đồng bằng sông Hồng tại Hải Phòng.
Phối hợp với Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lồng ghép các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11) và Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của Bộ. Phối hợp tham gia BTC Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” được tổ chức hằng năm vào Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11)…
“Bộ VHTTDL quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng hoạt động gắn liền nhất với hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Trong những năm qua, hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ đã thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp du lịch”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.
Năm 2020 và 2021 là những năm khó khăn nhất của ngành Du lịch, nhưng bằng sự nỗ lực, các doanh nghiệp đã cố gắng ứng phó linh hoạt, vượt lên khó khăn, từng bước hồi phục và phát triển sau đại dịch COVID-19…
Báo cáo cụ thể hơn về lĩnh vực du lịch, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc cho biết, Luật Du lịch 2017 với nhiều đột phá quan trọng tạo hành lang pháp lý rộng mở cho doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, dịch vụ…, nhiều rào cản được xóa bỏ như đối với lữ hành đã đơn giản 19 quy định; đăng ký kinh doanh lưu trú giảm 28 điều kiện…, doanh nghiệp đã có sự chuyển biến mạnh về nhận thức chẳng hạn việc tự đăng ký hạng sao khách sạn…
Đánh giá cao báo cáo chi tiết của Bộ VHTTDL, các ý kiến thảo luận cho rằng, thời gian qua, Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác để tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đại diện Bộ KHĐT, văn hóa doanh nghiệp là sự khuyến khích nâng cao uy tín cho doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong du lịch càng quan trọng hơn bởi thể hiện hình ảnh quốc gia, bởi vậy các doanh nghiệp ý thức được điều này là rất tốt đối với không chỉ doanh nghiệp mà còn trên bình diện rộng hơn…
Kết luận vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, dù không phải là Bộ chủ quản liên quan đến vấn đề phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, nhưng Bộ VHTTDL luôn sát cánh cùng các Bộ, ngành, địa phương trong việcxây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp. Bộ đã chủ động phối hợp theo chức năng nhiệm vụ, như phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó thông qua các hoạt động văn hóa để tác động đến nhận thức, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người lao động trong doanh nghiệp.
“Văn hóa, trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam đối với vận mệnh của dân tộc là rất rõ. Trong đợt vận động quỹ vắc xin phòng chống dịch COVID-19 điều này đã được minh chứng bằng những đóng góp hết sức ý nghĩa của các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước. Đây là lý do mà Bộ đã tham mưu xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trên hai trụ cột chính là chấp hành quy định pháp luật và trách nhiệm với xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về những đặc thù của ngành kinh tế Du lịch, Bộ trưởng cho rằng, sự cập nhật và thích ứng nhanh của các doanh nghiệp để “bắt nhịp” và phát triển là điều thấy rõ nhất, nhiều doanh nghiệp ban đầu không đầu tư vào du lịch nhưng sau đó, du lịch trở thành lĩnh vực chủ đạo, như Sungroup, Vingroup…, kể từ sau khi Nghị quyết 09 ra đời, riêng doanh nghiệp lĩnh vực du lịch đóng góp 10% GDP. Các doanh nghiệp du lịch đã lan tỏa văn hóa Việt Nam đến du khách quốc tế, trong nước.
“Các doanh nghiệp không chỉ hướng đến việc tuân thủ các pháp luật trong nước mà phải thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, việc Bộ VHTTDL xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên hai trụ cột sẽ giúp đội ngũ doanh nhân của Việt Nam vững tin hơn với môi trường quốc tế. Bởi, suy cho cùng, chính văn hóa doanh nghiệp mới khẳng định thương hiệu của từng doanh nghiệp” Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu Bộ VHTTDL cũng cho rằng, cần phải hoàn thiện thể chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, sự đồng bộ về pháp luật tạo động lực phát triển của doanh nhân, tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước.
Thay mặt Đoàn công tác, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu của Bộ VHTTDL tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian tới.
Hùng Nguyễn