Nhiều điểm đến nổi bật
Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh cho biết, huyện Trùng Khánh nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Trên địa bàn huyện có danh thắng Mắt Thần núi thuộc xã Cao Chương và phần lớn các địa danh nổi tiếng đều thuộc xã Đàm Thủy như: vườn Dẻ Bản, làng đá Khuổi Ky, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc, chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc... là những điểm đến nổi bật thu hút đông du khách đến tham quan trải nghiệm.
Nét mới của thác Bản Giốc là đã được quy hoạch hoàn chỉnh, thành lập hợp tác xã cung cấp dịch vụ bè mảng phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm thác trên dòng Quây Sơn. Khu du lịch thác Bản Giốc đã xây dựng bãi đỗ xe; các quầy hàng lưu niệm và giới thiệu sản phẩm đã được quy hoạch tập trung cạnh bãi đỗ xe, tạo mỹ quan cho du khách khi tham quan thắng cảnh thác Bản Giốc và thuận lợi khi tìm hiểu, mua sắm quà lưu niệm, sản vật địa phương. Động Ngườm Ngao bắt đầu đưa vào khai thác tuyến trải nghiệm mới còn khá nguyên sơ. Du khách tham gia tuyến trải nghiệm bắt buộc phải có người dẫn đường, mặc áo phản quang kèm đèn chiếu sáng. Từ chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc, du khách có thể ngắm nhìn tận mắt toàn cảnh thác Bản Giốc từ trên cao...
Bảo Lạc ấn tượng với du khách về những ngọn núi cao xanh ngát và chinh phục những con đèo kỳ vĩ dài liên tiếp. Điểm nhấn của những cung đường đèo Bảo Lạc là dốc 15 tầng (còn gọi là Khau Cốc Trà) thu hút đông du khách trải nghiệm, chiêm ngưỡng, check-in và tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà chia sẻ: “Bảo Lạc có hồ thôn Lốm, thung lũng lê cổ thụ (xã Xuân Trường), khe Hổ nhảy (xã Cô Ba) đáng để du khách trải nghiệm. Du khách cũng có thể đến homestay Kha Rào để khám phá thiên nhiên hoang sơ quanh vùng, trải nghiệm văn hóa cùng những sản phẩm ẩm thực đặc trưng mang màu sắc riêng của Kha Rào. Hay đến điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon trải nghiệm văn hóa đồng bào Lô Lô trên cung đường kết nối Bảo Lạc - Cao Bằng đến các điểm du lịch của Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn...”.
Nguyên Bình chào đón du khách bằng những điểm check-in có thể khiến du khách “quên lối về” từ đồi chè, vườn hoa trong khu du lịch Kolia đến rừng trúc Bản Phường, đỉnh Phia Oắc hay đồng cỏ Phan Thanh... Đến điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, du khách cảm nhận được một vẻ yên bình khiến cho du khách quên đi sự ồn ào, khói bụi của thành phố. “Ở đây du khách sẽ được trải nghiệm đốt lửa trại Dao Tiền với một phong cách rất riêng bằng những cây thuốc của đồng bào, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực và ngủ đêm trong những ngôi nhà sàn được bảo tồn nguyên vẹn theo văn hóa người Dao Tiền” – Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Nông Quốc Hùng chia sẻ.
Tìm giải pháp khai thác
Qua chương trình khảo sát, các doanh nghiệp khảo sát đều đánh giá cao giá trị tài nguyên của Cao Bằng. Các doanh nghiệp cho rằng, các địa phương cần quan tâm, đầu tư thêm biển báo giao thông, biển báo chỉ dẫn tại các ngã rẽ, các điểm du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kết nối các cơ sở du lịch cộng đồng, doanh nghiệp địa phương với các doanh nghiệp VCTC; tăng thêm trải nghiệm cho du khách, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn, an ninh...
Đóng góp ý kiến cho sự phát triển chung của du lịch Trùng Khánh, Giám đốc Vina Phú Quốc Travel Nguyễn Vũ Khắc Huy cho rằng, huyện Trùng Khánh có tài nguyên lớn, tuy nhiên đến du lịch ở Trùng Khánh, khách không có cơ hội “tiêu tiền”. Vì vậy, cần phát triển thêm các sản phẩm lưu trú, kinh tế đêm để tăng chi tiêu của du khách. Tại các điểm tham quan cần đầu tư điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, xây dựng trạm phát sóng wifi để tăng hiệu ứng trải nghiệm và đẩy mạnh truyền thông. Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị huyện Trùng Khánh cần kết nối các sản phẩm hợp lý, đặc biệt là các sản phẩm trải nghiệm văn hóa; đảm bảo an ninh, an toàn khi du khách đến du lịch vùng biên giới...
Các doanh nghiệp đánh giá huyện Bảo Lạc còn hoang sơ, có nhiều cảnh sắc kỳ vĩ, tuy nhiên du l��ch Bảo Lạc vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Các doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh vấn đề thiếu bảng báo chỉ dẫn ở Bảo Lạc, khiến nhiều cung đường du khách di chuyển rất khó khăn, dễ bị lạc đường trong quá trình tham quan, khám phá Bảo Lạc. Giám đốc Sài Gòn Hòn Ngọc Tourist Lê Diệp Thanh Tùng đã mạnh dạn đề xuất hành trình khai thác sản phẩm tối thiểu 3 ngày 2 đêm đối với Bảo Lạc, tuy nhiên cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành của địa phương. Ông Tùng cũng chỉ rõ những bất cập cần khắc phục ở Bảo Lạc: các điểm đến phát triển tự phát, thiếu bãi đỗ xe, biển báo; không có hệ thống wifi kết nối, thiếu thông tin giới thiệu sản phẩm; đường di chuyển giữa các điểm tham quan dài, thiếu sản phẩm cho du khách trải nghiệm, thiếu trưng bày sản vật địa phương...
Đặc biệt, các doanh nghiệp đánh giá cao tính kết nối và khai thác sản phẩm tại Nguyên Bình. Nhiều đơn vị lữ hành đã xây dựng tour ghép 3 ngày 2 đêm kết nối Hà Nội – Nguyên Bình – Ba Bể trong hành trình “Nguyên Bình – mùa vàng non nước Cao Bằng” đưa vào khai thác vào các ngày thứ 6 – Chủ Nhật hàng tuần. Chương trình sẽ đưa du khách khám phá khu du lịch sinh thái Kolia, rừng trúc Bản Phường, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, đỉnh Phia Oắc, đồi cỏ Phan Thanh (Nguyên Bình), khám phá sông Năng, hồ Ba Bể, động Puông, động Hua Mạ, đảo Bà Góa (Ba Bể). Giám đốc Công ty Du lịch Bạn Đồng Hành Nguyễn Viết Linh đặc biệt đánh giá cao tiềm năng về văn hóa, đời sống nông nghiệp ở Nguyên Bình. Theo ông Nguyễn Viết Linh, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể kết nối khai thác theo tuyến cung Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh hoặc Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn. Các doanh nghiệp cũng đánh giá hành trình Nguyên Bình rất độc đáo, tuy nhiên cần tạo thêm hiệu ứng check-in cho các homestay; khai thác đặc trưng từ rừng trúc Bản Phường phục vụ ẩm thực, quà lưu niệm, thậm chí làm dụng cụ phục vụ cho các bữa ăn...
Phước Hà