Đặc điểm hoạt động du lịch tại Hóc Môn
Nghiên cứu ghi nhận 102 câu trả lời khảo sát từ 36 chủ doanh nghiệp và quản lý các cơ sở kinh doanh du lịch, 66 nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch tại Hóc Môn, chiếm tỷ lệ lần lượt là 35,3% và 64,7%. Trong số 102 người tham gia khảo sát, có 71 chủ doanh nghiệp, quản lý và nhân viên làm việc ở các điểm tham quan du lịch, 15 người kinh doanh dịch vụ ăn uống, 11 người kinh doanh dịch vụ lưu trú và 5 người đang công tác tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
Thông tin khảo sát thu nhận được từ 102 người cho thấy, thời điểm du khách thường đến với Hóc Môn là vào dịp cuối tuần (ý kiến đánh giá chiếm tỉ lệ 75,5%); kế đến là dịp lễ tết (20,6%); khách đến vào ngày thường khá ít (3,9%). Du khách đến Hóc Môn đa phần chỉ trong 1 ngày (với 48,2% đáp viên lựa chọn), du khách ở lại Hóc Môn trong 1 - 2 ngày được đánh giá tương đối (35,4%) và du khách lưu trú lại Hóc Môn trên 2 ngày chiếm rất ít (16,5%). Đặc biệt, phần lớn các cơ sở kinh doanh du lịch nơi người được khảo sát là các điểm kinh doanh độc lập và không có sự liên kết với các điểm khác (81,4%).
Theo kết quả nghiên cứu, giá trị trung bình của các nội dung đánh giá về Năng lực Marketing, Thương hiệu, Trách nhiệm xã hội, Nguồn nhân lực đều ở trên mức trung bình (lớn hơn 3), cho thấy mức độ đánh giá của người được khảo sát với các đặc điểm của các cơ sở kinh doanh du lịch nơi mình công tác đều ở mức đồng tình cao. Tuy nhiên, đặc điểm liên quan đến Công tác quản lý lại có điểm số đánh giá trung bình từ các đáp viên là 2,81. Trong đó, các nội dung liên quan đến hợp tác đầu tư và liên kết điểm du lịch được những người tham gia khảo sát nhận định là chưa thực sự tốt tại Hóc Môn.
Theo dữ liệu thu thập được, điểm đánh giá trung bình về tiềm năng phát triển dịch vụ ăn uống và dịch vụ vận chuyển là khá cao nhưng nhìn chung vẫn cần đầu tư hơn nữa nhằm gia tăng mức đánh giá và tính ứng dụng thực tiễn. Trái lại, hai tiềm năng liên quan đến lưu trú và lữ hành lại chỉ có điểm số đánh giá thấp, trong đó sự đa dạng về tour và cơ sở lưu trú là những vấn đề bị đánh giá rất thấp. Điều này cho thấy cần có sự thay đổi về mặt cơ sở vật chất, đặc biệt liên quan đến hai mảng dịch vụ lưu trú và dịch vụ lữ hành tại Hóc Môn.
Nhìn chung hoạt động du lịch tại Hóc Môn ở thời điểm hiện tại theo xu hướng kinh doanh nhỏ lẻ, không có sự liên kết giữa các điểm với nhau cũng như chưa có các doanh nghiệp lữ hành đầu tư các tour tuyến một cách bài bản. Do đó, khó có thể tạo nên một thị trường du lịch khác biệt so với các địa phương khác tại TP. Hồ Chí Minh. Du lịch tâm linh: Một số cơ sở hoạt động về tín ngưỡng tâm linh tại địa bàn Hóc Môn được nhiều người biết đến như Chơn Đức Thiền Viện, chùa Thanh Sơn, chùa Tịnh Quang thu hút nhiều người đến vào những ngày rằm. Việc xây dựng tour tuyến theo thị trường ngách, hướng đến đối tượng là những người thích tham gia những cuộc hành hương, vãn cảnh chùa là một điều cần thiết.
Du lịch về nguồn: Hóc Môn là nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử của nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu là Ngã ba Giồng - nơi họp xứ ủy Nam Kì và Dinh Quận. Trong quá trình điều tra thực địa, nghiên cứu đã đánh dấu được những địa danh có thể liên kết với nhau tạo thành một tour/tuyến du lịch với phân khúc thị trường là các lão thành cách mạng, các bạn trẻ tham gia vào công tác Đảng, Đoàn, Hội, đối tượng học sinh, sinh viên. Du lịch về nguồn hoàn toàn có thể hình thành dựa trên tiềm năng của các điểm di tích ở Hóc Môn
Du lịch trải nghiệm: Du lịch trải nghiệm tại Hóc Môn mới chỉ dừng lại ở mức độ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết giữa các điểm đến. Hóc Môn nằm ở một vị trí thuận lợi: nằm cạnh sông Sài Gòn, giáp với khu vực Thủ Dầu Một - Bình Dương. Phía bên kia sông là một không gian văn hóa đa dạng. Làng gốm Lái Thiêu, chợ Thủ Dầu Một là một trong những điểm nhấn quan trọng nếu Hóc Môn liên kết được với bên kia sông, tạo nên một mạng lưới liên kết chặt chẽ “trên bến - dưới thuyền”. Ngoài ra, khu vực giáp bờ sông tại địa phận Hóc Môn còn nhiều điểm tham quan, trải nghiệm khác như: cánh đồng hoa Nhị Bình, Villa nghỉ dưỡng H2 O, công viên đá Nhật Bản Rin Rin Park. Tuy nhiên, để trở thành tour tuyến du lịch đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người dân.
Xây dựng bản đồ tuyến điểm và tour tuyến du lịch Hóc Môn
Hóc Môn có lợi thế về giao thông kể cả đường bộ và đường thủy. Quốc lộ 22 nối dài giao nhau với quốc lộ 1A là điều kiện thuận lợi để du khách có thể tới Hóc Môn. Các tuyến điểm du lịch tâm linh lại phân bố gần tuyến quốc lộ 22, tạo lợi thế di chuyển cho những đoàn hành hương với số lượng người tham gia lớn. Trục giao thông đường thủy nối Hóc Môn với cùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương là điều kiện thuận lợi để liên kết vùng văn hóa, phát triển du lịch giữa Hóc Môn với bờ bên kia sông Sài Gòn.
Dựa trên bản đồ tuyến điểm du lịch Hóc Môn, nhóm nghiên cứu đã làm việc với đại diện của các điểm tham quan, kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Hóc Môn. Kết quả cho thấy, hầu hết người được khảo sát đều muốn phát triển dịch vụ du lịch trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, điều khiến họ quan tâm là phải có các công ty du lịch, lữ hành dẫn khách về nhưng vẫn đảm bảo duy trì được hệ thống và bộ máy làm việc của chính cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng 7 tour, trong đó gồm có 4 tour trong ngày và 3 tour 2 ngày 1 đêm. Mỗi tour được phân khúc theo thị trường ngách gắn liền với từng đối tượng khác nhau và có sự tham gia của các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Tour 1 ngày: gồm có 4 tour
Tour 1 (Về nguồn): Từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng, sau đó đi đến di tích lịch sử cấp Thành phố “Nơi họp xứ ủy Nam Kỳ”, Dinh Quận và ghé Villa H20 để dùng cơm trưa và tham gia các hoạt động tại đây, sau đó quay trở lại Thành phố.
Tour 2 (Văn hóa tâm linh): Từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến chùa Hoằng Pháp, Chơn Đức Thiền Viện, chùa Thanh Sơn, chùa Tịnh Quan và ghé Villa H20 để dùng cơm trưa, tham gia các dịch vụ trải nghiệm các dịch vụ, sau đó quay trở lại Thành phố.
Tour 3 (Về với thiên nhiên): Từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến Villa H20 để tham gia các hoạt động trải nghiệm trồng rau sạch, tham quan vườn dược liệu, share farm, byking đi qua các đường làng nông thôn. Sau đó, du khách đến tham quan cánh đồng hoa xã Nhị Bình, Công viên cá Koi Rin Rin Park, sau đó quay trở lại Thành phố.
Tour 4 (liên tuyến đường bộ kết hợp đường thủy): Từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến Villa H20. Du khách sẽ được di chuyển bằng đường sông tham quan cánh đồng hoa Nhị Bình, trải nghiệm làm gốm tại làng gốm Lái Thiêu, dạo mát trên sông sau đó quay về lại Thành phố.
Tour 2 ngày 1 đêm:gồm 3 tour
Ngày đầu tiên cả 3 tour sẽ có lịch trình di chuyển giống nhau: Du khách tham gia trải nghiệm tour liên tuyến đường bộ với đường thủy “trên bến dưới thuyền”. Mở rộng phạm vi di chuyển đến chợ Thủ Dầu Một sau đó quay về Villa H2 O để nghỉ ngơi.
Ngày thứ 2 du khách sẽ được lựa chọn tham gia một trong 3 tour: tour tâm linh, tour về nguồn hoặc tour về với thiên nhiên.
Tài liệu tham khảo:
1. George, R, 2019. Marketing tourism in South Africa. (6th Eds.). Oxford University Press Southern.
2. Novelli, M. (Eds.). (2005). Niche tourism: Contemporary issues, trends and cases. Routledge.
3. Giới thiệu huyện Hóc Môn – Trang tin Điện tử Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh. https://www.hcmcpv.org.vn/cap-uy-chi-tiet/huyen-hoc-mon/gioi-thieu[1]huyen-hoc-mon-1491378
Nguyễn Thị Thúy Phượng
Phạm Nguyễn Trọng Nhân
Nguyễn Trần Ngọc Phi
Võ Bích Tuyền
(Tạp chí Du lịch tháng 9/2022)