Tiềm năng và hiện trạng du lịch nông thôn Hoài Đức
Hoài Đức có bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, lại nằm ở vị trí cửa ngõ quan trọng của thủ đô Hà Nội với hệ thống giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Địa hình Hoài Đức nhìn chung bằng phẳng, phân thành 2 vùng tự nhiên là vùng bãi ven sông và vùng đồng ngăn bởi đê Tả Đáy.
Nông nghiệp là ngành sản xuất chính của Hoài Đức, trong đó trồng trọt giữ vai trò chủ đạo với các loại lúa, ngô, cây hoa màu cung cấp cho trung tâm Hà Nội và các vùng lân cận. Đến nay, huyện Hoài Đức đã hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả chất lượng cao, mô hình trang trại nông nghiệp như trang trại trồng rau chuyên canh an toàn theo quy chuẩn Vietgap ở thôn Tiền Lệ và Vân Côn; mô hình sản xuất phật thủ ở Đắc Sở, Yên Sở và đang nhân rộng ra các xã Tiền Yên, An Thượng; mô hình sản xuất bưởi đường tại Cát Quế, Đông La; mô hình sản xuất hoa lan tại các xã Đông La, An Thượng… Vùng đồng và vùng bãi cũng trồng nhiều loại cây ăn quả khác như vải thiều, ổi, nhãn, cam canh, hồng xiêm, đu đủ, táo. Đặc biệt, làng Giá (xã Yên Sở) và làng Sấu (xã Quế Dương) còn trồng rất nhiều dừa, tạo nên phong cảnh làng quê đẹp và yên bình.
Hoài Đức có 51/53 làng có nghề, trong đó có 12 làng được công nhận là làng nghề, chủ yếu tập trung vào một số nghề như chế biến nông sản (mì, miến, bột, xay xát gạo), làm mật mía, dệt may, bánh kẹo, tạc tượng, sản xuất đồ gỗ… Các làng nghề không chỉ tạo thu nhập cho người dân địa phương mà còn là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang sắc thái đặc thù.
Trải qua hàng nghìn năm, các thế hệ người Hoài Đức đã đóng góp xây dựng hệ thống đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ, nhà thờ họ mang đặc trưng của văn hóa làng xã. Một số công trình tiêu biểu như đình Hậu Ái (xã Vân Canh), đình Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi), đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên)… đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Một số quán thờ thành hoàng như quán Giá (xã Yên Sở), quán Kinh Thiên Đài (làng Lại Yên) cũng đã trở thành những điểm đến đón khách du lịch. Đặc biệt ở Hoài Đức, hầu như làng nào cũng có chùa, trong đó có một số chùa nổi tiếng như chùa Hương Trai (làng Dương Liễu), chùa Đại Bi (làng Đông Lao), chùa Gio (làng Thanh Quang)… thu hút nhiều khách thập phương…
Hoài Đức còn có nhiều đặc sản như bánh gai, bánh gio, bánh bác, bánh tẻ, bánh mật và một số sản phẩm làng nghề truyền thống như miến, bánh đa nem, các loại bột đao, bột mì, đường mía… Hầu như làng nào ở huyện cũng có nghề nấu rượu với một số thương hiệu khá nổi tiếng như Trại Chiêu, Ngự Câu, Tiền Lệ.
Hệ thống chợ ở Hoài Đức có đặc điểm họp luân phiên, tạo thành vòng khép kín suốt 5 ngày để ngày nào trong vùng cũng có chợ. Hầu hết các chợ đều ở những bãi đất rộng gần đường đi hoặc ven sông. Du lịch chợ quê cũng hứa hẹn là sản phẩm hấp dẫn của Hoài Đức giúp du khách trải nghiệm văn hóa vùng miền.
Quy hoạch phát triển Du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội để bổ sung cho các chương trình du lịch nội đô cũng như thành lập các cụm du lịch dọc theo đại lộ Thăng Long và phát triển du lịch ở vành đai sông Đáy. Đến nay, Hoài Đức chưa có quy hoạch phát triển du lịch nông thôn riêng nên sản phẩm du lịch nông thôn còn nghèn nàn, du khách đến Hoài Đức dành rất ít thời gian để tham quan các làng nghề và các trang trại nông nghiệp trồng cây ăn trái, trồng rau xanh bởi hầu hết các trang trại này chưa hướng tới mục đích trở thành điểm đến trải nghiệm của du khách. Các trang trại trồng cây ăn trái dọc theo sông Đáy hay các vườn hoa phong lan cũng không hướng tới mục đích khai thác phát triển du lịch mặc dù lượng khách tham quan khá đông.
Dân cư địa phương thuần túy làm nông nghiệp nên còn nhiều bỡ ngỡ trong quá trình tiếp thu, chuyển đổi sang làm dịch vụ du lịch, chưa có đủ kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp. Một số làng nghề ở Hoài Đức đang bị ô nhiễm, chưa có sự liên kết để tổ chức thành chuỗi cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh cho khách du lịch. Diện tích hồ, ao, sông, đất nông nghiệp đang bị thu hẹp để xây dựng các khu đô thị.
Du lịch nông thôn ở Hoài Đức vẫn đang ở hiện trạng khai thác nhỏ lẻ, chủ yếu là khách tham quan trong ngày, chưa thu hút được khách lưu trú qua đêm nên hiệu quả kinh doanh chưa cao.
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch nông thôn huyện Hoài Đức
Phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ tương hỗ với xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Vì thế, Hoài Đức cần triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, phát triển du lịch nông thôn gắn với đời sống nông nghiệp, nét kiến trúc cổ kính, phong cảnh thanh bình của làng quê, nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục cần được nhấn mạnh nhằm tạo ra sức hấp dẫn riêng.
Khớp nối hạ tầng kỹ thuật làng nghề, hệ thống các trang trại nông nghiệp với khu dân cư, đô thị, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nông thôn. Trong quá trình đầu tư phát triển du lịch nông thôn cần dựa theo lợi thế của mỗi địa phương như mô hình trang trại nông nghiệp, trang trại sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay làng nghề truyền thống.
Huyện Hoài Đức nên tổ chức rà soát, đánh giá lại hiện trạng 12 làng nghề đã được công nhận, từ đó xác định các làng nghề đủ điều kiện phục vụ du lịch; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề nâng cấp cơ sở hạ tầng đón tiếp khách tham quan và truyền thông quảng bá sản phẩm làng nghề. Công tác quảng bá với điểm nhấn là sự thân thiện, cởi mở của người dân địa phương cần được chú trọng nhằm lan tỏa hình ảnh, con người Hoài Đức hiền hòa, mến khách.
Ngoài ra cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích thiết thực từ việc phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch; hỗ trợ người dân tham gia các lớp tập huấn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng đón tiếp, quản lý và phục vụ khách; phát huy lợi thế giá trị ẩm thực địa phương. Chính quyền địa phương liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng chương trình trải nghiệm hấp dẫn ở những trang trại nông nghiệp sinh thái; tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành để xây dựng tour thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Ví dụ như tour đưa du khách đến Khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn kết hợp với các chương trình tham quan trang trại nông nghiệp, trải nghiệm làm nông dân, tham quan làng nghề truyền thống… trên địa bàn huyện vào dịp cuối tuần.
Tài liệu tham khảo
1. Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Hoài Đức, Địa chí Hoài Đức. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Tập 2 - 2018 - 694tr23.
2. Phạm Quốc Sử (2007), Phát triển du lịch làng nghề - nghiên cứu trường hợp tỉnh Hà Tây, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Thị Kim Thìn
(Tạp chí Du lịch tháng 7/2022)