Phát triển du lịch núi tại Thất Sơn
Trải dài trên địa bàn của hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và một phần huyện Thoại Sơn (An Giang) là những ngọn núi cao thấp, lớn nhỏ và dài ngắn khác nhau; mỗi ngọn có hình dáng, đặc trưng riêng được dân gian đặt cho những tên gọi như: núi Sam (hình dáng như con Sam), núi Két (hình chim Két), núi Tượng (hình con voi)... phù hợp cho những ai thích ngắm cảnh, chụp ảnh và muốn có những trải nghiệm thú vị. Trong vùng, có nhiều ngọn núi cao như: núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài... là điều kiện tốt để khai thác các hoạt động leo núi, khám phá và tham quan. Hiện nay, việc chinh phục độ cao của núi Cấm – ngọn núi cao nhất trong toàn vùng bằng cáp treo là sự trải nghiệm mới cho nhiều khách du lịch. Tuy nhiên, du khách sẽ có một trải nghiệm khác không kém phần ấn tượng bằng cách sử dụng xe gắn máy làm phương tiện lên và xuống núi, một cảm giác hồi hộp đầy hấp dẫn và mạo hiểm.
Đến với Thất Sơn, ngoài việc chinh phục và hòa mình vào thiên nhiên thì vẫn có thể tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội như: Khu di tích lịch sử Tức Dụp, Khu di chỉ Óc Eo, Miếu Bà Chúa xứ, chùa Tây An, chùa Linh Sơn... được cho là những nơi linh thiêng, thu hút du khách gần xa
Núi Cấm Thất Sơn được xem là thánh địa của các tôn giáo nội sinh ở miền Nam bởi sự linh thiêng, bí hiểm của một vùng núi cao hiểm trở. Vì vậy, có thể kết hợp các hoạt động của du lịch núi với du lịch tôn giáo để tạo sự đa dạng cho vùng cũng là cách giúp du lịch núi phát triển nhiều hơn.
Thực trạng và giải pháp
Hiện nay, Thất Sơn đang tập trung khai thác một số loại hình du lịch núi như: tham quan, lễ hội và tâm linh, tập trung chủ yếu ở hai ngọn núi Cấm và núi Sam. Tuy nhiên, các hoạt động này còn rời rạc, chưa có nhiều dịch vụ và hoạt động liên quan đến du lịch núi để du khách có thể lựa chọn. Để thu hút loại hình du lịch núi, Thất Sơn cần có một số giải pháp sau:
Có quy hoạch và định hướng cụ thể về phát triển du lịch; phân công trách nhiệm và ban hành các quy định, hướng dẫn trong việc thực hiện khai thác các hoạt động du lịch.
Đầu tư nhiều hơn cho du lịch; bổ sung các dịch vụ mới và cải tạo chất lượng các dịch vụ đã xuống cấp; tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt chú trọng phát triển cơ sở lưu trú cả về số lượng, chất lượng lẫn hình thức phục vụ.
Đối với khách có nhu cầu kết hợp du lịch núi với tham quan – nghỉ dưỡng, trải nghiệm, nghiên cứu về tôn giáo, thiền... thì cần có các dịch vụ chuyên biệt từ ăn uống, lưu trú đến vận chuyển và giải trí.
Đẩy mạnh khai thác các hoạt động như: leo núi, đi bộ đường dài, chạy xe đạp, tìm hiểu về các yếu tố dân tộc học... trong các chương trình du lịch ở các núi.
Có sự liên kết nhiều hơn giữa các điểm với các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh để tránh sự trùng lắp và khai thác có hiệu quả tiềm năng chung về du lịch của cả vùng.
Kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương, khai thác tối đa yếu tố dân tộc học trong du lịch.
Ngoài ra, cần có sự kết hợp nhiều hơn và chặt chẽ hơn giữa du lịch núi với các loại hình du lịch khác như : du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng – chữa bệnh, khám phá – mạo hiểm, lễ hội... thông quá các loại hình du lịch này có thể đẩy mạnh phát triển du lịch núi một cách toàn diện.
Khai thác phải luôn đi đôi với bảo vệ, hạn chế việc các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của các điểm du lịch.
Sự hoang sơ của thiên nhiên, vẻ đẹp của núi cao hồ sâu, những câu chuyện huyền bí và nét văn hóa riêng của cư dân miền núi so với người đồng bằng là sự hấp dẫn tuyệt vời đối với những ai yêu thiên nhiên và văn hóa miền núi ở vùng Tây Nam Bộ. Đây là những điều kiện mà không phải tỉnh nào cũng có được, tuy nhiên khai thác như thế nào cho hiệu quả không hề dễ dàng.
Hy vọng rằng trong tương lai, Thất Sơn sẽ được đầu tư đúng mức và sẽ trở thành một trong những điểm du lịch núi tiêu biểu của ĐBSCL cũng như của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo: - Nguyễn Văn Hầu: Nửa tháng trong miền Thất Sơn, NXB Trẻ, 2006. - Sơn Nam: Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang, NXB Trẻ 2009. - Sơn Nam: Đi và ghi nhớ, NXB Văn hóa Sài Gòn 2008. - Trần Ngọc Thêm (Chủ biên): Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hóa – Văn nghệ 2014 |
Ths. Đỗ Thị Kiều Hoa